(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Mùa lễ hội 2017 trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra với hàng chục lễ hội lớn nhỏ. Đã có những đổi thay tích cực. Nhưng, vẫn có đó những hình ảnh “không đẹp” diễn ra ở nhiều lễ hội, chốn tâm linh khiến dư luận không khỏi buồn lòng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quản lý di tích mùa lễ hội: Còn nhiều khó khăn (Bài 1) ‘Nhếch nhác’ di tích mùa lễ hội

(VH&ĐS) Mùa lễ hội 2017 trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra với hàng chục lễ hội lớn nhỏ. Đã có những đổi thay tích cực. Nhưng, vẫn có đó những hình ảnh “không đẹp” diễn ra ở nhiều lễ hội, chốn tâm linh khiến dư luận không khỏi buồn lòng.

Trong hành trình du xuân đầu năm, Phủ Na (xã Vân Du, huyện Như Thanh) là điểm đến của hàng vạn lượt du khách trong và ngoài tỉnh. Di tích Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn động phủ nổi tiếng với cảnh đẹp miền trung du. Đây còn là nơi thờ thánh mẫu Liễu Hạnh. Với vẻ đẹp hoang sơ được tạo nên bởi bàn tay tạo hóa cùng sự linh thiêng vẫn được người đi lễ rỉ tai nhau. Bởi vậy, trong dịp đầu xuân, cùng với đền Cửa Đặt; đền Độc Cước... thì Phủ Na cũng là một trong những điểm thu hút đông đảo khách về dâng hương, vãn cảnh, thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng.

Phủ Na đẹp, linh thiêng là vậy. Nhưng một người bạn của tôi lại nói về nơi này với nhiều úp mở không mấy thiện chí: cứ lên Phủ Na đi, bạn sẽ thấy bức tranh lễ hội với nhiều gam màu sáng, tối lẫn lộn. Và quả thực vậy, có mặt tại Phủ Na vào ngày mùng 5 Tết, những dòng người đông đúc vẫn nối dài, chen lấn để vào hành lễ. Từ bên ngoài cổng di tích, những khu đất trống được chăng dây, chia khu, tận dụng tối đa làm bãi giữ xe. Hàng quán bày la liệt chiếm lối đi, cảnh bán mua tấp nập dễ khiến người ta liên tưởng đến một cái chợ tự phát hơn là di tích tâm linh. Nhưng, đó chưa phải là tất cả những gì khiến người có tâm với di tích không khỏi chạnh lòng.

Ăn xin khắp nơi. (Ảnh: Thanh Tuấn)

Bên trong di tích, hương khói mịt mù khiến nhiều người đỏ mắt. Nhưng mặc kệ, hình như không ít người quan niệm phải đốt cho thật nhiều, cắm thật nhiều thì mới thể hiện hết sự “thành tâm”. Và người ta thắp hương ở mọi nơi, mọi ban thờ, bát hương mà mình nhìn thấy, như chỉ sợ bỏ sót chỗ nào đó không khấn, không vái. Và mặc dù, các cung thờ chật kín người, thì không ít người đến sau vẫn phải cố bằng được chen lấn vào bên trong để mà đặt lễ, lầm rầm khấn vái, kêu xin... chẳng rõ bậc thánh thần có nghe thấy hết, nhưng rõ ràng, đã có những va chạm và cả mắng chửi rất khó để lọt tai.

Xem tay tại di tích Phủ Na.

Và tại Phủ Na, còn có một loại dịch vụ đặc thù: khấn thuê! Những “ông thầy, bà thầy” đầu đội mũ đỏ lân la tìm đến các nhóm khách nắm bắt nhu cầu. Và dịch vụ này dường như khá hút khách. Bằng chứng là tại các ban thờ, những “ông thầy, bà thầy” khấn thuê “kêu thay tấu đỡ” vô cùng chuyên nghiệp, lấn át tiếng ồn xung quanh. Những cầu xin trần tục cứ mặc sức vang lên khiến người xung quanh đỏ mặt ngán ngẩm.

Đã đến Phủ Na thì phải cố xin cho bằng được ít “nước thánh” mang về, đó là lời rỉ tai nhau của người đi lễ. Theo dòng người chen chúc, chúng tôi cùng tìm đến nơi có “nước thánh” để mục tại sở thị. Một dòng nước nhỏ chảy từ trong vách núi, nghe đồn dòng nước này chảy ra quanh năm, không bao giờ cạn. Chẳng rõ nước chảy ra từ vách núi kia có mang phép mầu nhiệm, nhưng nhìn cách người ta chen lấn, giẫm đạp nhau lấy cho bằng được chút “nước thánh” thì hình ảnh rõ chẳng đẹp mắt. Và nếu “nước thánh” là của tự nhiên, không ai có quyền bán mua thì ngay tại chân núi nơi nước chảy ra lại có một loại dịch vụ vô cùng đắt khách: bán can đựng nước! Những chiếc can được bày bán la liệt, choán cả lối đi vốn rất nhỏ. Xem ra, nhiều người rất nhạy bén, họ nhìn thấy lợi nhuận ở khắp nơi, chẳng chừa chốn tâm linh.

Chen lấn nhau để hứng "nước thánh". (Ảnh: Thanh Tuấn)

Mọi sự nhộn nhạo, kiếm lời trong di tích dường như vẫn chưa dừng lại. Người ta còn vô tư biến di tích thành khu giải trí đường phố tự phát. Những khu đất hai bên lối đi được lắp đặt vô số trò chơi: cầu trượt, nhà bóng, tàu hỏa cho trẻ nhỏ; phi tiêu, bắn súng, ném vòng ăn tiền... trò nào cũng hấp dẫn mời gọi, dễ chơi, khó trúng. Rất nhiều trò chơi được bày ra rút tiền du khách, nhưng rõ ràng mỏi mắt tìm kiếm trong số đó cũng không thấy trò chơi truyền thống nào được phục dựng, tổ chức!

Như một điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”: ăn xin và rút thẻ vẫn là những hình ảnh không đẹp mắt nhưng vẫn mặc nhiên tồn tại trong di tích. Những bó thẻ được cầm trên tay, mời chào du khách giống một món hàng. Bên cạnh đó là những trò bói toán: xem tay; bói bài... cũng ngang nhiên tồn tại như một lẽ tự nhiên.

Rõ ràng, những hình ảnh không đẹp, những sự kiếm lời chốn tâm linh đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh di tích và lễ hội. Điều đáng nói, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương ở đâu khi những hạn chế, nhếch nhác cứ mặc nhiên tồn tại như vậy? Hay còn điều gì “khó nói” mà người dân vẫn chưa biết. Quản lý di tích mùa lễ hội, là khó khăn hay có sự buông lỏng?

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]