(vhds.baothanhhoa.vn) - Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có gần 4.200 nhà văn hóa - khu thể thao thôn (trong đó, thiết chế đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 77,4%). Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, chính quyền và người dân ở các địa phương đã biết phát huy giá trị sử dụng nhà văn hóa thôn, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần.

Phát huy vai trò của nhà văn hóa

Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có gần 4.200 nhà văn hóa - khu thể thao thôn (trong đó, thiết chế đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 77,4%). Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, chính quyền và người dân ở các địa phương đã biết phát huy giá trị sử dụng nhà văn hóa thôn, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần.

Phát huy vai trò của nhà văn hóa

Khuôn viên nhà văn hóa thôn Phượng Ngô 2, xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) được xây dựng khang trang.

Huyện Hoằng Hóa sau khi thực hiện Quyết định 3110/2018/QĐ-UBND ngày 17-8-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc sáp nhập thôn, khu phố, hiện còn 243 thôn; trong đó 240 thôn có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. Nhà văn hóa thôn được xây dựng với diện tích trên 500m2; từ 120 - 150 chỗ ngồi, sân khấu trên 30m2, với đầy đủ các trang thiết bị: Quốc hiệu, Quốc huy, ma két trang trí, loa đài, tủ sách, bàn ghế, phông màn, tượng Bác, bục nói chuyện...; 230/243 khu thể thao thôn đạt chuẩn, được trang bị các trang thiết bị, dụng cụ thể dục, thể thao phổ thông đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân...

Đứng trước cơ ngơi khang trang của nhà văn hóa - khu thể thao rộng tới cả nghìn m2, ông Lương Kế Bảo, trưởng thôn Phượng Ngô 2 (xã Hoằng Lưu, Hoằng Hóa) bồi hồi nhớ lại: Trước kia, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, mỗi khi có các cuộc họp, tập văn nghệ hay sinh hoạt hè cho thanh, thiếu niên, phần lớn đều nhờ địa điểm ở những hộ gia đình có sân, nhà cửa rộng rãi. Điều này ít nhiều gây bất tiện cho các hộ dân và đặc biệt là hạn chế trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo người dân. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cũng vì thế mà không được tổ chức thường xuyên...

Cũng theo ông Lương Kế Bảo, bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống người dân ngày càng được nâng cao, toàn bộ khuôn viên nhà văn hóa thôn hiện nay được xây dựng trên diện tích 1.000m2, với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng chủ yếu từ nguồn xã hội hóa và được đưa vào sử dụng từ năm 2017. Nhà văn hóa không chỉ là nơi tổ chức các cuộc họp, triển khai chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mà còn là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí... của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Không chỉ ở huyện NTM Hoằng Hóa, mà nhiều địa phương cũng có nhà văn hóa thôn đạt tiêu chuẩn, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Được biết, tại huyện Nông Cống, việc xây dựng các nhà văn hóa thôn được họp, bàn rất kỹ, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của bà con nên người dân đều nhiệt tình hưởng ứng. Tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình mà mức đóng, hình thức đóng góp cũng có sự điều chỉnh linh hoạt, ai có tiền góp tiền, ai có công góp công...

Theo số liệu thống kê, sau khi thực hiện sáp nhập, toàn huyện Nông Cống còn lại 201 làng, thôn, tiểu khu với tổng số 206 nhà văn hóa. Hầu hết các nhà văn hóa thôn, đều phát huy được tính năng, tác dụng, phục vụ hiệu quả việc hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân.

Có thể nói, từ khi bước vào xây dựng NTM, các nhà văn hóa thôn, ở các địa phương trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đây là nơi tổ chức các hoạt động như: Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân; mừng thọ các cụ cao tuổi; hội diễn văn nghệ quần chúng; trao học bổng... Qua đó, Nhân dân ngày càng nhận thức đúng và nghiêm chỉnh chấp hành những quy định được đề ra trong hương ước; tình làng, nghĩa xóm được khơi dậy và thắt chặt thêm.

Mặc dù vậy, việc phát huy vai trò của nhà văn hóa thôn ở một số địa phương vẫn còn hạn chế, như: dân số tăng lên sau khi sáp nhập, trong khi diện tích khuôn viên hẹp; thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất... Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nhà văn hóa thôn, đã được đầu tư khang trang, thế nhưng chỉ khi có công việc, hội họp mới mở cửa hoạt động.

Theo bà Đỗ Thị Hạnh, cán bộ văn hóa xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) thì những năm gần đây, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở địa phương ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia (số người luyện tập thường xuyên đạt trên 60%). Cũng từ đó mà phát sinh một số hạn chế, đặc biệt là ở những thôn sau sáp nhập. Cụ thể như thôn Nam Hội Triều, được thành lập trên cơ sở sáp nhập thôn Trung Triều và thôn Liên Sơn, có 280 hộ, với 1.150 nhân khẩu. Người dân trong thôn rất mong muốn được mở rộng diện tích khuôn viên nhà văn hóa, sân bóng đá và được đầu tư khu vui chơi trong khuôn viên nhà văn hóa thôn dành cho trẻ em. Để nhà văn hóa thôn không chỉ là nơi ông, bà, bố, mẹ tập luyện văn hóa, văn nghệ, thể thao hàng ngày; mà có thể kết hợp trông coi trẻ và hướng tới các hoạt động vui chơi lành mạnh cho trẻ em.

Để hoàn thiện và phát huy hiệu quả giá trị các thiết chế văn hóa, thể thao cùng với sự quan tâm từ phía Nhà nước; cần huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân. Đồng thời, chú trọng công tác quản lý, bảo vệ và xây dựng kế hoạch hoạt động, để các thiết chế không chỉ được xây cho đủ, mà phải trở thành một phần trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]