(vhds.baothanhhoa.vn) - Sách Thành ngữ bằng tranh (NXB Kim Đồng, 2020), cho rằng “nuôi báo cô” chính là nuôi “bà cô” mà ra. Cụ thể, sách này giải thích:

“Nuôi báo cô” có phải là nuôi “bà cô”?

Sách Thành ngữ bằng tranh (NXB Kim Đồng, 2020), cho rằng “nuôi báo cô” chính là nuôi “bà cô” mà ra. Cụ thể, sách này giải thích:

“Nuôi báo cô” có phải là nuôi “bà cô”?

“Báo cô: Ngày xưa, một người đàn bà không có chồng, không có con (gọi là bà cô) thường để của cải cho một người cháu nào đó. Khi người cô già, người cháu phải nuôi, tức phụng dưỡng bà, gọi là nuôi báo cô. Báo cô chính là một nghĩa cử truyền thống tốt đẹp. Nhưng ở đời cũng có những bà cô khó tính, gây phiền nhiễu cho con cháu, nên dần dần người ta không thiện chí với công việc này nữa. Ý nói: Nuôi một người mà chẳng mang lợi lộc gì cho mình cả”.

Thực ra, câu thành ngữ vốn là “Nuôi bảo cô” và nghĩa của “bảo cô” hay “báo cô” hoàn toàn không như sách Thành ngữ bằng tranh giải thích.

Vậy “bảo cô” nghĩa là gì? Hán ngữ đại từ điển (La Trúc Phong chủ biên - Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 1993) giảng:

“Bảo cô: Quy định của hình luật thời cổ đại, phàm đánh người đến mức thương tích, trưởng quan sẽ xem xét tình tiết để xác định kỳ hạn mà bị cáo phải trị liệu cho kẻ bị hại. Nếu đang trong kỳ hạn, mà nạn nhân bị chết vì vết thương ấy, thì bị cáo sẽ bị khép vào tội chết; còn nếu nạn nhân không chết, bị cáo bị định vào tội đánh người gây thương tích, gọi là nuôi bảo cô”.

Theo đây, bảo trong bảo cô có nghĩa là nuôi nấng, chăm sóc (dưỡng dục; phủ dưỡng cùng nghĩa với bảo trong bảo mẫu còn cô nghĩa là tội, tội lỗi (cùng nghĩa với cô trong vô cô = vô tội).

Với mục nuôi báo cô, hầu như tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay đều dừng ở chỗ giảng nghĩa từ vựng: nuôi người chỉ ăn hại, không giúp ích được gì cho mình, chứ không cho biết sao lại gọi là nuôi báo cô. Tuy nhiên, ở mục bảo cô, nhiều từ điển giải thích rõ ràng như sau:

- Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của): “bảo cô: chịu lãnh vì tội mình. Nuôi bảo cô: chỉ nghĩa là chịu cơm thuốc mà nuôi người mình đã làm cho phải thương tích nặng”.

- Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức), giảng: “bảo cô: Nuôi-dưỡng, thuốc-thang cho người bị mình làm cho mang bệnh, theo luật xưa”.

- Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) giảng rõ ràng hơn: “bảo-cô • Nuôi nấng người mà mình đã đánh bị thương <>Nuôi như nuôi bảo-cô (Luật cũ <> Kẻ đánh người trọng-thương, quan bắt phải nuôi cơm phục thuốc, giữ cho người bị thương được yên-toàn thì không phải tội)”; “ăn báo-cô • Được người ta nuôi báo-cô. Có nghĩa là nói ăn hại người ta (xem chữ bảo-cô đọc lầm là báo-cô)”.

Tội danh bảo cô, hay nuôi bảo cô đã được đề cập đến trong các bộ luật Việt Nam thời phong kiến. Ví dụ:

- Điều 408 Luật Hồng Đức ghi rõ: “Nếu còn trong thời hạn nuôi bảo cô mà nạn nhân chết thì phải tội kém tội đánh chết người một bậc. Nếu đã hết hạn nuôi bảo cô hay còn trong hạn nuôi bảo cô, nhưng vì nguyên cớ gì khác mà chết thì phải tội như là đánh người bị thương.”

- Điều 272 Luật Gia Long quy định: “Phàm nuôi bảo cô, trước hết phải giảo nghiệm xem thương tích nặng hay nhẹ, đánh bằng tay chân hay vật gì khác, hoặc là đánh bằng đồ nhọn, để định rõ về thời hạn nuôi bảo cô và trách cứ phạm nhân phải chữa thuốc.” (Định chế pháp luật và tố tụng triều Nguyễn - TS Huỳnh Công Bá - NXB Thuận Hóa).

Về thời hạn nuôi bảo cô, theo Điều 272 Luật Gia Long, nếu đánh bị thương nhẹ bằng tay chân hay đồ vật thì thời hạn nuôi bảo cô là 20 ngày; nếu đánh bằng vật nhọn, hay dùng nước sôi hoặc lửa nóng làm bỏng người thì phải nuôi bảo cô trong hạn 30 ngày; nếu đánh người ta gãy xương, hoặc làm truỵ thai, hay hủy hoại bộ phận thân thể của người ta thì phải nuôi bảo cô trong thời hạn 50 ngày.

Như vậy, bảo cô, hay nuôi bảo cô, vốn chỉ một tội danh mà phạm nhân phải bồi thường bằng hình thức cấp dưỡng cho nạn nhân. Về sau, nuôi báo cô trở thành một thành ngữ ví với việc: nuôi người chỉ ăn hại, ăn bám, không giúp ích được gì cho mình; chỉ kẻ ăn hại, ăn bám người khác mà chẳng giúp ích được cho ai (như ăn báo cô).

Chuyện bảo cô thành báo cô đã phổ biến trong ngôn ngữ toàn dân và được từ điển ghi nhận, nên nuôi báo cô hay nuôi bảo cô đều được chấp nhận. Tuy nhiên, giải thích từ nguyên theo kiểu phỏng đoán, suy diễn, cho rằng “nuôi báo cô” là nuôi “bà cô”, lại là trường hợp dứt khoát phải đính chính.

Hoàng Tuấn Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]