(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm dưới chân núi Gai, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu là sự kết hợp giữa các công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ đặc sắc, với cảnh quan thiên nhiên hài hòa, tươi đẹp. Nơi đây không chỉ là báu vật của xứ Thanh mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc.

Phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 1): Công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc

Nằm dưới chân núi Gai, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc), Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu là sự kết hợp giữa các công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ đặc sắc, với cảnh quan thiên nhiên hài hòa, tươi đẹp. Nơi đây không chỉ là báu vật của xứ Thanh mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc.

Phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 1): Công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc

Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.

Theo nhiều nhận định cho rằng, về lịch sử xây dựng, Đền Bà Triệu phải có trước năm 549 và Bà cũng là người phụ nữ phong kiến Việt Nam đầu tiên được phong Thần. Về sau, Bà còn được các triều đại phong kiến Việt Nam thời Lê - Nguyễn sắc phong thần linh và là Phúc thần của làng Phú Điền.

Tương truyền, vào thời vua Lý Nam Đế (542-548), trong lần thân chinh đi đánh giặc Lâm Ấp xâm chiếm bờ cõi phương Nam, nhà vua đã vào đền khẩn cầu Bà phù hộ. Ngày thắng giặc trở về, vua đã trở lại đền thờ để tạ ơn rồi cấp tiền cho dân làng Bồ Điền tu sửa, mở rộng đền thờ cho bền vững, đồng thời tôn Bà Triệu là “Bậc chính anh liệt hùng tài chinh nhất phu nhân”. Tài liệu “Từ điển di tích văn hóa Việt Nam” còn cho biết thêm: “Đến thời Lê Trung Hưng do binh hỏa, đền bị hư hỏng nặng. Đến thời Nguyễn mới tu sửa lại”. Ngày 28-7-2003, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo kết luận tại Văn bản số 2748/TB-UB về việc lập quy hoạch và dự án đầu tư tôn tạo di tích Bà Triệu. Năm 2005, dự án được phê duyệt và tiến hành thi công; đến năm 2008, công trình hoàn thành.

Phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 1): Công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc

Đông đảo du khách đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu.

Như vậy, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền Bà Triệu mới có được diện mạo như hiện nay. Toàn bộ quần thể di tích được quy hoạch trên diện tích 3,8 ha, xây dựng theo kiến trúc “nội công ngoại quốc”, hướng về phía Bắc bao gồm các công trình: Đền Bà Triệu; lăng mộ Bà Triệu; mộ ba ông tướng họ Lý; miếu Bàn Thề; đình Phú Điền và đền Đệ Tứ. Trong đó, nổi bật và giàu giá trị nhất là Đền Bà Triệu.

Đền Bà Triệu được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, với bố cục tổng thể từ ngoài vào trong: Cổng ngoại, hồ nước hình chữ nhật, bình phong, cổng nội, tả hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung. Tiền đường rộng 3 gian. Gian giữa tiền đường thờ bách gia trăm họ, hai bên thờ thánh cô, thánh cậu. Điểm nhấn đặc biệt ở tiền đường là những cây cột đá cổ có kiến trúc khá độc đáo và đặc biệt.

Qua Tiền đường là Trung đường, với 5 gian rộng rãi, gian giữa thờ Bà Triệu, phía trên là hai bức đại tự, bức phía trong ghi chữ “Thánh cung vạn tuế”; hai bên cột cái có câu đối: “Tượng đài kim hạt sanh Ngô tướng/ Cổn Vũ Long chương hộ quốc thần” (dịch nghĩa: Lúc bình sinh áo vàng cưỡi trên đầu voi là tướng đánh giặc Ngô/ Khi mất hóa thần, mình khoác áo Long Cổn, là vị thần bảo vệ cho đất nước); còn cột quân cũng có đôi câu đối: “Nữ thủ quân qua danh trấn cổ/ Tượng đầu trước lũ tích ô kim (dịch nghĩa: Nữ hào kiệt xuất quân ra trận tiếng tăm chấn động năm xưa/ Ngự trên đầu voi dẹp giặc chứng tích còn đến ngày nay).

Hậu cung đền Bà Triệu nằm ở vị trí cao và sâu nhất, với kiến trúc bằng gỗ, gợi cảm giác uy nghi, trầm mặc. Gian giữa thờ Bà Triệu, bên tả thờ thân mẫu, bên hữu thờ thân phụ Bà. Nơi này được gọi là Cấm cung, và thông thường, chỉ duy nhất người trông giữ Đền được vào làm nhiệm vụ.

Nối giữa Tiền đường, Trung đường và Hậu cung là những bậc tam cấp, với các cặp rồng đá uốn lượn, uy nghi chầu phục.

Không gian Kiến trúc đền Bà Triệu được bố cục hài hòa, uyển chuyển, tạo nên vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng. Trải qua biết bao thế hệ, đến nay Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu đã được hồi sinh với một diện mạo bề thế, khang trang, là điểm đến tâm linh bậc nhất xứ Thanh, thu hút đông du khách đến dâng hương, vãn cảnh. Đó cũng chính là sự khẳng định của Đảng, Nhà nước ta đối với công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã có công giữ nước. Đồng thời, cũng cho thấy vai trò và những đóng góp tích cực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của cha ông ta cho muôn đời sau.

Nhóm PV CT-XH


Nhóm PV CT-XH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]