(vhds.baothanhhoa.vn) - Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với những hậu quả khó lường, dừng các hoạt động lễ hội là việc làm cần thiết. Dẫu vậy, trong tâm thức người dân xứ Thanh nói riêng, hình ảnh lễ hội truyền thống vẫn có sức sống mãnh liệt. Cùng điểm lại những lễ hội truyền thống mùa xuân nổi tiếng của vùng đất Thanh Hóa để thêm tự hào về di sản văn hóa phi vật thể độc đáo mà cha ông xưa đã dày công sáng tạo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Qua miền lễ hội mùa xuân

Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với những hậu quả khó lường, dừng các hoạt động lễ hội là việc làm cần thiết. Dẫu vậy, trong tâm thức người dân xứ Thanh nói riêng, hình ảnh lễ hội truyền thống vẫn có sức sống mãnh liệt. Cùng điểm lại những lễ hội truyền thống mùa xuân nổi tiếng của vùng đất Thanh Hóa để thêm tự hào về di sản văn hóa phi vật thể độc đáo mà cha ông xưa đã dày công sáng tạo.

“Nhất vui là hội Phủ Dầy/ Vui thì vui vậy chẳng tày Sòng Sơn” là câu ca không còn xa lạ với những người biết đến lễ hội Sòng Sơn của xứ Thanh và yêu mến tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt nói chung. Tự khởi thủy sự phát triển người Việt cổ, hình tượng người Mẹ đã và luôn được đề cao, coi trọng. Đó không chỉ thể hiện ở chế độ Mẫu hệ được lịch sử ghi nhận mà đã đi vào huyền thoại. Còn đó truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” với mẹ Âu Cơ đẻ một bào trăm trứng, nở trăm con về sau trở thành các dân tộc anh em cùng nhau quần tụ trên dải đất hình chữ S và gọi nhau bởi hai tiếng thân thương: đồng bào.

Để đến hôm nay, ngay tại di tích Phủ Na của huyện miền núi Như Thanh, bên cạnh việc tôn thờ các vị thần khác thì vẫn có một vị trí điện thờ trang trọng dành cho mẹ Âu Cơ. Cùng với đó là Mẫu Thượng Ngàn - người mẹ rừng xanh, chở che, bao bọc cho đời sống nhân dân.

Nói như vậy để thấy rằng, hình tượng Mẫu - Mẹ trong tâm thức người Việt vốn dĩ đã định vị từ rất sớm, không gì có thể thay thế. Để khi tín ngưỡng thờ Mẫu ra đời, hình thành và phát triển giống như một lẽ tất nhiên. Ở đó, Thánh mẫu Liễu Hạnh giữ vị trí đệ nhất và được tôn phong là bậc Mẫu nghi thiên hạ. Truyền thuyết dân gian về vị Thánh mẫu vốn là công chúa nhà trời, vì vương vấn cuộc sống trần gian mà phải chịu bao kiếp nạn. Để sau ba lần giáng trần, bà đã chọn Sòng Sơn xứ Thanh làm nơi hiển thánh. Dễ hiểu vì sao, đền Sòng trở thành điểm đến tâm linh nức tiếng du khách xa gần đến thế.

Đặc biệt, chính hội Sòng Sơn diễn ra vào ngày 26 tháng 2 âm lịch hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách trong cả nước về đây dâng hương vãn cảnh và cùng cầu mong điều tốt đẹp, được Mẫu chở che, phù trợ. Đấy cũng là dịp tưởng nhớ ngày Mẫu hiển thánh ở Sòng Sơn. Trong không gian thiêng của di tích, những nghi thức rước kiệu, tế lễ diễn ra cẩn trọng với sự kính ngưỡng hướng về Mẫu. Rồi sau đấy, là tiếng nhạc réo rắt, tiếng hát chầu văn với những lời hát lưu truyền suốt hàng trăm năm qua nhằm ngợi ca công lao của Mẫu với đất nước, muôn dân. Không gian di tích linh thiêng hòa quện không khí lễ hội náo nức tưng bừng cùng niềm tin tín ngưỡng thờ Mẫu của người đi lễ, tất cả tạo nên một lễ hội Sòng Sơn vui hơn cả hội Phủ Dầy.

Lễ hội đền Bà Triệu diễn ra vào tháng 2 âm lịch hàng năm với những nghi thức thiêng hấp dẫn.

Xuân sang, bắt đầu một năm mới với nhiều dự định, khát vọng và ước mong. Cùng niềm tin ở sự nỗ lực của bản thân, con người cũng tin rằng, sự phù trợ, chở che của đấng tối linh cũng giúp cho mọi thứ tốt đẹp hơn. Chính vì vậy, lễ hội Cầu phúc (Kì phúc) diễn ra ở nhiều địa phương cũng là dịp để người dân tỏ lòng thành kính cùng lời khấn nguyện được thần linh che chở trước những tai ương bất trắc, cầu cho mùa màng tốt tươi, bội thu tôm cá.

Ai đã từng một lần tham dự lễ hội Cầu phúc đền Độc Cước (Sầm Sơn) hẳn vẫn còn nhớ không khí náo nức của một lễ hội vùng biển đặc trưng. Bên bờ biển sóng vỗ ầm ào, từng đoàn kiệu rước của các làng, xã, phường cùng hướng về đền thờ vị thần Độc Cước đầy quyền uy. Người dân Sầm Sơn tự bao đời vẫn tin rằng, nếu Bà Triều là người đã dạy cho họ nghề dệt săm súc để mưu sinh nơi biển cả thì chính thần Độc Cước đã bảo vệ ngư dân trước bão tố hiểm nguy. Thần tự xẻ đôi thân mình, một nửa ngoài biển khơi đánh đuổi quái thú, nửa còn lại ở trong đất liền giúp đỡ lương dân, bởi vậy mà thần mang tên Độc Cước (một chân). Niềm tin ấy đã theo người dân Sầm Sơn tự trăm năm, ngàn năm qua vững tin mưu sinh, bám biển, dựng xây cuộc sống. Để đến hôm nay, Sầm Sơn đang từng ngày, từng ngày đổi thay, khoác lên mình diện mạo của một thành phố du lịch biển với những khát khao phát triển xứng tầm. Về với Sầm Sơn, du khách không chỉ được hòa mình trong biển cả xanh trong, ở đó, còn cả không gian văn hóa biển với những giá trị văn hóa trao truyền qua nhiều thế hệ.

Nhưng, sự kính ngưỡng đâu chỉ dành riêng cho đấng thần linh. Trong câu chuyện của mình, cha ông xưa nay vẫn nhắc đến những con người mà tên tuổi họ đã trở thành bất tử, dù có trăm năm, ngàn năm đã trôi qua.

Tôi vẫn nhớ, ngày nhỏ đi học được thầy giáo kể cho nghe chuyện sự tích quả dưa hấu. Ấy là chàng hoàng tử Mai An Tiêm - con nuôi của vua Hùng. Vì không biết nói lời xu nịnh giả dối mà đã bị kẻ tiểu nhân hãm hại khiến vua cha nổi giận đày cả gia đình ra nơi hoang đảo xa xôi. Trước sóng dữ trùng khơi, tính mệnh con người như ngàn cân treo sợi tóc, lại thêm áp lực mưu sinh khiến cho dẫu đấng anh hùng có lẽ cũng phải lo sợ mà chùn chí. Vậy nhưng, kì tích đã xảy đến. Bằng khát vọng sống, bằng ý chí không đầu hàng, hoàng tử Mai An Tiêm đã tạo nên trái ngọt cho đời, gọi tên quả dưa hấu, trở thành sản vật của vùng đất nhiệt đới. Trái dưa hấu không chỉ giúp cho gia đình hoàng tử vượt qua thử thách mà hơn cả, đó còn là khẳng định chắc chắn về nghị lực sống, vươn lên của con người. Để rồi, vua Hùng dẫu đầy quyền uy sau đó đã phải tha thứ và đón cả gia đình hoàng tử Mai An Tiêm trở về đất liền. Vậy mới hiểu, nghịch cảnh dù đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn cả là tâm lí đầu hàng nghịch cảnh của mỗi người. Đó mới là điều khiến con người thất bại.

Lễ hội Mai An Tiêm là dịp để hậu thế tỏ lòng tự hào và biết ơn hoàng tử Mai An Tiêm.

Truyền thuyết vốn luôn mang màu sắc huyền thoại. Vậy nhưng sau cùng, trái dưa hấu, vùng đất Nga Sơn, chàng hoàng tử Mai An Tiêm vượt qua sức nặng thời gian, đã trở thành một phần trong câu chuyện lịch sử đầy tự hào của cha ông. Để đến hôm nay, đền thờ Mai An Tiêm hiện hữu và lễ hội Mai An Tiêm diễn ra vào tháng ba âm lịch hàng năm ở vùng đất Nga Sơn không chỉ là dịp để hậu thế tỏ lòng biết ơn công lao gieo mầm sự sống nơi đảo hoang, biến đảo hoang từng bước trở thành một vùng đất đai trù mật của hoàng tử Mai An Tiêm. Bên cạnh đó, còn là niềm kính ngưỡng trước một tinh thần lao động cần cù, miệt mài và đầy sáng tạo. Đó phải chăng cũng là tinh thần của cha ông xưa trong cả ngàn năm dựng nước và giữ nước đã qua. Trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống người Việt nói chung.

Lịch sử dân tộc Việt là lịch sử của dựng nước và giữ nước. Lịch sử của những hào hùng nhưng không thiếu đau thương, vất vả. Tất cả để non sông gấm vóc nước Việt được toàn vẹn. Dù cho, đổi lấy độc lập, tự do là những hi sinh, mất mát. Nhưng, chẳng phải chỉ đấng nam nhi trượng nghĩa, khi giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh.

Câu chuyện về Bà Triệu cưỡi voi xung trận khiến cho giặc Ngô phương Bắc phải khiếp sợ chùn chân hơn 1700 năm trước vẫn còn nguyên giá trị. Vị vua Bà với khát vọng “Cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người” đi vào lịch sử dân tộc như một dấu mốc của tinh thần đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Dù sau đấy, vì tương quan lực lượng quá lớn cùng âm mưu tàn độc của kẻ xâm lược khiến cho khởi nghĩa do Bà Triệu khởi xướng và lãnh đạo thất bại, để vị vua Bà phải tuẫn tiết trên đỉnh núi Tùng, song hình tượng Bà Triệu thì đã trở thành bất tử. Một khu di tích đền Nưa - Am Tiên in dấu cuộc khởi nghĩa những ngày đầu. Và khu di tích đền Bà Triệu với lăng mộ, đền thờ bà và đình làng Phú Điền ở xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) tạo thành quần thể di tích vô cùng giá trị. Ở đó, còn có lễ hội Bà Triệu diễn ra vào 21 đến 23 tháng 2 âm lịch hàng năm hấp dẫn du khách xa gần bởi những nghi thức tâm linh: tế lễ, rước kiệu…trong đó, rước kiệu quay được xem là nghi thức tâm linh độc đáo, cuốn người tham dự vào trạng thái hưng phấn khó lí giải.

Lễ hội truyền thống với nét đẹp văn hóa được trao truyền đời nối đời, thế hệ này sang thế hệ khác không chỉ là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Đó còn cả những giá trị tinh thần, niềm tin giúp cho con người vượt lên nghịch cảnh, khó khăn và thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Trong những điều kiện khác nhau, lễ hội có thể phải tạm dừng. Song không vì thế mà ý nghĩa, giá trị của lễ hội trong đời sống người dân thay đổi. Cùng điểm qua một số lễ hội đặc sắc của xứ Thanh trong dịp đầu xuân để thêm một lần hiểu, yêu thương và tự hào về vùng đất “Thanh Kì Khả Ái”.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]