(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2018, mảnh đất Thiệu Trung (Thiệu Hoá) có đến 2 lần được đón nhận tin vui: Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia và đền thờ Lê Văn Hưu được công nhận là điểm du lịch...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nối tiếp những niềm vui

Năm 2018, mảnh đất Thiệu Trung (Thiệu Hoá) có đến 2 lần được đón nhận tin vui: Nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia và đền thờ Lê Văn Hưu được công nhận là điểm du lịch...

Niềm vui ấy đã trở thành niềm vinh dự, tự hào cho đất Thanh và chonhững người con đang sinh sống trên mảnh đất này. Ngày vui hôm nay là thành quả phấn đấu, sự cố gắng nỗ lực của chính quyền địa phương, nhân dân và những nghệ nhân...

Đất Thiệu Trung từ lâu đã nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống hơn 1.000 năm về trước. Trong tổng số 32 hộ trong làng nghề hiện nay có 13 hộ đang làm nghề đúc đồng truyền thống. Dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân đã cho ra đời nhiều sản phẩm nổi tiếng, không lẫn vào đâu được, có thể kể đến tác phẩm “Cây đèn hình người quỳ” của NNUT Nguyễn Bá Châu đã được xác lập kỷ lục vào năm 2014. Bên cạnh đó, ông còn cho ra đời tác phẩm “Trống đồng” rộng 2,4m, cao 1,65m, nặng 2 tấn và đây cũng là chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này... Ngoài ra còn phải kể đến nhiều tác phẩm khác có giá trị lớn của các nghệ nhân Lê Văn Bảy, Đặng Ích Hoàn...

Thiệu Trung còn được biết đến với cụm di tích chùa Hương Nghiêm, trong đó có Di tích lịch sử cấp Quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu, nhà sử học đời Trần, tác giả bộ Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Mới đây, tại Quyết định số 4371 ngày 27/11/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hoá đã công nhận đền thờ Lê Văn Hưu là điểm du lịch. Như vậy đến Thiệu Trung là đến với 2 điểm dừng chân đầy dấu ấn đó là một không gian trưng bày các sản phẩm làng nghề đúc đồng truyền thống, được tận mắt chứng kiến sự tài giỏi, điêu luyện của những nghệ nhân làng nghề. Cùng đó, du khách được đi tham quan chùa Hương Nghiêm và đền thờ, lăng mộ nhà sử học Lê Văn Hưu.

Chùa Hương Nghiêm, xã Thiệu Trung.

Có thể khẳng định, chưa bao giờ, đất Thiệu Trung, con người Thiệu Trung lại tràn đầy khí thế, hứng khởi đến thế bởi lẽ, sự mong chờ của chính quyền địa phương, của nhân dân về một ngày mảnh đất này trở thành mảnh đất của du lịch giờ đã trở thành hiện thực.

Ông Trần Công Lạc - Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung cho biết: Niềm vui không nói hết được bằng lời. Niềm vui của chúng tôi cứ ngày một nhân lên thì đi kèm đó là trách nhiệm cũng ngày càng nhiều hơn, trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy những thành quả đã đạt được, trách nhiệm để du khách không chỉ đến một lần mà phải đến nhiều lần với mảnh đất này... Hiện chính quyền địa phương đang khẩn trương thực hiện các kế hoạch cho du lịch làng nghề với một số giải pháp đó là xây dựng lộ trình tham quan, hình thành dịch vụ ăn uống, lưu trú...

Sư trụ trì chùa Hương Nghiêm Thích Nguyên Thành cũng cho biết thêm: Trong gần 2 năm qua, nhà chùa đã xây dựng được ngôi Tam Bảo và chính điện với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng, trong đó tỉnh và huyện hỗ trợ 600 triệu đồng còn lại là từ nguồn xã hội hoá. Hiện nhà chùa cũng đã đúc quả chuông 1 tấn và sẽ chuyển về chùa vào dịp cuối năm nay. Nguyện vọng của nhà chùa sẽ sửa sang lại cả khuôn viên nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu. Riêng với đền thờ Lê Văn Hưu, đã có quy hoạch mở rộng khuôn viên đền cho xứng tầm di tích cấp Quốc gia. Trước mắt, nhà chùa sẽ xây nhà để xe cho khách đến tham quan, vãn cảnh.

2 niềm vui lớn những tự hào và nhiều hơn thế là những kỳ vọng ở phía trước, về một điểm du lịch hút khách và đầy dấu ấn...

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]