(vhds.baothanhhoa.vn) - Chủ đề của cuốn sách là “vấn đề tâm lý nhỏ”: cách nhận diện và điều chỉnh hành vi. Điều quan trọng trong cuộc sống là chính bạn đọc hiểu bản thân mình như thế nào và làm thế nào để tự điều chỉnh, kiểm soát để nâng cao chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn. Sách của hai chuyên gia tâm lý người Trung Quốc, do Thảo Nguyên dịch, được ấn hành bởi Nhà Xuất bản Thanh niên.

Sức mạnh của những thay đổi tâm lý tinh tế - quá trình đọc hiểu bản thân

Chủ đề của cuốn sách là “vấn đề tâm lý nhỏ”: cách nhận diện và điều chỉnh hành vi. Điều quan trọng trong cuộc sống là chính bạn đọc hiểu bản thân mình như thế nào và làm thế nào để tự điều chỉnh, kiểm soát để nâng cao chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn. Sách của hai chuyên gia tâm lý người Trung Quốc, do Thảo Nguyên dịch, được ấn hành bởi Nhà Xuất bản Thanh niên.

Sức mạnh của những thay đổi tâm lý tinh tế - quá trình đọc hiểu bản thân

Benjamin Franklin từng nói: có 3 thứ cực kỳ cứng: thép, kim cương và tự thấu hiểu bản thân. Đúng là hiểu bản thân rất khó. Bởi theo lý giải của nhóm tác giả Tôn Khoa Diễm và Lý Quốc Kỳ thì mỗi chúng ta thường đang chú ý bản thân một cách thái quá, thực tế mọi người không chú ý đến bạn nhiều như bạn tưởng. Tiếp nữa, những gì chúng ta cảm nhận về thế giới bên ngoài chính là phản ánh sơ đồ tâm lý ở bên trong. Đáng nói, sơ đồ tâm lý này động, bị ảnh hưởng bởi trải nghiệm và tương tác. Tất cả có thể thiết lập lại bằng một sơ đồ khác. Nói đúng hơn, con người hoàn toàn có thể nhập vai diễn mới và hóa thân trong vai diễn ấy.

Với quan điểm ấy, nhóm tác giả cho rằng: chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ bản thân. Tự hiểu bản thân: cứng nhưng không thể không có điểm mấu chốt để khoan thủng, thăm dò, khám phá và tự hoàn chỉnh. “Khả năng kiểm soát cũng giống như cơ bắp con người, càng luyện càng mạnh mẽ”. “Luyện tập khả năng kiểm soát bản thân cũng không khó hơn việc tập đánh golf hay tập đàn”. Mà chúng ta cũng biết rõ: luyện tập một điều gì đó thì cần những yếu tố như: mục tiêu - ý thức; thời gian - nhẫn nại; phương thức - sự thấu hiểu, thành thạo; đánh giá lại - tự nhận thức bản thân hằng ngày.

Sau khi đưa ra rất nhiều tình huống ví dụ, điển hình thành công trong việc kiểm soát bản thân, nỗ lực phi thường để đạt mục tiêu trong cuộc sống của nhiều nhân vật ở các lĩnh vực khác nhau, nhóm tác giả đã kết luận: con người hoàn toàn có khả năng học cách từ chối tiếp nhận sự nguy hại và sử dụng phương cách đúng đắn để nâng cao ý chí.

Có người đã nói rằng: thành công hay thất bại khi thực hiện mục tiêu, trước hết hãy đo lường bằng niềm tin của chủ thể. Tin hay không tin - tất cả là do bạn. Tuy nhiên, nếu được lựa chọn tốt nhất là hãy kiên định một niềm tin: rằng mình có thể. Khi ý thức cao về điều đó, ắt hẳn sẽ khởi động toàn bộ sơ đồ tâm lý bên trong hướng đích: rằng mình có thể làm và có thể thành công.

Đúng như nhan đề của cuốn sách “Sức mạnh của những thay đổi tâm lý tinh tế”, nhóm tác giả đã chỉ ra nhiều luận điểm mới mẻ và tinh tế đáng kinh ngạc. Thực tế, theo tác giả khả năng kiểm soát bản thân khá mạnh chưa chắc đã là tốt và những thông tin nhỏ bé cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trí của mỗi người.

Nói vậy để thấy rằng, sự diễn tiến tâm lý của con người vô cùng tinh tế. Quá cũng không tốt, áp chế cũng không tốt. Sáng suốt nhất là hãy luôn nhận diện nó bằng tâm thế của sự phát triển không ngừng mỗi ngày và cần nỗ lực điều chỉnh mỗi ngày. Đừng duy ý chí và áp đặt khiên cưỡng là thông điệp của hai chuyên gia tâm lý hàng đầu người Trung Quốc khuyến nghị.

Câu hỏi quan trọng nhất là nhóm tác giả đã tự đặt ra và nhằm giải thích cho cơ chế tự kiểm soát bản thân đó là gì? Thứ nhất: thế giới không hề khó kiểm soát như chúng ta tưởng tượng. Thứ hai, quyền tự quyết và khả năng tự kiểm soát bản thân là có thể bồi dưỡng và nhân lên mỗi ngày. Thứ ba, bí mật của nó là cơ chế tự bên trong chính chúng ta. Hãy luôn tự nhủ: yêu những gì bạn làm, tự khích lệ bản thân. Rất thú vị, những người thường xuyên tự khích lệ bản thân, có thể nâng hiệu suất làm việc đến 3 lần so với người bình thường hoặc ít khích lệ. Rộng hơn, nếu bạn thích và có thể khích lệ người khác thì bạn đang tạo ra một môi trường tích cực, tỷ lệ này sẽ còn tăng gấp bội.

Sách có 10 chương, đi từ những vấn đề cốt lõi mang tính tự nhận thức bản thân, thấu hiểu bản thân thông qua vấn đề tâm lý tinh tế như đối kháng tâm lý, kinh nghiệm, mối quan hệ ngôn ngữ và hành động, sức mạnh của ước mơ, cảm xúc, sự khác biệt tính cách và cách mỗi người ngắm nhìn thế giới.

Có cảm giác, những lớp diễn biến tâm lý trong con người mà nhóm tác giả đã chỉ ra như muôn trùng lớp sóng. Cái này chưa vào bờ đã kịp xô nhau tận bờ bãi tâm hồn. Tuy nhiên, chúng ta khác biển. Tất cả những diễn biến tinh tế ấy vẫn có các chìa khóa để thấu hiểu tận gốc và điều chỉnh nhằm thay đổi hành vi ứng xử giữa người với người.

Trong sách có một đoạn khá thú vị nói về “điểm rơi của tri thức’”, nghĩa là quá trình học tập bất cứ kỹ năng gì cũng giống như đi bộ trên sa mạc. Chúng ta tìm được điểm rơi của tri thức sẽ có thể dễ dàng nắm bắt được tri thức ấy. Người nắm bắt kiến thức tốt nhất không hẳn là người nỗ lực nhất, nhưng nhất định là người có mục tiêu học tập rõ ràng nhất. Hy vọng những giải pháp mà cuốn sách chỉ ra sẽ giúp các bạn nhanh lấy lại thăng bằng khi bản thân tìm được điểm rơi của tri thức.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]