(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với tín ngưỡng tâm linh không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa; niềm đau đáu về một ngôi đình Vũ Yên xưa sau hàng chục năm mai một... Năm 2013, toàn thể bà con dân làng Vũ Yên, xã Minh Thọ (nay là thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống) đã vận động đóng góp, cùng với con em xa quê công đức kinh phí phục dựng thành công ngôi đình Vũ Yên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Sống lại”... đình làng Vũ Yên xưa!

(VH&ĐS) Với tín ngưỡng tâm linh không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa; niềm đau đáu về một ngôi đình Vũ Yên xưa sau hàng chục năm mai một... Năm 2013, toàn thể bà con dân làng Vũ Yên, xã Minh Thọ (nay là thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống) đã vận động đóng góp, cùng với con em xa quê công đức kinh phí phục dựng thành công ngôi đình Vũ Yên.

Theo các vị cao niên trong làng kể lại, trước khi có tên làng Vũ Yên thì làng được gọi là Kẻ Cuốn. Về sau, khi 2 danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn về làng dạy bà con học chữ, phát triển nông nghiệp, dân số tăng lên thì đổi thành làng Võ An (hay còn gọi là Vũ Yên ngày nay). Theo đó, làng Vũ Yên là một trong những làng lâu đời, tồn tại hơn 600 năm. Từ xa xưa, cha ông đã xây dựng làng này thành một quần thể, bao quanh làng có đền Thượng, đền Hạ, có nghè Giáp Cả, Giáp Nhị, Giáp Tam, Giáp Tứ, phía đầu làng có miếu thờ thần Độc Cước. Riêng đình làng Vũ Yên thì được dựng năm Kỷ Tỵ (1929).

Theo chỉ dẫn của ông Trần Thanh Tùng - Công chức Văn hóa - Xã hội thị trấn Nông Cống, trước mắt chúng tôi là ngôi đình làng khang trang, được phục dựng theo lối kiến trúc đình làng xưa. Ông Tùng lý giải, đình làng là nơi thờ cúng Thành Hoàng làng, bản thổ, người có công khai nghiệp, khai khẩn hình thành làng; nơi tỏ sự tri ân cao cả đối với Thành Hoàng làng và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, hội hè lễ lạt hàng năm của nhân dân.

Đình làng Vũ Yên.

Phía trước cổng Nghinh Môn là ao làng - nơi diễn ra các hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian xưa. Bên phải cổng Nghinh Môn là giếng làng không bao giờ cạn. Qua cổng Nghinh môn là khoảng sân đình rộng lớn. Trước hiên đình là lư hương lớn được làm bằng đá, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Đình Vũ Yên được phục dựng gồm 5 gian, theo lối kiến trúc đình làng truyền thống. Nhà có mặt bằng kiểu chữ Đinh, mái lợp ngói mũi, hệ chân tảng, hệ thống cửa đi kiểu thượng song hạ bản,... Bên trong đình là các bàn thờ Thành Hoàng làng cũng như những người có công lập làng, với hoành phi câu đối khung son, thếp vàng lộng lẫy. Các gian bên là nơi bầy biện gươm, mác, trống, chiêng, ngựa gỗ,...

Theo cụ Lê Đức Trại (85 tuổi, làng Vũ Yên) kể lại: Đình Vũ Yên có từ lúc cụ chưa sinh ra. Đình ngày xưa cao to, trụng trượng. Đình có 5 gian, hệ thống cột đình đều bằng gỗ lim một người ôm không hết. Đến năm 1964 giặc Mỹ thường xuyên ném bom phá hoại đình chùa miếu mạo của ta nên bà con trong làng đã tháo dỡ đình làng để bảo vệ. Hiện, đình Vũ Yên còn lưu giữ lại được một số hiện vật xưa như bát hương thời nhà Lê, đá tảng, rùa đá... Năm 2013, do nhu cầu phục dựng, bảo tồn những giá trị văn hóa làng xã, nhân dân làng Vũ Yên đã vận động đóng góp và con em xa quê công đức hơn 2 tỷđồng phục dựng lại đình làng Vũ Yên.

Cũng theo cụ Trại, đình Vũ Yên ngày xưa chủ yếu thường để tế lễ như, tế làng Văn, tế đức Khổng Tử (tháng 2 và tháng 8 âm lịch); tế làng Võ (ngày 17/2 và 18/8); tế làng Hồ, tế cầu cốc, tế hạ điền, tế khai hạ, tế trạch nhật, tế Tiên Hiền... Sau năm 1945, ngoài phần tế lễ còn có thêm phần hội làng, với nhiều trò chơi như chọi gà, đi thuyền thúng đốt pháo bằng hương, chơi tung tiền vào đĩa, thi bơi, thi nấu cơm ngon,...

Cuốn sách chữ Nho cổ về các bài văn tế thánh thần của làng Vũ Yên.

Hiện tại gia đình bà Nguyễn Thị Thục (80 tuổi) đang còn lưu giữ 2 cuốn sách chữ Nho cổ ghi chép các bài văn tế thánh thần của làng Vũ Yên. Tuy nhiên, trải qua thời gian, đến nay 2 cuốn sách đã bị mục rách nhiều phần. Để bảo quản, con cháu trong làng đã cẩn thận tháo gỡ từng trang gắn vào khổ giấy mới để lưu giữ. Song, do không ai có thể dịch được cuốn sách chữ Nho nên mong muốn các ngành chức năng sớm xác minh, biên dịch lại nội dung để nhân dân làng Vũ Yên sớm được khôi phục những giá trị văn hoá của cha ông để lại.

Ông Lê Văn Đồng - Chủ tịch UBND thị trấn Nông Cống tự hào cho biết: Với những giá trị văn hóa đình làng Vũ Yên, UBND thị trấn đã lập hồ sơ gửi lên các sở, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa để sớm được thẩm định, công nhận di tích Đình làng Vũ Yên là di tích văn hoá cấp tỉnh.

Sơn Đình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]