(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là miền đất đã sáng tạo và trao truyền nhiều thể loại dân ca đặc sắc, thể hiện rõ sắc thái, phong cách riêng của mỗi vùng miền như: Hò sông Mã, dân ca Đông Anh, hát khặp, hát xường, trống quân, hát khúc Tĩnh Gia...

Phát huy giá trị của hát khúc trong cuộc sống hôm nay và mai sau

Thanh Hóa là miền đất đã sáng tạo và trao truyền nhiều thể loại dân ca đặc sắc, thể hiện rõ sắc thái, phong cách riêng của mỗi vùng miền như: Hò sông Mã, dân ca Đông Anh, hát khặp, hát xường, trống quân, hát khúc Tĩnh Gia...

Phát huy giá trị của hát khúc trong cuộc sống hôm nay và mai sauXã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn), là một trong những nơi ra đời và diễn xướng hát khúc.

Hát khúc là điệu hát ru độc đáo chỉ riêng có ở vùng Nam Tĩnh Gia xưa, nay là thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và chỉ tập trung chủ yếu ở một số làng quê thuộc các xã, phường như: Hải Thượng, Hải Yến, Tĩnh Hải, Hải Bình, Hải Thanh, Nguyên Bình, Hải Nhân, Hải Hòa, Xuân Lâm, Trúc Lâm, Mai Lâm, Trường Lâm...

Hát khúc là làn điệu hát ru do dân gian sáng tác và biểu diễn phục vụ nhu cầu của họ trong cuộc sống cũng như sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được lưu truyền từ đời này sang đời khác chủ yếu bằng phương pháp truyền miệng. Hát khúc là những bài hát ru thường ngắn, khi diễn xướng được hát từng đoạn, từng khúc một chứ không có tính liên hoàn như các loại hình dân ca khác. Hát khúc là lối hát ru riêng, những bài hát ru này có bài bản và lề lối, không lẫn với các loại hát dân ca nào khác; gần với hát dặm Nghệ Tĩnh, song khác hát dặm về thể thơ và điệu hát.

Hát khúc - hát ru được ông bà, cha mẹ, anh chị hát ru trẻ thơ đi vào giấc ngủ với những lời ca cất lên từ con tim và tình yêu thương tha thiết. Khi lớn lên một chút, qua lời hát ru của ông bà, cha mẹ thấm vào tâm tưởng, trẻ lớn lại hát ru em, cứ thế và cứ thế... Hát khúc không chỉ ru con trẻ mà còn hơn thế, hát ru mọi người.

Hát khúc thường ngắn, trung bình từ 20 - 30 câu, bài dài nhất không quá 50 câu. Hát khúc thường mở đầu và kết thúc là những câu thơ lục bát giống với ca dao, dân ca, đoạn giữa phổ biến là những câu bốn từ, khi hát có thêm tiếng đệm, tiếng lót và đôi khi giữa đoạn lại có những câu lặp lại, điệp từ, điệp ý. Lời của các bài hát khúc có nhiều lời cổ. Hát khúc dễ nhớ, dễ thuộc, không thướt tha bay bổng, nhẹ êm như các làn điệu dân ca ở những nơi khác, trái lại hát khúc Tĩnh Gia đằm sâu, mộc mạc, mang đậm sắc thái văn hóa biển của các thế hệ người dân “ăn sóng, nói gió” đất này. Đó là tiếng nói tình cảm chân chất, hiền như củ khoai, hạt lúa của những con người lam lũ, một nắng hai sương, chịu thương chịu khó trên mảnh đất quê nghèo. Hát khúc thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên và cuộc sống lao động, nhưng nổi trội vẫn là lời nhắn gửi yêu thương đối với những con người mà họ mến yêu và cũng có khi tỏ ra đôi chút giận hờn, thầm trách.

Cũng như các loại hình dân ca khác trên đất Tĩnh Gia xưa, trải thời gian, hát khúc được sáng tạo thực hành, trao truyền trong cuộc sống và kết tinh thành những giá trị. Hát khúc là tấm gương phản chiếu con người và vùng đất nơi đây trong diễn trình lịch sử, phản ánh sự cố kết cộng đồng, thể hiện quan niệm đạo đức thẩm mỹ, đời sống tinh thần, văn hóa nghệ thuật và quan hệ ứng xử giữa con người với tự nhiên. Hát khúc là một trong những loại hình của dân ca và lẽ đương nhiên nó là một bộ phận của văn hóa, vì vậy với những nội dung đề cập trong hát khúc giúp cho giới nghiên cứu lịch sử, dân tộc học, văn hóa... có thêm nguồn tư liệu để từng bước giải mã, làm sáng rõ đời sống, sinh hoạt của các thế hệ người Tĩnh Gia nói chung, nam Tĩnh Gia nói riêng, góp phần làm nên lịch sử dân tộc Việt Nam.

Hát khúc Tĩnh Gia như mạch nước ngầm tuôn chảy bền bỉ từ ngàn xưa và thấm vào lòng người nơi đây hôm qua, hôm nay và mãi về sau. Hát khúc là những lời ru, điệu hát ngợi ca cảnh đẹp của quê hương, đất nước: Trước cửa anh ra/ Hồ sen tắm mát/ Có khe nước ngọt/ Chảy quanh xóm làng/ Sông cái đò ngang/Thủy triều lên xuống/ Đất làng đẹp hướng/ Phú quý vinh hoa... Miền quê có biển bạc và những con người cần cù, gắn bó với nghề nghiệp, vui mừng với những thành quả lao động: Nhà anh nghề bể/ Lại cả nghề sông/ Buông chài, thả lưới/ Đầy nong cá hồng.

Tĩnh Gia là miền đất mở, luôn giao lưu và tiếp biến văn hóa với các địa phương trong nước, khu vực và thế giới. Hát khúc nơi đây vừa bảo lưu được những giá trị truyền thống, sắc thái bản địa, đồng thời tiếp nhận, lựa chọn được những cái mới tiến bộ để làm phong phú thêm cuộc sống. Qua hát khúc giúp cho quần chúng Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu về nguồn gốc dân tộc Việt và con người Tĩnh Gia, xứ Thanh từ thuở bình minh mở nước trải dài suốt nhiều nghìn năm dựng nước và bảo vệ đất nước và in dấu ấn của hùng binh Tây Sơn trên đường tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh xâm lược với phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn: Đồn ông quan lớn/ Ở Biện, ở Mê/ Theo người phủ Láng/ buôn bông mà về... Hát khúc chính là tấm gương phản chiếu lịch sử hình thành vùng đất, tộc người, phương thức sống, đấu tranh, vật lộn với tự nhiên và xã hội khắc nghiệt để trụ vững của những con người nơi đây trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và bảo vệ đất nước.

Hát khúc Tĩnh Gia có ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc và sự cố kết cộng đồng bền chặt. Mối dây liên kết bền chặt đó được thể hiện trong công việc thường ngày: “Rủ nhau xuống biển bắt cua”, “rủ nhau lên núi đốt than”... với cảnh lao động vui tươi, phấn khởi của cả cộng đồng: Anh trông xuống sông/ Buồm rung gió thổi/ Kẻ lặn người lội/ Kẻ chắn người đăng... Trong cách thức diễn xướng của hát khúc, một người xướng, nhiều người hát theo... tất cả hợp thành và bùng lên ngọn lửa, nhân lên sức mạnh đoàn kết của mỗi nhóm người dù già hay trẻ và nhân lên thành sức mạnh của cả cộng đồng để vượt qua gian khó. Sự cố kết cộng đồng biểu hiện trong các khúc hát giao duyên, gửi trao tình cảm giữa nam và nữ trong các kỳ hội lễ Cành Đền (Hải Thanh), Khánh Trạch (Xuân Lâm)... thông qua hát khúc giúp cho con người được thăng hoa trong cuộc sống, quên đi những lo toan của cuộc sống đời thường. Họ được giao cảm, thổ lộ, tâm tình, gửi lời ước hẹn mà bấy lâu giữ kín: Mình lấy được ta/ Bõ công ao ước/ Ta lấy được mình/ Thỏa nỗi ước ao... Sự cảm thông, chia sẻ, niềm tin ấy không chỉ nhân lên sức mạnh của mỗi người mà còn có sức lan tỏa tới cả cộng đồng, giúp họ đoàn kết bên nhau cùng cộng cư, cộng mệnh và cộng cảm, chung sức, đồng lòng làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

Hát khúc Tĩnh Gia hàm chứa những giá trị đạo đức, thẩm mỹ. Hát khúc ở vùng đất Nam Thanh - Bắc Nghệ luôn hướng về cội nguồn dân tộc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, tri ân công đức đối với những người đã có công bảo vệ, dựng xây đất nước, quê hương từ thuở: Từ đời vua con/ Làm nhà trên non/ Đến đời vua cha/ Làm nhà dưới nước... Trong tư tưởng, tình cảm người Tĩnh Gia luôn gửi gắm niềm tin, ghi tạc công ơn gửi trong khúc hát đối với tiền nhân luôn đồng hành cùng với họ trong cuộc mưu sinh, cùng chung vui với niềm vui bình dị của dân họ và san sẻ những lo toan, vất vả, là chỗ dựa tinh thần, nhân lên sức mạnh giúp họ trụ vững trên đường đời nhiều gian lao, vất vả.

Hát khúc luôn toát lên nghĩa nhân văn sâu sắc, để con người Tĩnh Gia từ rừng tới biển mở rộng vòng tay nhân ái trong nghĩa đồng bào, cùng quan tâm, chia sẻ: Tội thân tội nghiệp/ Thằng bé chăn trâu/ Nón thì chẳng có/ Lấy đầu che mưa/ Sáng tối vác bừa/ Mỏi cả hai vai/ Cơm thì toàn khoai/ Cà thì cà hẩm... Và sâu nặng nhất là tình cảm cao dày đối với bậc sinh thành: Công cha nghĩa mẹ/ Sánh tày núi sông/ Nhớ công cha mẹ/ Dưỡng dục sinh thành/ Công mẹ thời lắm/ Công cha thời nhiều. Và ngay cả khi người yêu thương đã quên lời hẹn ước, còn lại một mình đơn chiếc, có trách họ cũng chỉ trách thầm: Có chim trong nhà/ Líu lo cao hót/ Nay mất chim rồi/ Ruột rối như tơ/ Tiếc con chim Hồng/ Giọng ngọt, hót hay/ Tiếc cho công anh/ Tập luyện chim Hồng/ Giọng thanh, giọng thổ/ Bỏ đi lấy chồng/ Không đoái đến anh.

Hát khúc Tĩnh Gia đã kết tinh những giá trị đạo đức, nhân văn cao cả, biểu hiện trong cách sống, thế ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thế giới tự nhiên và xã hội. Giá trị thẩm mỹ, đạo đức đó như dòng sông ăm ắp mỡ màu bồi đắp “phù sa” không bao giờ ngưng nghỉ cho lời ca của hát khúc bay xa, vang vọng, lắng vào lòng người, giàu nghĩa nhân văn.

Hát khúc mang nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật, giúp cho người dân nơi đây và các vùng miền khác cảm nhận được những cái hay, cái đẹp và giá trị của nó. Hát khúc diễn ra trong môi trường sông nước, biển khơi, núi rừng, đồng ruộng với cách hát đơn, hát ngâm và hát nói khi lao động, lúc nghỉ ngơi, trong hội lễ. Hát khúc với không gian rộng mở, giúp cho mọi người đều tham gia sáng tạo, biểu diễn và hưởng thụ văn hóa, cùng nhân lên niềm vui cộng cảm; khơi nguồn và định hình những giá trị nghệ thuật, có chức năng giải trí, giáo dục và thẩm mỹ góp phần xây dựng con người ngày càng hoàn thiện về thể chất và tâm hồn.

Hát khúc Tĩnh Gia biểu hiện thế ứng xử giữa con người với tự nhiên. Hát khúc thuộc loại hình dân ca và cũng là một thành tố văn hóa, thuộc hình thái ý thức xã hội, phản ánh sự nhận thức, thể hiện thế ứng xử của con người với tự nhiên và xã hội, qua đó hình thành nên những giá trị giúp con người giao tiếp, ứng xử với thế giới xung quanh theo hướng có lợi và nhân văn. Giá trị của hát khúc không chỉ ở giai điệu đẹp, mang đặc trưng âm nhạc vùng biển Tĩnh Gia nói riêng, miền Trung nói chung, mà nội dung sắc sảo, đậm tính nhân văn của người xứ Thanh.

Cư dân các làng quê Tĩnh Gia tự bao đời dấn thân trong môi trường núi, sông, đồng, biển. Họ nhận thức được sự nghiệt ngã của miền đất gió Lào, nắng lửa và nguồn lợi lớn lao về nguồn lâm thủy sản do núi rừng, ruộng đồng, sông biển mang lại cho cuộc sống. Không chỉ nương tựa vào tự nhiên mà họ gắng công bảo vệ và làm cho môi trường sống càng thêm tốt đẹp: Này vườn anh rộng/ Trồng trúc, trúc tốt/ Trồng chè, chè cao/ Này anh đào ao/ Trồng sen thả cá/ Dưới anh lát đá/ Trên anh xây tường/ Trồng bụi mướp hương/ Leo dây bầu ngọt/ Cây cam cây quýt/ Cây cậy cây hồng... Qua trải nghiệm họ dần tích lũy được những kinh nghiệm quý trong cuộc mưu sinh và hành trình đầy thử thách cam go trong môi trường sống: Nắng đổ đến đâu/ Mồ hôi rơi xuống... để rồi thành quả lao động sẽ được đền đáp trong mùa gặt ấm no, hạnh phúc tràn đầy: Đến ngày lúa chín/ Cắt về đầy sân ...

Hát khúc Tĩnh Gia trải qua thời gian, kết tinh và lắng đọng trong tâm hồn, tình cảm của mỗi con người nơi đây những giá trị quý để thực hành trong cuộc sống. Những giá trị ấy cần phải tiếp tục được bảo tồn, trao truyền và phát huy, trở thành động lực, hành trang, giúp cho các thế hệ người dân nơi đây vươn tới, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp không chỉ hôm qua, hôm nay và cả mai sau.

TS. Hoàng Minh Tường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]