(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội đã đưa ra những khái niệm về tâm linh, nhưng chung quy lại họ đã cho rằng tâm linh là một phạm trù xã hội, mang tính trừu tượng, phản ảnh niềm tin của con người về các thế lực siêu nhiên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thế nào là tâm linh và du lịch tâm linh?

Những năm gần đây nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội đã đưa ra những khái niệm về tâm linh, nhưng chung quy lại họ đã cho rằng tâm linh là một phạm trù xã hội, mang tính trừu tượng, phản ảnh niềm tin của con người về các thế lực siêu nhiên.

Thế lực ấy bao gồm nhân thần và thiên thần. Nhân thần là những người có công với dân với nước, cứu nhân độ thế. Thiên thần là những thế lực siêu phàm như thần gió, thần núi, thần mặt trời, thần trăn, thần cá voi, hổ, báo,... Xã hội loài người có cuộc sống phong phú và đa dạng, con người sống và làm việc thật thân thiện với thiên nhiên. Các biểu hiện đó hợp thành một thể thống nhất hữu cơ, tồn tại tác động qua lại trong tâm thức con người trong hành tinh xanh của chúng ta. Những yếu tố cộng hưởng “thiên địa nhân” ấy vừa mang tính vật chất vừa mang tính tinh thần, xét cho cùng còn được gọi là thế giới tâm linh. Xã hội càng phát triển thì mối quan hệ tâm linh giữa con người với thế giới vật chất xung quanh càng được mở rộng.

Bia Vĩnh Lăng - Lam Kinh, Thanh Hoá, điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.

Tâm linh là một phạm trù xã hội vì vậy nó phát triển theo tiến trình của lịch sử mà con người là chủ thể cho cuộc vận hành phong phú và hấp dẫn ấy đến kỳ lạ. Từ buổi hồng hoang của nhân loại, con người cổ xưa đứng trước những hiện tượng của thiên nhiên kỳ vĩ như sấm, chớp, mưa, bão, lụt lội, ánh sáng của mặt trăng, mặt trời và chứng kiến giữa cái sống, cái chết của đồng loại, con người chỉ biết cầu xin, vái lạy theo tư duy tự phát để mưu cầu sinh tồn. Sau này do quá trình vận động, sáng tạo trong lao động như ngôn ngữ giao tiếp, hái lượm, săn bắt, trồng trọt, con người đã biết cải tạo thiên nhiên để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Tuy nhiên nhiều vấn đề mà con người chưa giải thích được trong thiên nhiên như biến đổi bất thường của thời tiết, động đất, lũ lụt, hạn hán, ngày, đêm, ốm đau, sinh sản con cái, tất cả những hiện tượng ấy họ cho rằng là có một siêu nhiên nào ngoài thế giới vật chất mà loài người đang sống đó là những đấng thần linh và nó đã đi vào tâm thức con người, một phạm trù ý thức hệ xã hội trong thế giới nhân loại và sự thật đã mang tính quy luật trong thời gian năm tháng đó là tâm linh.

Sau này xã hội càng tiến bộ, một hệ thống vật thể cũng được xuất hiện để phục vụ hướng thiện tâm linh như nhà thờ, chùa chiền, đền, đình, miếu mạo, kéo theo đó là ca múa, nhạc phản ảnh logic một phạm trù “có tích mới có trò” có nghĩa là sự kiện nẩy sinh, người ta mới dựng kiến trúc để lễ bái, thờ cúng, múa hát,... Và sự di chuyển của con người từ nơi này đến nơi khác để tỏ lòng thành kính với nghi thức cúng bái, tôn vinh, chiêm ngưỡng, cảm thụ, giao tiếp, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa thông qua địa danh và kiến thức. Tất cả đó là để làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt gia súc đông nhiều cho con người đã trở thành phong tục, thói quen mang tính truyền thống từ đời này sang đời khác. Với cách thức di chuyển mang tính tâm thức bền vững ấy đã trở thành khái niệm du lịch tâm linh, và tính phổ biến toàn cầu đã được biểu cảm thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội của con người.

Với ý nghĩa ấy của tâm linh mà nhiều thế kỷ nay, thế giới đã có những chuyển biến tích cực trong mối quan hệ du lịch, tham quan, thưởng ngoạn, hành lễ, thông qua vật thể như di sản kiến trúc, di sản thiên nhiên, văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ cúng, tế lễ,... Có thể nói du lịch tâm linh ở nước ta đã và đang phát triển mạnh từ Bắc đến Nam. Việt Nam coi du lịch tâm linh là loại hình du lịch văn hóa chuyên đề, một nhân tố quan trọng không chỉ mang lại sự tăng trưởng của nền kinh tế mà còn phát huy giá trị tinh thần, lòng yêu nước, niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước bền vững. Tín ngưỡng trong văn hóa được coi là giá trị cốt lõi của sản phẩm du lịch tâm linh, đồng thời là sợi dây kết nối tâm hồn người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Như vậy, du lịch tâm linh được biểu hiện mấy mặt sau đây:

Một là, phát triển du lịch tâm linh không những bản thân nó là một hoạt động văn hóa tinh thần mà còn là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, một nguồn thu tích cực cho nền kinh tế quốc dân. Ở Việt Nam, sau khi thống nhất nước nhà, Bắc Nam liền một giải, quan hệ quốc tế được mở rộng, Đảng, Nhà nước có chủ trương tự do tín ngưỡng, phát huy giá trị cao đẹp của văn hóa truyền thống như lễ hội, quan hệ dòng họ, tôn giáo, phục hồi văn hóa vật thể, phi vật thể theo hướng tích cực, đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa tâm linh trong nước và nước ngoài nhất là tinh thần đoàn kết quốc tế, khép lại quá khứ hướng tới tương lai.

Du lịch tâm linh ở nhiều nơi như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Vĩnh Phú, Quảng Ninh,... đã có nhiều cách làm phong phú đa dạng có hiệu quả xã hội cũng như thu nhập đáng kể nhất là các lĩnh vực tư nhân. Du lịch cộng đồng theo hình thức xã hội hóa để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn bền vững. Nhiều địa phương đã có những biện pháp, cách thức cho bước đi chiến lược trong đó chú trọng đến du lịch tâm linh, một thế mạnh của ngành du lịch nhất là những nơi có nhiều di sản văn hóa lịch sử, các điểm du lịch như Đền Hùng (Phú Thọ), Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Đền Trần (Nam Định), Thành Nhà Hồ, Lam Kinh (Thanh Hóa),... Những điểm du lịch trên hằng năm du khách trong và ngoài nước đến tham quan, hành lễ ngày càng đông, tạo ra những sức hấp dẫn mới cho xu thế hội nhập phát triển. Nhiều tỉnh thành đã có quy hoạch, kế hoạch, lộ trình cho việc đầu tư tôn tạo di sản vật thể và phi vật thể, các cơ sở hạ tầng được mở rộng theo hình thức xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đầy đủ.

Nếu nói đến sản phẩm du lịch đầy đủ phải tính đến các yếu tố cấu thành như đường sá, phương tiện giao thông đi lại, môi trường cảnh quan, quan hệ giao tiếp ứng xử, cách thức quảng bá giữa du khách với nhân viên du lịch; nơi người ta đến tham quan phải là nơi có dịch vụ ăn, nghỉ, tiếp đón tốt, an ninh trật tự, mua sắm hàng lưu niệm, văn hóa ẩm thực, chất lượng giá trị di sản, điểm đến phải được quy chuẩn. Đến với di sản, tâm linh du khách còn muốn tham quan làng nghề, khu tưởng niệm, hưởng thụ văn hóa phi vật thể, dân ca, dân vũ,... đó là những yếu tố cơ bản cấu thành nên sản phẩm du lịch đầy đủ.

Hai là, để chuyển nhanh tốc độ phát triển du lịch tâm linh bền vững có hiệu quả cần đẩy mạnh xã hội hóa chuyên ngành này vừa có chiều sâu và chiều rộng. Xã hội hóa trong di lịch là nhà nước và nhân dân cùng làm. Do đặc thù của ngành du lịch mà tính chất xã hội hóa có những sắc thái riêng là ở chỗ vừa cảm thụ về tinh thần vừa hưởng thụ về văn hóa vật chất như các kiến trúc cổ, tượng phù điêu hội họa, âm nhạc, đồ thờ cúng cảnh quan hành lễ tâm linh. Xu thế phát triển du lịch cộng đồng là nhân dân tự sáng tạo cách làm tạo ra những sản phẩm mới hấp dẫn dưới sự quản lý của nhà nước, người dân là người được hưởng thụ kinh tế và phúc lợi xã hội khác từ xã hội hóa mang lại. Xã hội hóa ở đây là nhân dân tự bỏ công sức, vật lực, tài lực tùy theo sức của mình để làm du lịch nhất là sản phẩm từ làng nghề sinh thái, phong tục sinh hoạt sản xuất, văn hóa hành chính làng xã cổ xưa, nghi thức cúng lễ, dân ca, dân vũ, hiếu hỉ gia đình,... Thực tế nhiều nơi làm rất tốt như Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nội, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long... Năm 2020, Thanh Hóa đã mở rộng tour du lịch Ninh Bình hai chiều, một lộ trình kết nối tích cực.

Ba là, để nâng cao hiệu quả du lịch tâm linh rất cần tăng cường sự quản lý nhà nước đối với du lịch tâm linh. Quản lý nhà nước nói chung, du lịch tâm linh nói riêng không phải nhà nước quản lý mang tính hành chính là xử phạt, khen thưởng, thu thuế,... mà nhà nước đề ra những cơ chế chính sách sát thực để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển, trong đó ưu tiên xã hội hoá du lịch cộng đồng, mặt khác nhà nước còn đầu tư hợp lý mang tính chủ đạo để tôn tạo, tu bổ di sản vật thể và phi vật thể quan trọng, cơ sở hạ tầng như giao thông, đường xá,... Trên cơ sở chính sách mở và thông thoáng nhưng nhà nước cũng yêu cầu các cơ sở du lịch văn hoá phải nghiêm túc thực hiện những quy định về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời không cho phép ai lợi dụng tâm linh hướng thiện để mê tín dị đoan như bói toán, đồng bóng, đốt vàng mã bừa bãi gây lãng phí, gây ô nhiễm. Ngay như trong giáo lý kinh phật cũng không có nói đến đốt vàng mã, một việc làm không tồn tại trong ý niệm của đạo phật cần phải bãi bỏ trong quá trình lễ hội tâm linh. Những hành vi đặt tiền giấy vào tay, chân tượng, đầu tượng phật thật sự quá đáng, thiếu mỹ quan, phản cảm trái với thuần phong mỹ tục cần được loại bỏ.

Kinh tế du lịch muốn phát triển đúng hướng và có hiệu quả xã hội cao, trước hết ngành văn hóa cần quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước là phải gắn kết giữa bảo tồn với phát triển. Nếu chỉ lo phát triển kinh tế trong du lịch mà quên đi công tác bảo tồn di sản văn hóa là điều rất đáng trách, song nếu bảo thủ, cực đoan trong bảo tồn mà không tính đến phát triển là hết sức sai lầm. Bảo tồn và phát triển là phương châm song hành, bảo tồn để phát triển và ngược lại phát triển là để nâng cao chất lượng bảo tồn. Vấn đề hợp lý, hợp lòng dân trong công tác bảo tồn và phát triển là hành động đúng để phát triển du lịch tâm linh.

Để du lịch tâm linh phát triển, nhà nước đã có chủ trương khuyến khích mọi người dân tham gia tích cực vào hoạt động du lịch bằng cách làm mới sáng tạo và đầu tư hợp lý, tạo môi trường văn hoá du lịch lành mạnh góp phần đưa ngành du lịch phát triển bền vững. Du lịch tâm linh là di sản văn hóa mang ý nghĩa chân - thiện - mỹ vì thế cần phải hiểu đúng, tránh tình trạng trong xã hội như vừa qua có người tự phong là “nữ hoàng văn hóa tâm linh“ kỳ dị hay là không hiểu biết. Năm 2020 có thể nói ngành du lịch nói chung trong đó có du lịch tâm linh thất thu khá lớn, phát triển chậm không những trong nước mà cả thế giới nguyên nhân chính là dịch Covid-19. Vì vậy nhiều nước, nhiều nơi ở Việt Nam cũng đã và đang đổi mới cách làm để phù hợp với tình hình mới, đưa ngành du lịch ổn định từng bước đi lên.

Hoàng Hoa Mai


Hoàng Hoa Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]