(vhds.baothanhhoa.vn) - Dệt thổ cẩm là nét đẹp truyền thống, là bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái, Mường... Nét văn hóa truyền thống này đã ngấm sâu vào máu thịt của người phụ nữ từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi về với “mường trời”. Nghề dệt thổ cẩm cũng là thế mạnh của miền Tây Thanh Hóa và đang được khôi phục, phát huy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sống lại sắc màu thổ cẩm

Dệt thổ cẩm là nét đẹp truyền thống, là bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái, Mường... Nét văn hóa truyền thống này đã ngấm sâu vào máu thịt của người phụ nữ từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi về với “mường trời”. Nghề dệt thổ cẩm cũng là thế mạnh của miền Tây Thanh Hóa và đang được khôi phục, phát huy.

Nặng lòng với nghề dệt thổ cẩm

Về với những bản vùng cao xứ Thanh trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, được chứng kiến cảnh các mẹ, các chị người dân tộc Mường, Thái đang hối hả dệt nên những mảnh vải thổ cẩm để may thành những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc hoa, hay những vật dụng như gối, thảm, đệm... trong lòng trào dâng niềm vui khó tả. Những con người ấy đời thường bình dị, chân chất nhưng trong công việc họ trở nên tài hoa, khéo léo. Sản phẩm họ làm ra chính là “cầu nối” để những giá trị văn hóa truyền thống mãi trường tồn. Và khi nhắc đến những con người tài hoa ấy nhiều người nhớ đến chị Hà Thị Dung ở phố Đòn, xã Lũng Niêm (Bá Thước); chị Phạm Thị Bảo, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc); Đinh Thị Phiến, làng Ban, xã Hồi Xuân (Quan Hóa)...

Nhiều địa phương quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm.

Với những người phụ nữ dân tộc Thái như chị Hà Thị Dung việc may vá, se sợi, dệt vải bên khung cửi dưới những ngôi nhà sàn đã trở thành công việc không thể thiếu trong lúc nhàn rỗi. Thế nhưng, theo thời gian, hình ảnh những người phụ nữ ngồi dệt thổ cẩm bên khung cửi dưới những ngôi nhà sàn ngày càng thưa vắng do sự cạnh tranh của hàng may mặc hiện đại. Trăn trở phải làm sao để giữ gìn và phát huy được nghề này, năm 2006 chị Hà Thị Dung đã mạnh dạn vay vốn mua thêm khung cửi để dạy nghề cho chị em trong xã, đặc biệt là thế hệ trẻ; đồng thời mở cơ sở may, tạo thêm việc làm, thu nhập cho chị em.

Theo chị Hà Thị Dung, thời gian đầu thành lập cơ sở, chị gặp không ít khó khăn, do một số chị em không biết thêu, dệt. Song được sự động viên của gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương, chị Dung đã vận động những người có kinh nghiệm dệt thổ cẩm trong xã tham gia dạy nghề, trao đổi kinh nghiệm và sưu tầm các mẫu dệt thổ cẩm cổ xưa kết hợp với những hoa văn hiện đại để tạo ra những sản phẩm phong phú, đa dạng hoa văn, họa tiết tinh xảo. Hiện tại, cơ cở có 40 chị em tham gia và được chia thành các nhóm dệt 8 loại sản phẩm thổ cẩm khác nhau, trung bình mỗi chị thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Riêng cơ sở của chị Dung thu nhập 260 triệu đồng/năm. Ngoài ra, cơ sở này còn tạo điều kiện cho 10 chị em hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Cũng như chị Dung, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức của cơ chế thị trường, nhưng với lòng đam mê, tâm huyết với giá trị truyền thống của cha ông, chị Phạm Thị Bảo, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) luôn trăn trở và tìm hướng đi để nghề dệt thổ cẩm truyền thống được bảo tồn và phát huy. Chị đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm Bảo Hằng, tạo việc làm và truyền nghề cho thế hệ trẻ trong làng, trong xã. Hiện nay, cơ sở của chị hoạt động ổn định, có doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 người với thu nhập bình quân từ 2,5 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của CLB được khách tham quan ưa thích và có mặt ở hầu hết các lễ hội, khu du lịch trên địa bàn huyện, tỉnh.

Thực tế, thu nhập từ nghề truyền thống như dệt thổ cẩm không cao, bởi thời gian tạo ra một sản phẩm dài, khó cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. Nhưng bằng sự đam mê, những người như chị Dung, chị Bảo ở các huyện miền núi vẫn ngày đêm "nặng lòng" với nghề để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm mang đậm nét truyền thống và bản sắc dân tộc.

Để nét đẹp văn hóa truyền thống không bị mai một

Trong thời gian qua, để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của nghề dệt thổ cẩm, nhiều địa phương đã có những giải pháp để tạo sự phát triển cho nghề dệt thổ cẩm. Ví như huyện Cẩm Thủy đã có kế hoạch lưu giữ, khôi phục nghề trồng bông. Các sản phẩm dệt thổ cẩm được bày bán tại một số hộ làm dịch vụ du lịch phục vụ khách hàng đến tham quan tại Suối cá Cẩm Lương. Cùng với đó, huyện cũng có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề dệt thủ công truyền thống kết hợp sử dụng máy dệt trong sản xuất để bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Đây cũng là một cách làm sáng tạo của người dân để góp phần đưa sản phẩm dệt thổ cẩm đến gần với người tiêu dùng.

Còn ở Lang Chánh cũng đang có nhiều giải pháp như thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo Quyết định 1956 của Chính phủ. Theo đó Lang Chánh đã mở lớp học nghề dệt thổ cẩm ở một số địa phương có thế mạnh như Lâm Phú, Đồng Lương, Trí Nang. Tại bản Năng Cát, xã Trí Nang hiện có khoảng 40 hộ đang theo học và lưu giữ nghề dệt thổ cẩm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: Lang Chánh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, việc phát triển này sẽ kéo theo các dịch vụ khác phát triển trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Hiện nay, các sản phẩm làm từ nghề dệt thổ cẩm đã được bày bán ở nhiều điểm du lịch và được nhiều khách du lịch mua về sử dụng hay làm quà. Tuy nhiên, để các loại hàng hóa làm từ nghề dệt thổ cẩm cần có chiến lược dài hơi. Trong thời gian tới huyện bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phát triển làng nghề, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung nâng cao tay nghề cho người lao động, tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí, tìm kiếm thị trường, đầu ra thông qua các hội chợ, lễ hội du lịch để quảng bá… Đặc biệt, vận động thành lập các tổ hợp tác.

Tại huyện Ngọc Lặc, nhiều năm qua nghề dệt thổ cẩm đã có nhiều khởi sắc. Cùng với phát triển du lịch, nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm của huyện đã được mở rộng giao lưu buôn bán ra các huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh. Chính từ những yếu tố đó đã thôi thúc các hộ gia đình chuyển đổi nhận thức từ dệt thổ cẩm là để “tự cung tự cấp” sang sản xuất hàng hóa.

Ông Phạm Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: Giữ nghề truyền thống không những bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mà còn góp phần phát triển KT-XH. Từ đó huyện Ngọc Lặc đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm như giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ huyện phối hợp các ban, ngành mở các lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân mặc trang phục truyền thống thổ cẩm của dân tộc mình trong các hoạt động lễ hội, tết...

Có thể khẳng định trong nhiều năm qua nhiều huyện miền núi xứ Thanh đã có những giải pháp tích cực bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, những giải pháp mà các địa phương đưa ra mới tác động đến việc “níu” nghề. Để giữ nghề, phát triển nghề thì các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện cần có sự quan tâm hỗ trợ cho HTX về vốn để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng nhà xưởng, đầu tư thiết bị máy móc công nghệ mới và đào tạo nâng cao tay nghề cho các xã viên, tìm đối tác liên kết sản xuất và cung ứng sản phẩm để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con.

Xuân Cường


Xuân Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]