(vhds.baothanhhoa.vn) - Nguyễn Hoàn (1713-1792), xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Ông là con trai thứ hai của Đệ tam giáp tiến sĩ Nguyễn Hiệu, Thượng thư Bộ Lại thời kỳ Lê - Trịnh. Xuất thân hơn người, Nguyễn Hoàn không chỉ thành công trong thi cử, ông còn kinh qua nhiều chức vụ quan trọng. Cả cuộc đời ông là một trang sử rực rỡ ánh hào quang.

Nguyễn Hoàn, người biên soạn bộ Quốc sử thời Lê - Trịnh

Nguyễn Hoàn (1713-1792), xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Ông là con trai thứ hai của Đệ tam giáp tiến sĩ Nguyễn Hiệu, Thượng thư Bộ Lại thời kỳ Lê - Trịnh. Xuất thân hơn người, Nguyễn Hoàn không chỉ thành công trong thi cử, ông còn kinh qua nhiều chức vụ quan trọng. Cả cuộc đời ông là một trang sử rực rỡ ánh hào quang.

Nguyễn Hoàn, người biên soạn bộ Quốc sử thời Lê - TrịnhNhà thờ Nguyễn Hoàn, ở thôn 4, xã Nông Trường (Triệu Sơn).

Thầy dạy của chúa Trịnh

Từ khi 19 tuổi, ông đã đỗ giải nguyên khoa thi Hương năm Nhâm Tý (1732); đến 20 tuổi (1733) thi Hội đỗ Tam trường, rồi đỗ Hội nguyên (1734); và đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Hợi (1743).

Ngay sau đó, ông được bổ làm quan với chức Cấp sự trung bộ hộ và được chúa Trịnh Doanh tin cẩn chọn làm thầy dạy cho Trịnh Sâm. Sự tin cẩn của chúa Trịnh Doanh còn thể hiện cả khi chúa mang quân ra ngoài, song vẫn giao cho Nguyễn Hoàn trọng trách ở lại trông nom phủ chúa. Năm 1761, Nguyễn Hoàn được cử giữ chức Phủ đoan phủ Phụng Thiên, rồi Đông Các đại học sĩ. Sau đó khi Trịnh Sâm được phong chức Nguyên soái, Nguyễn Hoàn cũng được thăng lên làm Tả thị lang bộ Công, tước hầu. Cùng năm này, Nguyễn Hoàn còn được vào phủ chúa giữ chức Bồi tụng. Thời gian ở phủ Chúa, ông đã giúp thế tử Trịnh Sâm học tập. Ông là người góp phần lớn trong việc đào tạo Trịnh Sâm trở thành một người nổi tiếng hay chữ. Không chỉ dâng bài “Thập châm” để khuyên răn Trịnh Sâm, ông còn ghi chép tất cả những lời nói, việc làm của Trịnh Sâm trong 23 năm kể từ khi khai tâm đến lúc làm chúa, thành một quyển sách có tên là Tiềm long thực lục. Ngoài ra, ông còn dâng lên chúa cuốn “Trí kính tập”. Với tất cả tấm lòng mà Nguyễn Hoàn dành cho mình, chúa Trịnh Sâm đã trao cho ông danh hiệu Quốc sư mà từ trước tới thời điểm đó chưa bao giờ có. Chúa Trịnh Sâm quý trọng ông đến mức, trong chuyến đi lễ yết kiến nhà Thái miếu và yết kiến vua Lê ở điện Vạn Thọ (Thanh Hóa) năm 1769, Trịnh Sâm đã đến nhà Nguyễn Hoàn chơi và ban ơn rất hậu cho ông. Theo Đại Việt sử ký tục biên 1676-1789, ông đã được ban cho một tòa dinh thự, ân sủng ấy chúa Trịnh dành riêng cho thầy dạy mà không phải vị quan nào cũng có được.

Khi Trịnh Sâm được thăng lên là Đại nguyên soái tổng quốc chính, Thượng sự Tĩnh vương, Nguyễn Hoàn còn được cất nhắc làm Hữu thị lang Bộ Binh. Đến tháng 5 năm Canh Dần (1770), chúa Trịnh đã cử Nguyễn Hoàn giữ chức Đô ngự sử, hàm chánh Tam phẩm và căn dặn ông rằng: “Ngự sử có trách nhiệm gương mẫu, các ngươi là kỳ cựu, ta chọn đã lâu, cho nên thăng vượt bậc. Phải nên hết lòng, hết sức làm cho các ty kính theo phép tắc”. Cũng do có công phò tá, nên vào cuối năm này, trong đợt thăng thưởng cho các quan, Nguyễn Hoàn còn được chúa Trịnh cử giữ chức Thượng thư Bộ Công, rồi Thượng thư Bộ Hình.

Không chỉ là thầy dạy của chúa Trịnh, được chúa Trịnh cũng như vua Lê cho nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, đứng đầu mấy bộ trong triều mà Nguyễn Hoàn còn là một vị quan có đóng góp nhiều trong lĩnh vực văn hóa của đất nước thời bấy giờ. Năm 1771 (Tân Mão), chúa Trịnh đã cho Nguyễn Hoàn vào chầu ở Kinh diên (nơi vua đọc sách) và cử ông giữ chức Tri Quốc tử giám. Như vậy, bắt đầu từ Nguyễn Hoàn, quan Tư nghiệp Quốc Tử giám mới được kiêm Kinh diên. Trong thời gian này Nguyễn Hoàn đã cho lập bia hạ mã ở cửa nhà Thái học, đào ao Bích Thủy trước nhà Thái học... Ngoài ra, ông còn tiến hành tổ chức xây dựng lại cảnh quan của Quốc Tử Giám như mở đường dẹp bớt nhà dân xung quanh, trồng cây, lát đường... Những việc làm đó đã góp phần tạo nên một Quốc Tử Giám hoành tráng và quy mô tồn tại đến ngày nay.

Và vị tổng tài biên soạn bộ Quốc sử

Nhắc đến Nguyễn Hoàn là nhắc đến vị tổng tài triều Lê – Trịnh với việc biên soạn bộ Quốc sử. Sống trong giai đoạn các chúa Trịnh quan tâm tới sử học, từng thành lập cơ quan chuyên trách sử học với tên gọi là Sử quán: giữ việc ghi chép biên soạn sử sách. Từ việc nhà vua nói, làm và ưa chuộng những gì, đến các quan ty ngay – gian; chính sự hay - dở, nhân tài hơn kém, đều phải ghi chép thẳng thắn để lưu tâm mà làm gương. Điều này, trước đó chúa Trịnh Doanh đã có ban hành quy chế cụ thể, song phải 1⁄4 thế kỷ sau việc biên soạn Quốc sử mới chính thức được thực hiện. Năm 1775, Trịnh Sâm ban bổ các chức tổng tài và toản tu. Cụ thể là hạ lệnh cho Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn và Nguyễn Sá biên soạn Quốc sử; bổ dụng Bồi tụng Nguyễn Hoàn, Lê Quý Đôn, Phó đô ngự sử Vũ Miên chức tổng tài, chỉ đạo công tác biên soạn bộ “Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên”. Phải khẳng định, để được lựa chọn làm trong cơ quan biên soạn sử của nhà nước thì tiêu chí phải là người có trình độ học vấn, năng lực và tài giỏi.

Điều đặc biệt là ông và con trai trưởng là Nguyễn Sa đều được lựa chọn để tham gia biên soạn bộ Quốc sử này. Đây cũng là một trong những trường hợp hiếm có của lịch sử phong kiến Việt Nam (sau này vào thế kỷ XX có cha con Cao Xuân Dục và Cao Xuân Tiếu).

Bộ Quốc sử tục biên gồm 6 cuốn chép lịch sử giai đoạn hơn 60 năm từ niên hiệu Vĩnh Trị (1676) triều Lê Hy tông đến triều vua Lê Ý tông, niên hiệu Vĩnh Hựu. Quốc sử tục biên là phần nối tiếp bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”.

Nguyễn Hoàn, người biên soạn bộ Quốc sử thời Lê - TrịnhBia 4 mặt ghi công trạng của Nguyễn Hoàn.

Sau hơn 30 năm làm việc, năm 1777, ông xin về trí sĩ, chúa Trịnh Sâm dù phê “Tạm hứa cẩm toàn” (tạm cho mặc áo gấm về làng) nhưng vẫn không quên ghi rõ “trùng đăng hoàng các” (rồi lại ra làm Tể tướng). Điều đó cho thấy vai trò của ông trong giai đoạn lịch sử này. Cụ thể là khi sắp về nghỉ, ông đã được ban làm Quốc lão tham dự triều chính; ngày ra khỏi kinh thành, vua cho đặt tiệc tiễn tại nơi ở, triều thần hội tiễn, ngoài ra còn ban thưởng cho ông rất nhiều quan tiền và voi, ngựa, xe...; đặc biệt được cả vua Lê – chúa Trịnh mỗi người tặng một bài thơ tiễn biệt.

Về trí sĩ ông lựa chọn Đa Sĩ (nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) làm quê hương thứ hai bởi ông vẫn rất quan tâm đến thời cuộc, đến vận mệnh của đất nước. Nơi này gần với Thăng Long, sẽ thuận lợi để ông nắm bắt được thế cuộc. Chứng cớ là, khi đã về Đa Sĩ, thì đến năm Kỷ Dậu 1789, Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, cho quân đến vời Nguyễn Hoàn hỏi kế sách phá giặc, ông từ Đa Sĩ đã ra tiếp kiến, song lấy lý do già yếu xin được trở về nhà.

Năm 1792, Nguyễn Hoàn mất, mộ táng tại xóm Bắc làng Đa Sĩ. Đến năm 1823, cụ được đưa về làng Lan Khê (nay là xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa).

Về thôn 4, xã Nông Trường (Triệu Sơn) trong một khuôn viên nhỏ, nhà thờ Nguyễn Hoàn nằm nép phía sau, ở phía trước là bia 4 mặt, ghi công trạng của ông có lịch sử vài trăm năm. Theo anh Mai Văn Phú, cán bộ công chức văn hóa xã cho biết: Hiện nay, dòng họ Nguyễn Hà trên đất xã Nông Trường đang thu thập các cứ liệu lịch sử để tiến tới đề nghị công nhận nhà thờ Nguyễn Hoàn là di tích cấp quốc gia. Nếu được công nhận, đây chắc chắn là niềm vui với bà con và chính quyền xã. Chúng tôi tự hào trên đất của mình có 2 vị Thượng thư và là 2 cha con. Đặc biệt là cụ Nguyễn Hoàn, vị quan thanh liêm, chính trực, người thầy tận tâm, tận lực; nhà sử học tài hoa, uyên bác, công danh lưu truyền mãi mãi".

Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Nguyễn Hiệu và Nguyễn Hoàn, danh nhân lịch sử thế kỷ XVII-XVIII (NXB Thế giới, 2010).

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]