(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tín ngưỡng, tục thờ là một trong những thành tố văn hóa, thuộc hình thái ý thức xã hội, là sự phản ánh nhận thức, thể hiện thế ứng xử của con người với tự nhiên và xã hội, qua đó dần hình thành nên những giá trị giúp con người giao tiếp, ứng xử với thế giới xung quanh theo hướng có lợi và nhân văn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tín ngưỡng và lễ hội thờ các vị thần biển

(VH&ĐS) Tín ngưỡng, tục thờ là một trong những thành tố văn hóa, thuộc hình thái ý thức xã hội, là sự phản ánh nhận thức, thể hiện thế ứng xử của con người với tự nhiên và xã hội, qua đó dần hình thành nên những giá trị giúp con người giao tiếp, ứng xử với thế giới xung quanh theo hướng có lợi và nhân văn.

Cư dân các làng làm nghề chài lưới tỉnh Thanh Hóa tự bao đời dấn thân trong môi trường nước, coi “biển khơi là mẹ, cánh buồm là cha”, phương thức sản xuất là: “lọc nước lấy cái”. Họ nhận thức được nguồn lợi lớn lao về nguồn thủy, hải sản do sông biển mang lại cho cuộc sống của mỗi gia đình làng chài, song họ cũng nhận ra sông nước, biển khơi vừa là vàng, là bạc nhưng cũng có lắm tai ương, hiểm họa khôn lường. Qua trải nghiệm họ dần tích lũy được những kinh nghiệm quý giá trong cuộc mưu sinh và hành trình đầy thử thách cam go trong môi trường sông biển. Họ quan sát để rồi tìm ra quy luật của tự nhiên, biển trời, sông nước.

Những người dân chài nhỏ bé, di duệ của cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ theo truyền thống xưa biết tôn trọng, hòa hợp và dựa vào biển khơi để cùng chung sống. Trước khi có thuyền bè và những phương tiện chinh phục đại dương, để tồn tại con người thời bấy giờ phải nghĩ ra cách đối phó lại với loài thủy quái. Theo Lĩnh Nam chích quái ghi chép truyện Hồng Bàng thì: Lúc ấy dân sống ở rừng và chân núi, xuống nước đánh cá thường bị giống giao long làm hại, bèn nói với vua. Đáp rằng: “Giống sơn man và giống thủy tộc khác hẳn nhau. Giống thủy tộc yêu kẻ giống mình ghét kẻ khác mình cho nên hại nhau đó”. Bèn bảo người đời lấy mực xăm vào mình theo hình Long Quân, theo dạng thủy quốc. Từ đó dân không bị tai họa giao long làm hại nữa. Tục xăm mình của dân Bách Việt cũng bắt đầu từ đấy. Cư dân biển xứ Thanh cũng như người Việt xưa có tục xăm mình tránh thuồng luồng. Đến triều Trần, xăm mình là truyền thống của hoàng tộc. Thượng hoàng của vua Trần Anh Tôn đã nói: “Nhà ta là người ở vùng hạ lưu đời đời ưa chuộng sự hùng dũng, thường thích hình rồng vào đùi, để tỏ ra không quên gốc”. Đến nay cư dân biển vẫn có tục xăm mình khi mưu sinh trong môi trường biển. Như vậy, tục xăm mình, dấu tích của tộc người Việt sống trong môi trường nước, hòa với các loài thủy tộc để chúng tưởng là đồng loại mà không hãm hại đã có từ lâu đời và ngày nay vẫn còn hiện hữu nơi miền duyên hải tỉnh Thanh.

Theo truyền thống của cư dân Việt cổ, trong tục thờ Độc Cước với việc tế chàm trâu, tổ chức hội chọi trâu để làm vui lòng thần (làng Núi, làngĐồn Điền, Đồ Hải, Ngọc Xuyên); rước Long Châu, thả thuyền rồng nơi giao nhau giữa nước sông gặp nước biển, hóa Long Châu trở về với biển khơi (làng Diêm Phố) cho thấy thế ứng xử và sự tri ân của ngư dân đối với Độc Cước, thủy thần, cá Ông… những vị thần của biển khơi luôn giúp đỡ ngư dân.

Đối với cá Voi, người dân chài ven sông biển xứ Thanh đã xem cá Ông như người cứu mạng. Gặp Ông mắc cạn bằng mọi cách họ đưa Ông về với đại dương. Khi cá Ông lụy họ chịu tang và thờ cúng như là người thân của gia đình và của cộng đồng. Cách ứng xử với cá Voi - cá Ông có từ lâu đời và cho tới hôm nay, vào các năm 2006, 2007 và 2008 tại làng biển Đa Lộc (Hậu Lộc) khi cá Voi lụy đã được ngư dân mai táng chu toàn, tháng 5/2008 cá Voi theo thủy triều vào bờ mắc cạn, người dân đã tìm mọi cách đưa cá trở lại với biển khơi. Điều đó toát lên quan điểm sống hoà giữa con người với tự nhiên, tôn trọng, ứng xử theo quy luật của tự nhiên luôn đặt ra và có ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống của con người.

Tục thờ cá Ông xuất phát từ chiều sâu tâm thức của những ngư dân từ các câu chuyện, giai thoại lưu truyền trong dân gian về việc cá Voi hay cứu giúp thuyền bè, người bị nạn ngoài biển khơi những khi sóng to gió lớn và giúp đỡ ngư dân đánh bắt tôm cá. Sách Gia Định Thành Thông Chí của sử gia Trịnh Hoài Đức lại có đoạn nói về việc cá Voi giúp người đánh bắt cá như: “Thần là con cá nhân ngư... Ngư phủ giăng lưới đánh cá, thường hô là thần mà cầu khấn thì nhân ngư đuổi cả bầy cá chạy vào lưới, ngư phủ rất cảm ơn”... Niềm tin đó của ngư dân ngày càng được củng cố nhờ vào những kiểm chứng từ những hiện tượng có thật khi cá Voi giúp người đi biển gặp hoạn nạn hay giúp họ đánh bắt tôm cá. Trong quan niệm của ngư dân, cá Ông là biểu tượng của sức mạnh chống bão tố trên biển, là biểu tượng của lòng nhân ái bao la, là vị thần hộ mệnh, đem ấm no hạnh phúc cho ngư dân. Cá Voi chính là vị thần “bảo hộ” trên biển, là đấng thiêng liêng phù hộ cho họ trong những chuyến ra khơi căng lưới. Và vì thế, để tỏ lòng ngưỡng mộ cung kính của mình họ gọi cá Voi là Ngài, là Đức Ông, Đức Ngư và xưng tụng bằng các tước hiệu tôn kính khác nhau là Nam Hải Đại Tướng Quân, Cự Tộc Ngọc Long Tôn Thần, Đại Càn Nam Hải Đại Tướng Quân, Đông Hải Ngọc Long Tôn Thần. Tuy nhiên, một cách dân dã đời thường, người ta vẫn gọi ông bằng một cái tên thông dụng và gần gũi hơn cả là thần Nam Hải hay cá Ông.

Hàng năm vào những ngày lễ hội lớn mùa xuân,ở các đền thờ cá Ông đều tổ chức các ngày cúng Ông rất trang trọng, luôn là những ngày lễ trọng đại của vạn chài. Trong số các lễ vật dâng cúng Đức Ông nhất thiết phải có một con cá “Hác” được thả trong chậu đồng đang bơi lội. Theo cách gọi của dân Diêm Phố là cá “Hác” nhưng thực chất cá “Hác” là con vích biển, tại đền thờ Ngư Ông ở làng Quang (Sầm Sơn) ngư dân cho biết đó là tên gọi một loài rùa biển. Khi lễ tất thì phải rước cá Hác thả về với đại dương. Theo ngư dân Diêm Phố cho biết cá “Hác”- rùa biển gợi nhớ tới hình bóng của cá Ông với cái lưng đen nhẫy, to rộng, tựa như mái nhà sẵn sàng che chở cho thuyền bè và ngư dân khi thả lưới buông câu gặp bão tố trên biển. Trong văn khấn và thỉnh cầu Đức Ông Nam Hải có đoạn: “… Dân làng Diêm Phố đồng lòng sắm lễ bạc tâm thành hướng ngày chính kỵ Đức Ông Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lâm tôn thần. Mời Đức Ông chứng giám cho sự ngưỡng mộ, tri ân công đức của con dân làng Diêm Phố với Ngài. Cúi xin Đức Ông phù hộ cho dân làng Diêm Phố đi khơi gặp “đống”, đi lộng gặp “tía”, sóng lặng gió êm, dân tình no ấm ”.

Lễ hội Cầu Ngư liên quan đến tục thờ cá Ông. (Ảnh: Trọng Thắng)

Tục thờ các vị thần biển trong đó có cá Voi và lễ hội Cầu Ngư thể hiện sự ứng xử giữa con người với thiên nhiên với triết lý “sống hoà”. Người với cá Voi nói riêng, động vật của biển cả nói chung là bạn, nương tựa vào nhau để trường tồn trong cuộc sống.

Các làng chài cửa sông Mã thông ra biển, sông Ghép, sông Bạng… có lệ tục không đánh bắt cá trong thời kỳ cá đẻ trứng. Phường Tứ chiếng Biện Sơn - xã đảo Nghi Sơn nay có lệ từ tháng Giêng đến tháng Ba không dùng lưới nhỏ đánh cá và sau tháng Ba họ cũng không bắt cá con để bảo vệ nguồn lợi hải sản. Lệ tục đó thể hiện cách ứng xử khôn ngoan của như dân đối với nguồn lợi tự nhiên, không khai thác cạn kiệt nguồn lợi thủy sản bao đời nay đã nuôi sống họ. Hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, ngày tiễn Táo Quân lên trời, các làng chài nói riêng, cư dân nông nghiệp nói chung có tục thả cá ra sông, biển. Mỹ tục đó mang màu sắc tâm linh, song thể hiện sự tôn trọng tự nhiên với triết lý: Hòa hợp với biển khơi thì chính sông biển dồi dào tôm cá sẽ đem lại cho con người cuộc sống bền vững.

Nước là khởi nguồn của sự sống. Trong tâm thức của họ, thần Độc Cước là hiện thân của cơn mưa mát lành cho mùa màng tươi tốt được thể hiện sinh động trong lễ cầu mưa của những người làm nông nghiệp. Độc Cước là vị thần sông biển để thuyền bè ra khơi vào lộng thuận buồm xuôi gió, biển khơi cho dân chài nhiều tôm cá như ước nguyện của họ trong Lễ hội Cầu ngư.

Nếu cư dân nông nghiệp với tín ngưỡng thờ thần mặt trời mang lại nguồn sinh lực thúc đẩy mùa màng tốt tươi và cuộc sống no đủ, thì cư dân miền biển, vùng cửa sông coi mặt trăng thuộc về nước, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của các loài động vật dưới nước sinh trưởng và suy giảm. Trăng như là hóa thân của một vị thần có sức mạnh cao diệu và linh ứng luôn giúp đỡ và hộ mệnh cho họ trong mỗi chuyến ra khơi vào lộng, buông lưới quăng chài. Và, như thế tín ngưỡng thờ mặt trăng đã có từ lâu đời và in sâu vào tâm thức của cư dân Việt cổ xứ Thanh.

Trên địa bàn Thanh Hóa, hình ảnh mặt trăng cũng không hiếm gặp ở một số di tích. Theo PGS, TS Trần Lâm Biền, thần Độc Cước như linh hồn của mặt trăng, gắn với con nước. Và ngôi đền thờ thần nhìn xuống bờ biển có những mảng chài, mà bộ phận gác mái chèo mang hình trăng lưỡi liềm… bóng dáng của thần chỉ thường ở ven biển và ven sông lớn, khắp đồng bằng Bắc Bộ. Đề cập tới thần Độc Cước và mặt trăng, PGS Nguyễn Duy Hinh cho rằng: “Thần là hình tượng nhân cách của mặt trăng, liên quan tới thủy triều…”.

Ở khu vực đền Thượng, sát ngay chân sóng là những chiếc bè mảng, bè tưởng như đơn sơ lại chứa đựng trong nó những quan niệm về mặt trăng gắn với thần Độc Cước. Mặt trăng tác động tới thuỷ triều sự sinh trưởng và quy luật hoạt động của các loài hải sản, chi phối phương thức đánh bắt cá tôm của cư dân ven biển và các con thuyền ra khơi. Độc Cước là hình tượng nhân hoá của mặt trăng. Bè mảng Sầm Sơn đầu mũi có hai cái đà cong hình sừng trâu có tác dụng gác buồm, chèo, vị trí này xưa dùng để đặt thủ trâu lễ vật cúng tế thần Độc Cước.

Sau khi chiếc bè được làm xong, ngư dân vẽ một chữ Vạn (+) vào giữa bè. Vạn theo Ấn Độ dịch là Đức nói về công đức, còn đời Nhà Chu ở Trung Quốc thì Vạn là muôn đức tốt lành đều hợp cả ở đây. Hoặc sau khi tu sửa bè thì phải tô vẽ lại và tổ chức lễ cúng chu tất. Chữ Vạn trên những chiếc bè mảng của ngư dân gắn với sự tích thờ Phật - Độc Cước và Cá Voi cứu giúp thuyền bè và dân đi biển gặp nạn.

Nhìn tổng thể chiếc bè toát lên biểu tượng liên quan đến mặt trăng. Theo triết lý Phương Đông: Bầu trời và con người là dương và mặt trăng - thuỷ triều - biển là âm. Âm dương tuy khác nhau nhưng hài hoà trong thái cực. Trong dương có âm, trong âm có dương biểu hiện trời biển giao hoà. Chiếc bè mảng của ngư dân thể hiện nhận thức về vũ trụ của những người Việt cổ, phản ánh quan điểm sống "hòa" giữa con người với thiên nhiên. Thuỷ triều với mặt trăng là một cặp "song sinh". Hoà trong không gian ấy con người như được tăng thêm sức mạnh và tự tin hơn mỗi khi quăng chài, buông lưới. Người miền biển luôn tin tưởng rằng, có thần mặt trăng phù trợ trong tinh thần "hoà" cùng vũ trụ thì sẽ hạn chế được tác hại của bão tố, sóng thần. Chiếc bè mảng đã chở theo nó niềm tin dân gian của người Việt nói chung, dân chài nói riêng, đó là tư tưởng "hòa", con người và thiên nhiên đồng nhất thể, tất cả đều tồn tại, phát triển.

Suy cho cùng, con người và biển cả là một, "hòa" với thiên nhiên, thiên nhiên sẽ đem lại nguồn lợi vô tận và cuộc sống ấm no. Đó chính là cách ứng xử "khôn ngoan, sáng suốt" của ngư dân tích lũy từ ngàn đời nay. Vì vậy, cư dân các làng ven sông biển biết ơn thiên nhiên, biết ơn Mặt trăng - thần Biển bảo mệnh mang một quyền năng vô bờ bến, đem lại mọi nguồn hạnh phúc cho họ.

Tín ngưỡng và lễ hội thờ các vị thần biển tỉnh Thanh thể hiện thế ứng xử của con người với tự nhiên- môi trường biển, qua đó dần hình thành nên những giá trị giúp con người giao tiếp, ứng xử với thế giới xung quanh theo hướng có lợi và nhân văn.

TS. Hoàng Minh Tường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]