(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi triều đại nhà Hồ mở khoa thi (năm 1400), Nguyễn Mộng Tuân đỗ Thái học sinh. Lúc bấy giờ, ông được đánh giá là nhà nho có học vị cao nhất của xứ Thanh tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu. Bên cạnh sự nghiệp làm quan, Nguyễn Mộng Tuân còn để lại cho đời một di sản thơ phú đồ sộ ít người sánh kịp.

Nguyễn Mộng Tuân: Danh sĩ xứ Thanh tài hoa xuất chúng

Khi triều đại nhà Hồ mở khoa thi (năm 1400), Nguyễn Mộng Tuân đỗ Thái học sinh. Lúc bấy giờ, ông được đánh giá là nhà nho có học vị cao nhất của xứ Thanh tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu. Bên cạnh sự nghiệp làm quan, Nguyễn Mộng Tuân còn để lại cho đời một di sản thơ phú đồ sộ ít người sánh kịp.

Nguyễn Mộng Tuân: Danh sĩ xứ Thanh tài hoa xuất chúng

Nghi thức tế lễ trong ngày giỗ Nguyễn Mộng Tuân mùng 8 tháng 2 (âm lịch).

Theo sách “Địa chí huyện Đông Sơn”, Nguyễn Mộng Tuân tự là Văn Nhược, hiệu Cúc Pha, quê ở làng Viên Khê, xã Đông Anh, nay là xã Đông Khê (Đông Sơn). Khi nhà Hồ mở khoa thi (năm 1400), Nguyễn Mộng Tuân thi và đỗ Thái học sinh. Cùng đỗ với ông lúc bấy giờ còn có Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn - đều là những danh sĩ đương thời, tên tuổi lưu danh sử sách.

Chứng kiến thất bại của nhà Hồ trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược vì không được lòng dân ủng hộ, sau thời gian lui về ở ẩn, người con đất Viên Khê đã quyết định tìm đến khởi nghĩa Lam Sơn với Bình Định Vương Lê Lợi. Xuyên suốt quan điểm trong ông chính là tư tưởng lấy dân làm gốc: “Quân chu” (vua là thuyền); “Dân thủy” (dân là nước). Chính bởi vậy, khi đọc sách “Lam Sơn thực lục” về sự nghiệp “Bình Ngô” của Lê Lợi, Nguyễn Mộng Tuân đã từng viết, đại ý: Tập hợp kẻ tuấn kiệt, thu nạp mưu lược của nhiều người. Khôi phục và mở mang phong cương lập nên nước lớn, cùng xem ngày tháng mới biết rằng muốn thắng người không cần phải có thành cao hào sâu.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thành công, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi vua lập ra vương triều Hậu Lê, khai quốc công thần Nguyễn Mộng Tuân được phong tước Á Hầu giữ chức Khu Mật Đại sử. Ông làm quan trải ba đời vua. Theo sử liệu, dưới thời vua Lê Thái Tông ông giữ chức Trung Thư lệnh và Đô úy; đời vua Lê Nhân Tông ông còn đi đánh giặc Chiêm Thành, thắng trận trở về được ban tước Vinh lộc Đại phu. Trong sự nghiệp làm quan, Nguyễn Mộng Tuân từng tham gia làm giám khảo khoa thi Nhâm Tuất (1442) và Mậu Thìn (1448). Với văn tài và kiến thức uyên thâm, ông được triều đình cử tiếp các đoàn sứ bộ của các nước; vào tòa Kinh Diên dạy vua học.

Dù con đường làm quan nhiều thăng tiến, song điều khiến người con đất Viên Khê tỏa sáng không phải chức tước hay bổng lộc, mà là di sản thơ ca. Nguyễn Mộng Tuân để lại cho đời nhiều tác phẩm lớn, trong đó “Cúc Pha thi tập” gồm 143 bài chữ Hán của ông được đánh giá rất cao, trong đó đặc biệt là thể loại phú với những tác phẩm nổi tiếng như: Chí Linh sơn phú; Lam Sơn giải khí phú; Tây binh vũ phú; Nghĩa kỳ phú; Hậu Bạch Đằng giang phú; Bút trận phú... Các tác phẩm đã đưa “Nguyễn Mộng Tuân trở thành tác giả có trình độ cao về thể loại này mà đương thời ít có người sánh kịp. Cùng với Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Thiên Tích, Phan Phu Tiên... Nguyễn Mộng Tuân đã góp phần tạo nên dòng văn học chủ đạo của nửa đầu thế kỷ XV” (theo Địa chí huyện Đông Sơn).

Văn chương, thơ phú không chỉ là nơi người con tài hoa xứ Thanh Nguyễn Mộng Tuân thỏa mãn đam mê, mà sâu xa hơn là ký gửi tâm tư, nỗi niềm, quan điểm về giang sơn đất nước, cùng những vấn đề thời thế, con người. Nhà nghiên cứu Phan Bảo ở bài viết “Căn cứ Linh Sơn (Pù Rinh) trong bài phú của Nguyễn Mộng Tuân” đã nhận xét: “Thơ của ông thường ca ngợi non sông Tổ quốc hiểm trở và diễm lệ; sức mạnh của Nhân dân là vô địch, hễ theo về thì quốc gia hưng thịnh, hễ bỏ đi thì nhà nước tiêu vong”.

Nguyễn Mộng Tuân: Danh sĩ xứ Thanh tài hoa xuất chúng

Bức họa “Tình bằng hữu Nguyễn Mộng Tuân - Nguyễn Trãi” của tác giả Đăng Văn.

Đọc lại tác phẩm phú “núi Chí Linh” (Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ X - thế kỷ XVII, Nguyễn Sĩ Lâm dịch) ta càng hiểu rõ hơn tư tưởng yêu nước, coi trọng người tài của Nguyễn Mộng Tuân: “Một dải quanh co bao bọc, không thể hình trạng/ Thật trời cũng giành, mà đất giấu, bí hiểm muôn ngàn... Khen quả núi khéo chăm lo chức vụ, sắp cơ ngơi để đón rước xe loan/ Muốn dưỡng sức mà chờ cơ hội, quyết bền gan để tiêu diệt hung tàn/ Rà cánh phượng nhằm nơi ẩn náu, uốn khúc rồng qua buổi gian nan”.

Tự hào về non sông, đất nước, lịch sử dân tộc, Nguyễn Mộng Tuân nhắc nhiều hơn đến vai trò của người làm vua, kẻ làm quan. Yêu nước, thương dân, ông luôn răn mình “tiên ưu, hậu lạc”, tức là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Chẳng phải vì thế mà trong bài “Mạn thuật” ông đã viết: “Góp vào công việc nhà nước, tự thẹn rằng mình mà cũng dự vào hàng ngũ những người vui sau thiên hạ. Nhân dân bị rơi vào vực lầm than, tấm lòng gắn với mối lo trước thiên hạ”.

Nhắc đến Nguyễn Mộng Tuân, hậu thế còn nhớ đến tình bằng hữu để đời giữa ông và Nguyễn Trãi - hai nhân vật lịch sử có nhiều điểm chung: đỗ Thái học sinh cùng năm; là những khai quốc công thần dốc lòng cho sự nghiệp “Bình Ngô”; về sau đều là những trọng thần trong triều... Và cả hai ông đều không may vướng phải hàm oan chốn quan trường.

Đáng buồn, sau khi Nguyễn Trãi vướng vào vụ án oan “Lệ Chi viên”, cuối đời Nguyễn Mộng Tuân cũng không tránh khỏi tai họa. Như “Đại Việt Sử ký toàn thư” đã viết: “Tể thần như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt được sáu loại súc vật, Chưởng binh Lê Điên, Lê Luyện thì mù tịt chẳng sao hiểu được bốn mùa một năm. Bậc lương thần như Trịnh Khả, Khắc Phục thì kèn cựa mà giết đi, người tài sĩ như Nguyễn Mộng Tuân thì đẩy vào vòng tai họa. Oan uổng không chỉ kêu xin, mọi việc thảy đều đổ nát”.

Và phải chăng, đây là lý do cho việc cuối đời, thay vì về Viên Khê, Nguyễn Mộng Tuân lại chọn làng Dị - tên chữ là Phủ Lý (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) để ẩn cư. Cũng tại đây, hiện có di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Từ đường họ Nguyễn - nơi thờ Nguyễn Mộng Tuân. Ông Nguyễn Xuân Văn, hậu duệ danh sĩ Nguyễn Mộng Tuân, cho biết: “Theo gia phả và truyền miệng trong dòng họ, khi cụ nhà (Nguyễn Mộng Tuân - PV) về làng Phủ Lý, con cháu đời sau đều đổi họ “Nguyễn Mộng” thành “Nguyễn Xuân” cho đến ngày nay. Diện mạo di tích Từ đường họ Nguyễn thờ cụ Nguyễn Mộng Tuân là công trình xây dựng thời Nguyễn, đến nay đang có nhiều dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi mong muốn được sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn hỗ trợ dòng họ trong việc trùng tu, tôn tạo di tích xứng tầm tên tuổi của cụ nhà trong lịch sử”.

Ngưỡng mộ tài năng, nhân cách của danh sĩ xứ Thanh Nguyễn Mộng Tuân, hàng năm vào ngày giỗ của ông mùng 8 tháng 2 (âm lịch), đông đảo người dân địa phương và con cháu dòng họ Nguyễn Xuân lại cùng nhau tập trung về di tích dâng hương tưởng nhớ người xưa. Được biết, những năm gần đây dòng họ Nguyễn Xuân đã thành lập quỹ khuyến học trao thưởng cho các cháu học sinh, sinh viên đạt thành tích học tập xuất sắc. Hoạt động không chỉ nâng cao tinh thần đoàn kết, nhắc nhớ con cháu hướng về nguồn cội, còn khơi dậy, phát huy tinh thần hiếu học - xứng đáng là con cháu của danh sĩ Nguyễn Mộng Tuân.

Bài và ảnh: Trang Bùi


Bài và ảnh: Trang Bùi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]