(vhds.baothanhhoa.vn) - Đối với những người ưa tìm hiểu, khám phá thì con đường để du khách viếng thăm Khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Suối, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung rất hấp dẫn. Phủ Suối hấp dẫn du khách không chỉ bởi vẻ linh thiêng mà còn bởi không gian tĩnh lặng trầm mặc của di tích.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phủ Suối - nét đẹp văn hóa vùng đồng bào công giáo Hà Vinh

Đối với những người ưa tìm hiểu, khám phá thì con đường để du khách viếng thăm Khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Suối, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung rất hấp dẫn. Phủ Suối hấp dẫn du khách không chỉ bởi vẻ linh thiêng mà còn bởi không gian tĩnh lặng trầm mặc của di tích.

Phủ tọa lạc trên một khu đất rộng rãi thoáng đãng, dưới những tán cây cổ thụ xanh mát, giữa không gian đồng ruộng bát ngát mía, ngô thanh bình, yên ả. Cùng với không gian đẹp, phủ Suối còn nằm trong quần thể di tích thắng cảnh của dãy Tam Điệp - Bỉm Sơn chạy ra cửa biển Thần Phù xưa theo tuyến sông Hoạt. Phủ Suối cách đền Sòng, Chín Giếng về phía Tây khoảng 7 km theo chim bay, cách chùa Thanh Vân trong bán kính chưa đầy 1 km; theo đường thủy trên sông Hoạt khoảng 3-4 km là đến cụm di tích thắng cảnh của động Lục Vân thơ mộng và bên bờ nam là đền thờ Áp Lãng Chân Nhân La Viện và không xa là đến động Bạch Á đã được các tao nhân mặc khách đề thơ trên vách núi...

Tất cả đã tạo cho vùng này một không gian văn hóa, lịch sử đậm nét, có sức hấp dẫn đối với nhân dân địa phương, du khách thập phương đến thăm và tìm hiểu.

Nghi thức tế nữ quan trong Lễ hội Phủ Suối.

Tên Phủ Suối được người dân xã Hà Vinh, huyện Hà Trung giải thích một cách đơn giản rằng do phủ nằm sát chân núi phía Nam của dãy Tam Điệp thuộc làng Mỹ Quan. Đây là phủ thờ Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên Liễu Hạnh, phủ được xây dựng bên cạnh dòng suối ngầm bắt nguồn từ trong lòng núi đá chảy ra, vì thế mà di tích có tên gọi là Phủ Suối.

Theo các cụ cao niên thì Phủ Suối trước kia có hàng chục đạo sắc của các triều vua ban tặng nhưng khu phủ bị phá thì hệ thống sắc phong cũng như đồ thờ tự bị thất tán. Hiện nay, chỉ còn lại 1 đạo sắc ngày 25 tháng 7, niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (1924). Phủ Suối có lịch sử xây dựng cách ngày nay hàng trăm năm, và việc thờ phụng vị thần đã thành tục lệ truyền thống của bà con nhân dân nơi đây, được triều đình phong kiến sắc phong ghi nhận.Qua đó cho thấy Phủ Suối có thể được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI. Tuy nhiên theo dấu ấn kiến trúc phần hậu cung của phủ được xây theo kiểu cuốn vòm nên có thể đến thời Nguyễn thì phủ đã được tu sửa lại, bởi kiểu kiến trúc cuốn vòm mang phong cách thời Nguyễn.

Trước khi bị phá, di tích có kết cấu kiến trúc theo kiểu Tiền Nhất Hậu Đinh, gồm có các ngôi nhà tiền đường, trung đường và hậu cung. Tuy nhiên cũng như trong tình trạng nhiều di tích khác, vào những năm 1952 - 1953 Phủ Suối bị phá, hệ thống đồ thờ, tượng, sắc phong bị thất tán nhiều nơi, gỗ lạt, gạch ngói mang đi xây dựng các công trình phúc lợi khác.

Trong nhiều năm qua, để đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân, với tấm lòng hảo tâm của con em địa phương trong và ngoài tỉnh, cùng với du khách thập phương, Phủ Suối đã được đầu tư xây dựng thêm nhiều hạng mục. Con đường vào Phủ Suối giờ đây đã được mở rộng khang trang và đổ bê tông sạch sẽ, khuôn viên, tường rào, sân vườn cũng đang được xây dựng từng bước để tránh sự xâm hại đến di tích. Đồng thời tạo cảnh quan môi trường sạch sẽ, thoáng mát cho Phủ Suối, tạo sức hấp dẫn cho du khách xa gần đến hành hương vãn cảnh.

Tại Phủ Suối, ngoài ngày lễ, thì các ngày thường, đặc biệt là ngày rằm, mồng một, Phủ vẫn liên tục có người đến cầu cúng. Nhưng chỉ trong những ngày hội, chính hội tổ chức vào ngày 18/3 ÂL thì người đến mới đông. Tại đây diễn ra đội rước kiệu gồm 12 người khiêng cỗ kiệu Long Đình từ đình làng về Phủ gọi là lễ rước sắc (vì sắc phong được cất giữ ở đình làng). Đội khiêng kiệu và lọng, tàn, cờ quạt, biển bài, chấp kích bát bửu... trong trang phục áo đỏ, quần đỏ, chít khăn đỏ và đi hia. Tiếp sau kiệu là đến các ông từ, các cụ phụ lão trong trang phục áo theo khăn xếp, các cụ trong ban khánh tiết mặc trang phục áo thụng với các màu xanh, đỏ, vàng. Đi theo sau là các đoàn thể, các bản hội, quần chúng nhân dân và du khách thập phương. Lễ rước được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống.

Vào những ngày lễ hội, các bản hội, bà con du khách thập phương đến tế lễ đông nườm nượp từ ngoài vào trong. Để đặt được lễ cầu cúng hoặc để đọc được sớ và cầu cúng theo bản hội hay hầu bóng cũng không hề dễ chút nào. Nhiều người đặt được lên ban thờ rồi khấn vái nhanh để người sau còn làm lễ. Thậm chí nhiều người phải đứng ngoài bái vọng vào. Có thể nói lễ hội Phủ Suối thật giản đơn và không gò bó bởi bất kể luật lệ hay thủ tục phiền toái nào. Tất cả những người đến đây chỉ cốt làm sao được cúng lễ để cầu Thánh Mẫu ban cho những điều tốt đẹp mà mình mong muốn. Ngoài việc đi lễ, họ còn được xem hầu bóng, hát văn về các giá đồng: Thánh Mẫu, Quan Hoàng, Quan Lớn, Cô Chín...

“Với tổng diện tích của Phủ Suối là 6,3 ha, Ban Quản lý Di tích Phủ Suối đang tích cực triển khai lập hồ sơ quy hoạch tổng thể và chi tiết để từng bước tu bổ, tôn tạo lại khu di tích cho khang trang bề thế như vốn có của nó. Việc đầu tư tìm hiểu nghiên cứu, trùng tu tôn tạo, thu hút khách tham quan du lịch là một hướng phát triển tốt làm cho làng Mỹ Quan, xã Hà Vinh nói riêng và huyện Hà Trung nói chung ngày càng giàu đẹp hơn trong tương lai”, ông Lê Xuân Thảo - Chủ tịch UBND xã Hà Vinh, Trưởng ban Quản lý Di tích Phủ Suối nhấn mạnh.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]