(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nhờ tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân Bình Định Vương Lê Lợi - linh hồn của nghĩa quân Lam Sơn sau mười năm gian lao vất vả đã quét sạch lũ giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Đất nước bước vào thời kỳ thái bình hơn 360 năm. Bài học lịch sử quý báu gần 600 năm qua vẫn còn nguyên giá trị khi nước ta đang thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy sức mạnh lòng dân trong khởi nghĩa Lam Sơn

(VH&ĐS) Nhờ tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân Bình Định Vương Lê Lợi - linh hồn của nghĩa quân Lam Sơn sau mười năm gian lao vất vả đã quét sạch lũ giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Đất nước bước vào thời kỳ thái bình hơn 360 năm. Bài học lịch sử quý báu gần 600 năm qua vẫn còn nguyên giá trị khi nước ta đang thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Cuộc kháng chiến chống 80 vạn quân xâm lược nhà Minh của triều Hồ nhanh chóng thất bại vào đầu năm 1407 khi lòng dân không theo. Nước ta rơi vào ách thống trị hà khắc của giặc Minh. Chúng thực hiện chính sách đồng hóa bạo ngược dã man nhằm hủy diệt giống nòi Việt. Lũ giặc ra sức vơ vét mọi sản vật quí hiếm của nước ta đưa về Trung Quốc. Sự thâm độc, hung bạo của giặc Minh được sử thần Ngô Sĩ Liên chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Xét suốt các cuộc bạo loạn trong cõi nước Việt ta, chưa bao giờ đến tột cùng như lúc này... Giặc Minh tàn bạo hòng thay bờ cõi”. Tội ác của chúng đối với dân ta quả là trời không dung đất không tha mà Bình Ngô đại cáo đã viết: “Tát cạn nước Đông Hải không đủ rửa tanh hôi/ Chặt hết trúc Nam Sơn không đủ ghi tội ác”.

Trước nỗi thống khổ, cùng cực của nhân dân, nhiều vương hầu quí tộc của nhà Trần, các sỹ phu có lòng yêu nước thương nòi đã lãnh đạo người dân chống lại ách đô hộ của giặc Minh. Song, tất cả các cuộc nổi dậy trên đều nhanh chóng bị giặc Minh dập tắt do đường hướng, mục tiêu của các cuộc khởi nghĩa không rõ ràng, nội bộ của những người lãnh đạo chia bè phái. Chứng kiến trên 200 cuộc nổi dậy thất bại, Lê Lợi - người hào trưởng ở đất Lam Sơn vốn sinh ra từ một gia đình có đến bốn đời làm quận trưởng ở một vùng đất “đắc địa”, ông theo chí ông cha quyết nối nghiệp nhà. Khi giặc Minh xâm lược nước ta Lê Lợi đã tròn 22 tuổi. Tận mắt chứng kiến thảm cảnh bị đày đọa của người dân Lê Lợi rất căm giận lũ giặc. Song, biết thế và lực chưa đủ mạnh nên ông ngấm ngầm vời đón “những kẻ trốn tránh” thu nạp “những người trung lương” để mưu đồ việc lớn. Tuy không theo nghiệp đèn sách, khoa cử nhưng tại đất Lam Sơn ông luôn nghĩ suy lẽ hưng phế, chú tâm nghiền ngẫm binh pháp, thao lược. Tiếng đồn về ông đạo Cham một con người đức độ, giàu lòng nhân nghĩa, có chí lớn ngày một lan xa khắp mọi vùng miền. Nhờ đức độ và nhãn quan sáng suốt, những người đến dưới trướng Lê Lợi đều cảm phục tài đức của ông nguyện cùng ông giết giặc cứu nước. Quyết tâm khởi nghĩa đánh giặc cứu nước của Lê Lợi được anh em họ hàng nội ngoại, những người bạn thân ở trong vùng hưởng ứng từ những ngày đầu. Đó là đội quân tập hợp những nòng cốt đầu tiên là cha con, anh em họ hàng, bạn bè như gia đình Lê Lại ở Dựng Tú (Kiên Thọ, Ngọc Lặc), Lê Sao, Lê Văn Linh ở Hải Lịch (Thọ Hải), Phạm Vấn, Phạm Lung, Lê Bói ở Nguyên Xá, Lê Lan, Đinh Lễ, Đinh Liệt ở Thủy Cối huyện Thọ Xuân... Lê Cố ở Nhân Trầm huyện Thường Xuân, Lê Tông Kiều ở Quảng Xương, Trịnh Khả ở Vĩnh Lộc, Trịnh Đồ, Đỗ Bí, Hà Mộng, Lê Khương ở Nông Cống, Lưu Trung, Lưu Nhân Chú ở Thái Nguyên, Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc, Nguyễn Trãi ở Hà Nội, Nguyên Xí ở Nghệ An... Những hào kiệt đến từ nhiều vùng miền trong nước tuy thân phận, địa vị xã hội mỗi người khác nhau, có người là quan lại cũ triều Hồ, có người là gia nô nhưng tất cả đều tôn Lê Lợi là “minh chủ”. Ngoài lực lượng chủ chốt nêu trên thì đội quân đông đảo của nghĩa quân Lam Sơn là những người dân “manh lệ”. Chính họ là những ngườibị kẻ thù xâm lược đàn áp dã man, tàn bạo nhất như Đại Cáo bình Ngô đã viết:

“Kẻ tìm vàng phá núi, đãi bùn, lặn lội nơi lam chướng/ Người mò ngọc, giăng dây quăng biển, làm mồi lũ giao long”. Mối căm thù lũ giặc tới tận xương tủy của những thân phận “manh lệ” ấy càng trở nên mãnh liệt khi được cùng tập hợp trong đội quân “phụ tử” của Lê Lợi.

Sắc màu lễ hội Lam Kinh.

Hơn 6 năm đầu đánh giặc ở vùng miền núi Thanh Hóa, với lực lượng chênh lệch, nhiều lần nghĩa quân bị khốn khó ở vùng rừng núi Chí Linh do giặc bao vây, tuyệt đường lương thảo. Nhưng người dân nơi đây vẫn lội suối, băng rừng tìm mọi cách báo tin, tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. Nhờ sự che chở, đùm bọc của người dân nên nghĩa quân vẫn bảo toàn lực lượng càng đánh càng mạnh gây cho giặc nhiều tổn thất nặng nề. Tuy nhiều lần nguy khốn trong sự vây hãm của kẻ thù nhưng trên đường hành quân họ không mảy may xâm phạm đến của cải, vật chất của dân nên càng được người dân tin yêu, giúp đỡ. Từ khi chuyển hướng chiến lược đánh vào vùng đất Nghệ An, đánh chiếm Tân Bình, Thuận Hóa nghĩa quân vẫn giữ nghiêm kỷ luật, không xâm phạm đến của cải của dân. Chính vì vậy nhân dân ở các vùng này đều nô nức hưởng ứng gia nhập nghĩa quân hoặc góp công, góp của nuôi quân. Từ Nghệ An Lê Lợi cho nghĩa quân mở cuộc tổng tiến công đánh thành Tây Đô (Thanh Hóa) rồi phái các đạo quân theo nhiều đường tiến ra Bắc tiêu diệt quân Minh. Nêu cao ngọn cờ đại nghĩa đánh giặc để cứu nước, cứu dân nên được mọi tầng lớp ủng hộ, hưởng ứng đông đảo. Qui tụ và tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân và nhờ tài điều binh khiển tướng của Lê Lợi nên chỉ trong vòng hơn một năm (từ mùa thu 1426 đến đầu mùa đông 1427) nghĩa quân giành thế chủ động hoàn toàn, bao vây cô lập thành Đông Quan. Những mong cứu vãn tình hình, Tổng binh nhà Minh là Vương Thông cấp báo về Trung Quốc xin viện binh. 15 vạn viện binh do hai tướng giặc cao cấp là An Viễn hầu Liễu Thăng cầm 10 vạn quân từ Quảng Tây tiến đánh và Kiềm Quốc công Mộc Thanh đem năm vạn quân theo đường Vân Nam tiến sang. Áp dụng chiến thuật “dùng quân mai phục lấy ít đánh nhiều” quân ta do các tướng Trần Lựu, Lê Bôi, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Liệt... chỉ huy đã nhử Liễu Thăng vào trận địa mai phục ở ải Chi Lăng và chém bay đầu hắn bên sườn núi Mã Yên. Tiếp đó ta đánh tan, bắt sống, giết chết hàng mấy vạn tên cùng nhiều quân trang, vũ khí, lương thực. Các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Nguyễn Chích... đánh tan đội quân của Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa, giết và bắt sống hàng vạn tên địch. Thế cùng lực kiệt tướng giặc là Vương Thông phải ký hội thề Đông Quan dẫn gần 30 vạn tàn quân theo hai đường thủy, bộ về nước. Căm giận lũ giặc hung tàn, bạo ngược nhiều tướng sỹ, người dân kéo đến dưới trướng Lê Lợi đề nghị ông giết sạch lũ quân xâm lược. Nhưng với lòng yêu hòa bình, ghét chiến tranh và cũng là “để dứt mối chiến tranh muôn thuở” Lê Lợi đã mở đường hiếu sinh mà tha cho lũ giặc.

Trong gần 6 năm trị vì đất nước, hiểu được nỗi thống khổ của người dân trong chiến tranh nên Thái Tổ Cao Hoàng đế luôn thức khuya, dậy sớm, giữ nếp sống kiệm cần, chăm lo việc triều chính. Vua thi hành chính sự thực rất khả quan như ấn định luật lệ, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ, huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học, cốt sao để người dân được yên ổn làm ăn. Để xây dựng lại đất nước hoang tàn sau chiến tranh ông có chính sách kêu gọi người dân phiêu tán trở về quê cũ tổ chức khai hoang phục hóa và miễn thuế cho họ. Nhờ đó người dân đều phấn khởi và đẩy mạnh sản xuất nên chỉ trong vòng vài năm kinh tế đất nước hồi phục. Đi khắp mọi thôn cùng, ngõ vắng đều thấy cảnh no ấm, yên vui mà dân gian truyền tụng:

“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông

Con dắt, con bế, con bồng con mang”

Chính vì hiểu được lòng dân, cảm thông và chia sẻ với họ nên Lê Lợi luôn tập hợp, phát huy sức mạnh lòng dân trong cả giai đoạn chiến tranh cũng như thời bình nên luôn được người dân kính trọng, ngưỡng mộ. Tấm gương của ông không chỉ được ngợi ca trong chính sử mà còn luôn sống trong tâm thức dân gian suốt thế hệ này qua thế hệ khác. Với những đóng góp lớn lao cho nước, cho dân ông xứng đáng là “ông tổ trung hưng” thứ hai của quốc gia Đại Việt như nhà yêu nước Phan Bội Châu thế kỷ XX đã nhận định.

Noi gương ông các thế hệ hôm nay đang nỗ lực phấn đấu tô thắm thêm truyền thống, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phạm Minh Trị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]