(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Múa lân sư rồng hay biểu diễn cà kheo là những bộ môn nghệ thuật đậm chất văn hóa truyền thống của người Việt. Thanh Hóa may mắn có được những câu lạc bộ (CLB) hoạt động trong cả 2 bộ môn này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những CLB giữ ‘hồn’ văn hóa

(VH&ĐS) Múa lân sư rồng hay biểu diễn cà kheo là những bộ môn nghệ thuật đậm chất văn hóa truyền thống của người Việt. Thanh Hóa may mắn có được những câu lạc bộ (CLB) hoạt động trong cả 2 bộ môn này.

3 năm ra đời, CLB võ thuật lân sư rồng TP Thanh Hóa đã vinh dự được tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện văn hóa của thành phố và của tỉnh. 3 năm để có hơn 200 hội viên (trong đó múa lân sư rồng 50 người, chủ yếu là những người trẻ) là một con số ấn tượng, đáng nể phục. Tự hào hơn, chính những hội viên này đã thắp sáng cho ngọn lửa đam mê, khơi dậy nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống.

Để có những động tác bay nhảy, quật... vừa dẻo dai, mềm mại lại vừa mạnh mẽ, dứt khoát, vừa nhu vừa cương thì tất cả phải đòi hỏi sự khỏe khoắn về thể lực và phải thực sự đam mê mới có thể hóa thân vào lân sư rồng. Để tập được 1 bài lân là cuộc hành trình khó, bởi kéo dài tới 6 tháng. “Cái quan trọng là phải có sự sáng tạo ở trong mỗi bài lân để khi trình diễn không được bài nào giống bài nào, tránh sự lặp lại, dễ gây nhàm chán với người xem” - Phó Chủ tịch CLB Võ thuật Lân sư rồng Nguyễn Thị Hải Yến cho biết.

3 năm chưa phải là dài nhưng CLB Võ thuật Lân sư rồng TP Thanh Hóa đã thực sự chinh phục được người xem bởi sự hấp dẫn, lôi cuốn, mang hơi thở của thời gian... Bên cạnh việc đào tạo môn võ thuật cổ truyền thì chính từ bộ môn này, CLB sẽ khai thác, tìm ra những “hạt nhân” cho múa lân sư rồng. Vậy nên, múa lân sư rồng luôn luôn ổn định về nguồn nhân lực để khi cần là có với sức trẻ, sự nhiệt huyết... Cái khó, chính là địa điểm tập luyện cho CLB như lời chủ tịch CLB Phan Quang Hoàng chia sẻ: “Trên một phần diện tích khuôn viên của Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh sẽ hạn chế cho sự tập luyện của CLB, lúc trời mưa thì phải dừng toàn bộ hoạt động...”.

Đi cà kheo múa lân sư rồng trong Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2010. (Ảnh: Đỗ Đức)

Cùng với múa lân sư rồng TP Thanh Hóa thì biểu diễn cà kheo của TP Sầm Sơn cũng làm cho nhiều người “say” bởi tính độc đáo của trò diễn này. Cách đây 8 năm, vào năm 2009, cà kheo được vực dậy và CLB Cà kheo Sầm Sơn cũng đã ra đời trong năm này.

Cà kheo là nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân biển Sầm Sơn, là một dụng cụ sản xuất từ xa xưa để khai thác nguồn lợi thủy sản. Cà kheo làm bằng tre hoặc trúc già, thân thẳng, chịu lực tốt, có chỗ đặt chân và nén kheo. Người đi kheo dựa vào nước để lấy thăng bằng. Cà kheo lên bờ khó hơn ở dưới nước. Vậy nên, người đi kheo chủ yếu là những người trẻ bởi họ có sức khỏe, có sự kiên trì. Đi kheo là cả một nghệ thuật, không khéo sẽ rất dễ ngã.

Cà kheo Sầm Sơn không chỉ tham gia biểu diễn ở các lễ hội truyền thống của địa phương còn được mời tham gia biểu diễn ở các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh... Nhưng hiện nay, CLB cà kheo Sầm Sơn hoạt động im ắng hơn và tham gia vào các lễ hội đã có phần hạn chế. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm TDTT Sầm Sơn bồi hồi nhớ lại: “Đã có những thời gian, cà kheo Sầm Sơn đi đến đâu cũng được đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt với khách du lịch đến Sầm Sơn, họ ngưỡng mộ vô cùng. Mỗi lần CLB biểu diễn là họ cổ vũ nhiệt tình lắm. Ở Quảng Cư còn 6 cháu tham gia CLB trong đó có 2 cháu đi kheo, múa kheo rất giỏi, có thể là gọi là nghệ nhân”...

Một bộ môn nghệ thuật độc đáo, mang đặc trưng nét văn hóa vùng biển lại dường như đang hoạt động rất cầm chừng vì không có được sự hỗ trợ kinh phí để hoạt động. Còn nhớ, cách đây 8 năm, chính Trung tâm TDTT Sầm Sơn đã có nỗ lực lớn đó là ra ngoài Nam Định để mời các nghệ nhân về dạy kỹ thuật đi kheo. Và trò diễn này cũng được khôi phục từ đó ngay trên đất Sầm Sơn trong sự vui mừng của lãnh đạo cũng như người dân. Nhưng cà kheo Sầm Sơn lại như đang bị “bỏ rơi” sau 8 năm dày công khôi phục. Liệu đến một lúc nào đấy, còn ai giữ “hồn” cà kheo?

Không thể phủ nhận sự đóng góp có hiệu quả của các CLB này, vừa phục vụ xã hội vừa giữ gìn giá trị nghệ thuật văn hóa truyền thống nhưng không được quan tâm đúng mức thì cũng sẽ rất khó để tồn tại.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]