(vhds.baothanhhoa.vn) - Là một trong những di tích có lịch sử ra đời từ rất sớm, đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc (Hà Trung) gắn liền với nhân vật lịch sử nổi danh thời Lý, có bài thơ “Thần” được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta - “Nam Quốc Sơn Hà”. Tên tuổi ông không chỉ gắn liền với công cuộc “phá Tống, bình Chiêm” vào thời Lý lưu danh sử sách mà còn có dấu ấn đậm nét ở xứ Thanh.

Thăm ngôi đền gần 900 năm tuổi thờ Thái úy Lý Thường Kiệt

Là một trong những di tích có lịch sử ra đời từ rất sớm, đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc (Hà Trung) gắn liền với nhân vật lịch sử nổi danh thời Lý, có bài thơ “Thần” được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta - “Nam Quốc Sơn Hà”. Tên tuổi ông không chỉ gắn liền với công cuộc “phá Tống, bình Chiêm” vào thời Lý lưu danh sử sách mà còn có dấu ấn đậm nét ở xứ Thanh.

Thăm ngôi đền gần 900 năm tuổi thờ Thái úy Lý Thường KiệtNghinh môn đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt mang nét đẹp cổ kính, thâm nghiêm.

Danh tướng vĩ đại thời Lý

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, từ nhỏ Lý Thường Kiệt đã thể hiện khí chất hơn người. Không những chăm chỉ đọc sách, ông còn đặc biệt dành nhiều thời gian rèn luyện võ nghệ, nghiên cứu binh pháp. Đây có lẽ là nền tảng vững chắc để sau này khi làm quan, trải qua ba triều vua Lý, ở vị trí nào ông cũng khẳng định sự xuất chúng của mình.

Năm 1054, vua Lý Thánh Tông lên ngôi, Lý Thường Kiệt thường ngày ở cạnh vua phò giúp, được thăng làm “Kiểm hiệu Thái Bảo” (một chức giám sát ban cho các quan vào hàng cao nhất).

Theo sách Việt điện u linh, năm 1061, người Man ở biên giới Tây Nam nổi lên quấy rối. Vua thấy ông siêng năng, cẩn thận, khoan hồng nên giao cho làm Kinh Phóng (phỏng) sứ vào thanh tra vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Vào tới nơi, vị quan họ Lý bình tĩnh, không dùng binh lực, lấy việc phủ dụ là chính. Nhờ sự khéo léo của ông nên cả “5 châu, 6 huyện, 3 nguồn, 24 động đều quy phục và được yên ổn”. Năm 1068, vua ngự giá đánh Chiêm Thành, Lý Thường Kiệt được cử làm tướng tiên phong. Ông tiến cử em là Thường Hiến cùng đi để hỗ trợ. Đại quân gặp Chiêm Thành, ông và Thường Hiến chia quân làm 2 cánh đánh phá, bắt được vua Chế Củ và cầm tù cả thảy 5 vạn quân. Chế Củ xin dâng ba châu: Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh để chuộc tội, được tha trở về nước.

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức - vua Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới 7 tuổi. Nhà Tống ở phương Bắc với tham vọng tiến xuống vùng đất phía Nam đã không bỏ qua cơ hội này. Quân Tống đã tập hợp ở căn cứ các châu Khâm, Liêm, Ung đêm ngày tập luyện hòng thực hiện mưu đồ. Trước tình thế ấy, Thái úy Lý Thường Kiệt cho rằng: “Ngồi yên đợi giặc sao bằng đánh trước để bẻ gãy mũi nhọn của nó”. Và một trận đánh chiến lược phủ đầu đã được gấp rút tiến hành.

Theo “Lịch sử quân sự Việt Nam” (tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, 2003), Đại Việt đã huy động 10 vạn quân, bao gồm cả lực lượng chính quy triều đình và quân của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc do đích thân Lý Thường Kiệt chỉ huy thần tốc lên biên giới phía Đông Bắc tới Khâm Châu. Tháng 12 năm 1075, Khâm Châu bị quân Đại Việt chiếm. Tháng 1 năm 1076, Đại Việt tiếp tục chiếm được Liêm Châu; đến tháng 3 năm 1076, Ung Châu chính thức thất thủ. Công phá xong thành Ung Châu, Lý Thường Kiệt nhanh chóng rút quân về Đại Việt, chuẩn bị phòng tuyến chặn địch phản công.

Và, một phòng tuyến trên sông Như Nguyệt (một đoạn của khúc sông Cầu) đã được Thái úy Lý Thường Kiệt lựa chọn làm nơi diễn ra trận đánh quyết định cuộc chiến. Sau thời gian mệt mỏi vì không thể vượt qua phòng tuyến sông Như Nguyệt, quân Tống rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Vừa hoang mang trông chờ viện binh, cộng thêm khí hậu phương Nam khác biệt khiến quân sĩ mệt mỏi, bệnh tật… làm giảm nhuệ khí chiến đấu. Lúc này, Lý Thường Kiệt đã tổ chức tấn công, số quân giặc thương vong có đến hàng vạn, xác chất thành gò, đống, quân Đại Việt hoàn toàn thắng lợi.

Đánh giá về công lao của Lý Thái úy, sử thần thời Lê Trung hưng - Ngô Thì Sĩ trong sách Việt Sử tiêu án đã nhận định: “Nước ta đánh nhau với quân nước Trung Hoa nhiều lần, từ vua Nam Đế trở về trước, sau này vua Ngô Tiên chúa đánh Bạch Đằng, vua Lê Đại Hành đánh trận Lạng Sơn, vua Trần Nhân Tôn đánh đuổi được Toa Đô, Thoát Hoan, những trận được vẻ vang đó là câu chuyện hãnh diện của nước ta, nhưng đều là giặc đến đất nước, bất đắc dĩ mà phải ứng chiến. Còn đường đường chính chính đem quân vào nước người, khi đánh không ai địch nổi, khi kéo quân về không ai dám đuổi theo, như trận đánh Ung Liêm này thật đệ nhất võ công. Từ đấy người nước Tàu không dám coi thường chúng ta, đến những đồ cống, hình thức thơ từ không dám hà trách, chỉ sợ lại sinh ra hiềm khích… Triều Lý được trịch thượng với Tống nhiều lắm”.

Khi Đại Việt hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược, đất nước yên ổn, năm 1082, Thái úy Lý Thường Kiệt được cử về Thanh Hóa làm Tổng trấn. Tại đây, trong suốt 19 năm, ông đã để lại nhiều dấu ấn tài năng. Trong đó, việc mở mang, phát triển nghề đục đá (núi Nhồi) và trùng tu cổ tự, trung hưng Phật giáo ở xứ Thanh mang dấu ấn đặc biệt của ông.

Cổ kính đền thờ Lý Thái úy

Từ Quốc lộ 1A theo chiều Nam - Bắc, qua cầu Đò Lèn rẽ trái khoảng 1km, du khách đã đến di tích đền thờ Lý Thường Kiệt cổ kính và thâm nghiêm bên bờ sông Lèn. Và người dân địa phương vẫn thường gọi đền Lý Thái úy hoặc Lý Đại vương, nhằm bày tỏ sự kính ngưỡng.

Di tích dựa lưng vào núi Ngưỡng Sơn - nơi Lý Thái úy xưa kia khi vào Thanh Hóa làm Tổng trấn đã có công lập dựng ngôi chùa cổ Linh Xứng. Sau khi ông mất, tưởng nhớ công đức, Nhân dân trong làng đã lập đền thờ ngay bên cạnh ngôi chùa cổ với tên gọi ban đầu là Miếu Ngưỡng Sơn. Sau đó, đã có thêm nhiều cách gọi tên khác nhau, như: Đền Ngưỡng Sơn - đền Lý Thái úy - đền Lý Đại vương… đều chỉ di tích nơi thờ phụng vị anh hùng lỗi lạc triều Lý - Thái úy Lý Thường Kiệt.

Theo nội dung khắc trên văn bia đặt tại di tích do học giả Nhữ Bá Sĩ soạn vào năm 1860: “đến thời Lý Anh Tông năm đầu niên hiệu Thiệu Ninh (1138) sức cho các quan trấn sứ lập đền thờ giao cho hai tổng Hoàng Xá và Ngọ Xá phụng thờ mãi mãi là đền quốc tế, về sau các kỳ cầu đảo đều có linh ứng”. Các triều đại phong kiến về sau đã truy tặng Lý Thái úy đến 258 mỹ tự (chữ vàng). Ông cũng được Nhân dân phong là phúc thần của làng. Như vậy, tính từ khi khởi dựng đến nay, đền thờ Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc đã có lịch sử gần 900 năm.

Trải qua thăng trầm thời gian, đền thờ đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, ở thời điểm hiện tại, di tích mang dấu ấn kiến trúc thời Lê - Nguyễn với cổng nghinh môn 2 tầng, nhà tiền đường 5 gian 2 chái gồm 12 cột cái, 12 cột quân, kết cấu các vì kèo theo kiểu “giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy”. Trên thượng lương nhà tiền đường còn ghi rõ di tích được trùng tu vào năm 1815. Ông Lê Hồng Phú, công chức Văn hóa - xã hội xã Hà Ngọc, cho biết thêm: “Việc trùng tu di tích đền thờ Lý Thái úy dưới thời Nguyễn được thực hiện bởi 3 làng (Vạn Đề, Yên Vinh, Yên Phú), nếu quan sát kỹ sẽ nhìn thấy những “khác biệt” trong từng đường nét điêu khắc, chạm trổ ở mỗi gian. Song tựu chung đó đều là những tinh hoa của đôi bàn tay người nghệ nhân xưa, đã tạo nên những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp”. Đặc biệt, bên ngoài cổng nghinh môn hiện còn lưu giữ cây đại cổ thụ mà theo người dân địa phương thì “tuổi cây ngang với tuổi đền”. Năm 2016, di tích tiếp tục được trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn những giá trị hiện hữu.

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, năm 2004, di tích đền thờ Lý Thường Kiệt xã Hà Ngọc đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích quốc gia. Ông Phạm Ngọc Quỳ, người trông coi di tích suốt 12 năm qua cho biết: “Dù tuổi đã cao nhưng tôi thấy tự hào và ý nghĩa vì được làm công việc chăm lo, quét dọn, khói hương cho tiền nhân”...

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]