(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tối 14/8, tại Nhà hát Lam Sơn (TP Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ tổng kết, bế mạc và trao giải cho các thí sinh tham dự cuộc thi “Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sân chơi đẹp cho nghệ sĩ trẻ thăng hoa

(VH&ĐS) Tối 14/8, tại Nhà hát Lam Sơn (TP Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ tổng kết, bế mạc và trao giải cho các thí sinh tham dự cuộc thi “Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017”.

Đồng chí Vương Duy Biên, Thứ Trưởng Bộ VHTT&DL, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi và đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao hoa và giấy chứng nhận đạt HCV cho các thí sinh đạt giải.

Sau 10 ngày chính thức tranh tài, với những nỗ lực, sáng tạo và khát vọng tỏa sáng của nghệ sĩ trẻ, “Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc - 2017” cũng đi đến đích với những tên tuổi tài năng trẻ của nghệ thuật truyền thống được vinh danh. Đã có những giọt nước mắt nuối tiếc hay nụ cười hạnh phúc. Nhưng sau tất cả, là cơ hội để người nghệ sĩ nhìn lại mình để biết, đến với nghề là cái duyên nhưng sống được với nghiệp sẽ cần nhiều hơn nữa những tâm huyết, dốc lòng và cố gắng.

Hơi thở cuộc sống trong nghệ thuật truyền thống

Có thường xuyên theo dõi và thưởng thức các tiết mục nghệ thuật dự thi, ta mới cảm nhận được nghệ thuật truyền thống thực sự vẫn có sức lôi cuốn, hấp dẫn kì lạ. Bằng tài năng của mình, người nghệ sĩ đã thổi hồn cho không ít vở diễn kinh điển và mang đến cho khán giả xúc cảm mới lạ. Nhận xét tổng kết cuộc thi, Phó Giáo sư Nguyễn Tất Thắng - Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã khẳng định: các diễn viên đã mang đến cho những “vai diễn cũ, cổ điển nét mới hiện đại”. Đương nhiên, sự nhìn nhận thấu đáo của người thầy về học thuật trong nghề nhận được phần đông ý kiến đồng thuận.

Kho tàng các vở diễn, vai diễn kinh điển của nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo được các thế hệ nghệ sĩ đi trước để lại là tài sản quý giá cho nghệ sĩ trẻ theo nghề. Tuy vậy, đó cũng là thách thức không nhỏ cho người nghệ sĩ đương thời. Khán giả hẳn đã quá quen với những nhân vật trở thành biểu tượng của nghệ thuật: Súy Vân; Thị Mầu; Đào Tam Nương; Mã Lương; Kim Lân; Hoàng Phi Hổ... Có thể nói, chọn những vai diễn cổ điển để dự thi được xem như một sự lựa chọn khôn ngoan về kịch bản nhưng làm sao có thể thoát ra khỏi cái “bóng” của những nghệ sĩ gạo cội, thành công trước đó thì lại phụ thuộc vào sự biến hóa, tài năng của thí sinh dự thi. Và qua cuộc thi, đã không ít thí sinh làm được điều đó, mang đến sự hài lòng cho khán giả, được giới chuyên môn đánh giá cao.

Và bên cạnh đó, có không ít thí sinh lại thử sức mình với những vai diễn có phần mới mẻ: Vợ chồng thuyền chài; Chí Phèo, Thị Nở... thông qua các vai diễn, đã có những thông điệp thật đời thường nhưng vô cùng nhân văn được gửi gắm: cuộc sống với vô vàn sự lựa chọn và con người dù ở thời nào cũng có rất nhiều tham vọng. Nhưng biết đủ, biết đâu thực sự là điều quan trọng đối với mình để quyết định lựa chọn thì đó sẽ là người hạnh phúc.

Lại có những vở diễn khiến người xem ám ảnh, suy ngẫm với triết lý nhân sinh quan. Đó phải kể đến “Thiện ở trong Ác”. Bản thân mỗi con người đều mang trong mình những phần “thiện” - “ác” khác nhau và ranh giới đôi khi thật rất mong manh: trong thiện có ác và trong ác có thiện. Và sống thiện hay ác là tùy thuộc vào bản lĩnh, trái tim của mỗi người.

Dù là cuộc thi về nghệ thuật truyền thống, nhưng rõ ràng trên cơ sở nền tảng của giá trị cốt lõi, các thí sinh - nghệ sĩ trẻ đã biết tự làm mới chính mình, chính vai diễn để mang đến sự thành công cho cuộc thi.

Cần điều chỉnh cơ chế, đảm bảo sự khuyến khích cho các nghệ sĩ trẻ

Tại buổi lễ tổng kết, NSND Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi biểu dương, ngoài việc đánh giá cao các đơn vị nghệ thuật, các thí sinh đã tham gia cuộc thi, còn đề nghị BTC điều chỉnh một số cơ chế, phải làm sao để có thể tạo điều kiện hơn nữa cho các thí sinh của các đơn vị dự thi. Sân chơi nào cũng cần bình đẳng và đối với sân chơi nghệ thuật thì điều đó lại càng cần thiết. Dù là ai, đến từ đâu, chỉ cần có đam mê thì đều nên có cơ hội thử sức, khẳng định bản thân.

Giải thưởng là sự đánh giá về nghề nghiệp. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Có chăng đó chỉ là một chặng đường rất ngắn trên con đường sự nghiệp rất dài của người nghệ sĩ. Vì thế, nếu đã yêu, đã say nghề thì hơn ai hết, người nghệ sĩ trẻ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, để tài năng nghệ thuật tỏa sáng, góp phần vào sự thành công của nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Khép lại 10 ngày tranh tài của 95 diễn viên đến từ 19 đơn vị nghệ thuật truyền thống trên cả nước với 90 trích đoạn tham gia dự thi (53 tiết mục chèo, 37 tiết mục tuồng). Đã có 23 thí sinh giành HCV; 20 thí sinh giành HCB và 2 thí sinh giành giải Diễn viên trẻ triển vọng. Cùng với Giấy chứng nhận đạt giải, các thí sinh cũng được Bộ VH,TT&DL tặng thưởng: 7 triệu đồng cho HCV; 5 triệu đồng cho HCB. Cùng với đó Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng tặng giấy khen và tiền thưởng cho 5 nhóm thí sinh của 5 đơn vị tích cực tham gia. Cũng tại lễ tổng kết, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã tặng bằng khen cho các diễn viên có nhiều đóng góp tích cực tại cuộc thi “Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc”.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]