(vhds.baothanhhoa.vn) - Trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng điểm nhấn là thác Mây - “quà tặng vô giá” của thiên nhiên, thời gian qua người dân thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm (Thạch Thành) đã thay đổi tư duy, chuyển sang “khởi nghiệp” làm du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Người Mường thôn Đăng Thượng làm du lịch cộng đồng

Trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng điểm nhấn là thác Mây - “quà tặng vô giá” của thiên nhiên, thời gian qua người dân thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm (Thạch Thành) đã thay đổi tư duy, chuyển sang “khởi nghiệp” làm du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Người Mường thôn Đăng Thượng làm du lịch cộng đồngCùng với phát triển du lịch, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân trong thôn cũng đang dần khôi phục.

Cách đường mòn Hồ Chí Minh chừng 13km, ẩn mình dưới rừng nguyên sinh xanh ngát thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương, Đăng Thượng là một trong những thôn xa xôi nhất của xã Thạch Lâm, nơi có thác Mây quanh năm nước chảy tầng tầng, lớp lớp và trắng xóa như những đám mây trời. Không chỉ vậy, ở bản làng hoang sơ, bình yên này còn lưu giữ những nếp nhà sàn truyền thống, đan xen những thửa ruộng bậc thang ...

Đăng Thượng hiện có 153 hộ với gần 700 khẩu, đồng bào Mường chiếm 99% dân số trong thôn, người dân nơi đây tự bao đời nay chủ yếu canh tác, sản xuất nông nghiệp là chính. Với sự ưu ái của thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống được trao truyền, đặc biệt là điểm du lịch thác Mây, hàng năm thu hút lượng lớn khách du lịch. Những năm qua người dân thôn Đăng Thượng đã thay đổi tập quán, tư duy chuyển sang làm du lịch cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Thăng, bí thư kiêm trưởng thôn Đăng Thượng chia sẻ: Trên cơ sở lấy thác Mây làm trung tâm, năm 2019 người dân trong thôn bắt đầu manh nha làm du lịch cộng đồng, từ chỗ có 7 hộ đến nay đã là 15 hộ dân kinh doanh dịch vụ lưu trú theo hình thức homestay. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, ý thức trong bảo vệ môi trường sống, đường làng, ngõ xóm thêm sạch đẹp nâng cao hơn. Bà con tích cực gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa, nghề truyền thống.

Đến với Đăng Thượng, du khách không chỉ “ngẩn ngơ” trước vẻ đẹp kỳ vĩ, thơ mộng của thác Mây mà còn đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ của bản làng. Ngoài ra, cùng tham gia những hoạt động văn hóa như: hát Mường, sắc bùa, cồng chiêng, hát giao duyên, đánh mảng, ném còn; thưởng thức xôi nếp nương, gà đồi, thịt trâu nấu lá lồm, cá thính sông Ngang, thịt lợn rừng, canh lá đắng, ốc đá, măng đắng và khám phá nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mường.

Người Mường thôn Đăng Thượng làm du lịch cộng đồngNgười dân thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Là một trong những hộ gia đình đầu tiên trong thôn làm du lịch cộng đồng, anh Nguyễn Văn Thỏa, chủ homestay ở đây cho biết: Do nhà nằm dưới chân thác Mây, mỗi lần khách du lịch đến tham quan đều nhờ gia đình nấu ăn. Khi được tham dự các lớp tập huấn về du lịch của huyện, cùng sự quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh cùng vợ mạnh dạn vay vốn, đầu tư vào mô hình du lịch cộng đồng. Ngoài dịch vụ lưu trú, homestay của anh Thỏa cũng phục vụ du khách dịch vụ ăn uống ngoài trời. Nhờ làm du lịch, trung bình mỗi năm cũng thu được gần 400 triệu đồng, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Năm vừa rồi gia đình có đầu tư xây dựng 2 khu nhà sàn, có sức chứa 80 người mỗi căn, phục vụ cho du khách nghỉ lại, trải nghiệm du lịch cộng đồng.

Du lịch đã góp phần cải thiện, nâng cao cuộc sống người dân, từ đó góp phần tạo cơ hội việc làm, tăng nguồn thu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện, thôn Đăng Thượng chỉ còn 9 hộ nghèo.

Để làm phong phú thêm hoạt động du lịch cộng đồng, hướng đến kết nối các tour du lịch khác trong huyện như: Thác Voi, Di chỉ Khảo cổ hang Con Moong, Khu Di tích chiến khu Ngọc Trạo… cũng như bảo tồn, lưu truyền các giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường, xã Thạch Lâm đang từng bước phát triển du lịch cộng đồng ở Đăng Thượng theo hướng bền vững. Chú trọng nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, cảnh quan thiên nhiên, phát triển văn hóa kết hợp với khôi phục làng nghề truyền thống.

Đồng chí Vũ Văn Đạt, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành, cho biết: Với mong muốn sớm đưa Đăng Thượng trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, huyện đã có chiến lược, lộ trình cụ thể. Định hướng đến năm 2025 tập trung đầu tư, mở rộng tuyến đường vào Khu Du lịch thác Mây, xây dựng bãi đỗ xe; tăng cường đầu tư, mở rộng hệ thống các điểm lưu trú, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng... Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút các nhà đầu tư; mở rộng liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị, từ đó phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch vốn có.

Bài và ảnh: Viết Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]