(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đến hẹn lại lên, khi tháng hai về cũng là thời điểm người dân làng Phú Khê (xã Hoằng Phú - Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa) lại nô nức trẩy hội. Với họ, hội làng còn vui hơn tết!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Rộn ràng hội làng Phú Khê

(VH&ĐS) Đến hẹn lại lên, khi tháng hai về cũng là thời điểm người dân làng Phú Khê (xã Hoằng Phú - Hoằng Quý, huyện Hoằng Hóa) lại nô nức trẩy hội. Với họ, hội làng còn vui hơn tết!

Nằm bên cạnh QL1A, làng Phú Khê từ bao đời vẫn nức tiếng với truyền thống văn hóa lâu đời. Cảm giác khi đến với Phú Khê lần đầu là sự gần gũi, ấm áp của một vùng quê vốn yên ả, đắm mình trong không gian văn hóa làng xã với đời sống tín ngưỡng lâu đời được người dân giữ gìn nguyên vẹn. Và đã đến Phú Khê, sẽ là thiếu sót nếu không ghé thăm di tích đình làng Phú Khê. Ngôi đình không chỉ đẹp với kiến trúc độc đáo và còn ẩn chứa câu chuyện tâm linh huyền ảo.

Ghé thăm đình làng Phú Khê, chúng tôi được người dân kể cho nghe câu chuyện về nhị vị thành hoàng làng hiện đang được thờ tại đây. Tương truyền rằng, có một vị họ Chu vốn người phía Bắc nghe danh vùng đất phương Nam trù mật, yên bình nên đã tìm đến đây nương thân, dựng nghiệp. Ông lập gia đình với người phụ nữ họ Phạm tên Khoan. Vợ chồng sống yêu thương, yên ấm bên nhau đã lâu mà trong nhà vẫn chưa có tiếng cười con trẻ. Nghe tin ở phủ Trừng Trang có ngôi chùa Bảo Phúc (xã Hoằng Quý) nổi tiếng linh thiêng, ông không quản đường xa mà tìm về dâng hương cầu nguyện. Chẳng bao lâu vợ ông hạ sinh hai người con trai, hôm đó là vào ngày 16/2. Lớn lên, hai đứa trẻ càng lộ rõ tư chất thông minh, sáng ngời và người cha quyết định đặt tên con là Chu Minh, Chu Tuấn.

Khi hai con khôn lớn, xuôi theo đường thủy, người cha quyết định dẫn con về ngôi chùa Bảo Phúc ngày nào để tạ ơn. Trên đường đi, bỗng đâu cơn hồng thủy kéo đến nhấn chìm cả thuyền của gia đình họ. Người cha may mắn thoát nạn, còn hai người con nổi trên mặt nước, dáng ngồi như đức phật, xuôi theo dòng nước về trước chùa Bảo Phúc thì dừng lại. Khi nước rút, dân làng ra xem định chôn cất thì đã thấy mối đắp thành hai nấm mộ. Thấy việc kỳ lạ, người dân sắm sửa lễ vật, xây dựng lăng mộ cẩn thận, hương khói thành kính.

Vào thời nhà Lý, giặc Ai Lao vẫn thường quấy nhiễu, bởi vậy đích thân nhà vua đã xung trận dẹp giặc. Khi qua phủ Trừng Trang, nhìn thấy vùng đất trù phú, dân cư đông đúc, nhà vua cho quân lính hạ trại, tuyển thêm binh sĩ, bổ sung quân lương. Trong giấc ngủ mộng mị buổi đêm, nhà vua được hai người con trai mặt mũi khôi ngô họ Chu báo mộng sẽ giúp vua dẹp giặc. Và trong một trận chiến với quân giặc, khi thế trận đang bất phân thì bỗng từ đâu một trận cuồng phong từ phía phủ Trừng Trang nổi lên khiến giặc hoảng loạn, bỏ chạy. Thừa thắng xông lên, quân ta quét sạch giặc Ai Lao.

Nhớ ơn hai vị thần hiển ứng, sau khi trở về nhà vua đã ban thưởng hậu hĩnh cho làng, đồng thời ban thưởng tiền bạc để nhân dân làm quỹ hương khói, thờ phụng. Trước ân điển vua ban, người dân trong làng cùng nhau đóng góp xây dựng ngôi đình và suy tôn hai người con họ Chu làm thành hoàng làng cho đến tận ngày nay.

Mỗi năm đến độ ngày 16/2, ngày sinh của nhị vị thành hoàng làng, người dân Phú Khê lại sắm sửa lễ vật tổ chức lễ hội kỳ phúc, cầu may. Quan niệm dân gian tin rằng, ngày hội làng không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao của nhị vị thành hoàng mà còn để thành hoàng làng phù trợ cho một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn may mắn, an vui. Bởi vậy, không ai bảo ai, đến ngày hội làng kỳ phúc hàng năm, người làng Phú Khê từ khắp mọi miền cùng theo chân nhau về dự lễ.

Hội làng Phú Khê. (Ảnh: Bá Dũng)

Nói về Lễ hội Kỳ phúc làng Phú Khê, ông Lê Minh Hùng - Phó ban quản lý di tích đình làng Phú Khê, nơi tổ chức hội làng tự hào cho biết: Hội làng Phú Khê có từ thời gian nào thì không ai nhớ rõ, chỉ biết rằng nó đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân. Mặc dù lễ hội bắt đầu từ ngày 16/2 (âm lịch) song công tác chuẩn bị đã bắt đầu từ ngày mùng 5 tết. Hôm đó, các vị cao niên trong làng sẽ tập trung tại đình để bầu chủ tế của hội làng năm ấy.

Sáng sớm ngày 16, trên khắp các nẻo đường làng, ngõ xóm của Phú Khê như thổi bừng một sắc mới. Những đoàn người ở các thôn trong quần áo chỉnh tề, theo chân về dâng cỗ. Cỗ dâng lên thành hoàng bắt buộc phải có xôi thịt. Sau khi dâng lễ hoàn tất thì cũng là lúc vị chủ tế tuyên bố chính thức khai hội kỳ phúc. Điều đặc biệt, có lẽ ít nơi nào ở xứ Thanh, lễ hội kỳ phúc kéo dài đến vậy. Bắt đầu từ ngày 16 và chỉ kết thúc vào ngày 20. Trong những ngày diễn ra lễ hội, một ngày bao giờ cũng dâng lên ban thờ thành hoàng hai lần cỗ: buổi sáng cỗ mặn, buổi chiều cỗ chay.

Và với người dân làng Phú Khê thì quả thật hội làng vui hơn tết. Dù kéo dài tới 5 ngày nhưng dường như với người dân trong làng vẫn là chưa thỏa. Không khí lễ hội rộn ràng khắp nơi. Khi bên trong đình làng luôn réo rắt tiếng đàn, sáo nhã nhạc cung đình, tế lễ nữ quan thì ngoài sân đình, những trò chơi, trò diễn truyền thống được tổ chức để người dân tham gia. Nào bài điếm; cờ tướng; vật; bắt chạch; đu dây và sôi nổi nhất có lẽ phải kể đến trò nấu cơm thi. Đây là trò chơi giữa các thôn đọ tài cùng nhau. Một đội thi sẽ có 3 người cả nam, nữ. Đàn ông giã gạo, đàn bà nổi lửa, thổi cơm và đặc điểm của trò này là phải vừa đi vừa nấu, đội giành chiến thắng phải đáp ứng được cả ba tiêu chí: nhanh, chín và ngon. Được biết, nấu cơm thi là trò chơi mô phỏng xuất phát từ thời phong kiến. Khi quân đội của nhà vua hành quân trên đường, do không có nhiều thời gian dừng lại cho việc nấu cơm nên những người làm hậu cần phải nhanh nhẹn, sáng tạo trong việc thổi cơm.

Về Phú Khê trong dịp hội làng, du khách còn được nhâm nhi những món đặc sản mà vô cùng dân dã của người dân địa phương: chè lam và kẹo lạc. Hai món quà vặt nức tiếng một vùng. Bởi vậy, những ngày diễn ra lễ hội cũng chính là thời điểm bận rộn nhất năm của các gia đình làm chè lam và kẹo lạc truyền thống trong làng. Chè lam dẻo, dai, cay nồng hương vị gừng còn kẹo lạc thì giòn tan nơi đầu lưỡi. Giữa những xô bồ, nhộn nhạo của cuộc sống hiện đại, con người bỗng thấy lòng ung dung tự tại khi ngồi trước sân đình, nhâm nhi cốc chè xanh với kẹo lạc. Cuộc sống bon chen đã nhiều mà đôi khi chỉ có vậy cũng thấy thỏa lòng.

Mỗi vùng đất, mỗi miền quê đều mang trong mình những trầm tích văn hóa rất riêng, độc đáo. Và làng Phú Khê cũng vậy.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]