Chủ trì Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 vừa tổchức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chỉ đạo, các hành vi tranh cướp lộc, tư tưởng trục lợi, vì đồng tiền… là những mặt trái tiêu cực, không được phép tồn tại trong hoạt động văn hóa là lễ hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tranh cướp, trục lợi không được tồn tại trong lễ hội

Chủ trì Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 vừa tổchức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chỉ đạo, các hành vi tranh cướp lộc, tư tưởng trục lợi, vì đồng tiền… là những mặt trái tiêu cực, không được phép tồn tại trong hoạt động văn hóa là lễ hội.

Trên tinh thần đó, đại diện các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố có di tích, lễ hội còn tồn tại vấn đề nổi cộm đã được lãnh đạo Bộ yêu cầu cam kết giải pháp khắc phục ngay trong mùa lễ hội năm nay.

Toàn cảnh hội nghị

Phạt nguội… cướp lộc

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy thẳng thắn, các hành vi như cướp lộc tại lễ hội Đền Sóc (Hà Nội), lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc), Đền Trần (Nam Định) hay chen lấn, tranh cướp phản cảm tại hội Phết Hiền Quan; chọi trâu bạo lực tại Yên Bái, Tuyên Quang… là những điển hình nổi cộm ở mùa lễ hội 2017. “Đây là những nổi cộm cần được các địa phương cam kết giải pháp khắc phục. Bộ yêu cầu địa phương nói thẳng, không né tránh về phương thức mới nhằm giảm thiểu những bức xúc, phản cảm này”, Thứ trưởng chỉ đạo.

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động trần tình, không đâu nhiều lễ hội và đông đúc như Hà Nội. Chỉ ba tháng đầu năm đã có đến 1.206 lễ hội, mỗi ngày có đến hàng chục lễ hội, trong khi đội ngũ quản lý còn mỏng, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của hàng vạn du khách đổ về cùng một thời điểm.

“Công tác thanh, kiểm tra đôi khi còn thiếu quyết liệt. BTC lễ hội, trụ trì một số cơ sở tín ngưỡng đôi khi còn đối phó, hoạt động chưa chuyên nghiệp. Tôi đơn cử như ở một lễ hội đông đúc như Chùa Hương, khi có đoàn kiểm tra thì sạch sẽ, gọn gàng, nhưng ba tiếng sau quay lại đã khác ngay rồi…”, ông Động nói.

Đề cập đến lễ hội điển hình về nạn tranh cướp lộc là hội Đền Sóc, Giám đốc Sở Hà Nội khẳng định, năm nay sẽ không còn tranh cướp. Từ hình thức tán lộc tập trung, lễ hội đền Sóc sẽ thay đổi hình thức tán lộc. Lộc hoa tre và trầu cau sau khi làm lễ sẽ được san sẻ, tán lộc cho người đi lễ trong khu vực thờ tự một cách trật tự, văn minh. “Ngày xưa các cụ dùng từ “cướp lộc” nhưng “cướp” ở đây là người trẻ nhường người cao tuổi, thanh niên nhường phụ nữ, nhưng bây giờ thì là cướp thật. Thanh niên lao vào nhau giằng xé, gây gổ…, nếu không thay đổi phương thức thì những hạn chế này sẽ nói mãi mà không thể dứt điểm”.

Sau những lộn xộn tranh cướp để có được lá ấn đầu năm, lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định) từ năm 2012 với đề án đổi mới đã cơ bản không còn tái diễn cảnh tượng giẫm đạp, xô đẩy ngay trong đêm khai ấn. Tuy nhiên, lễ hội này một vài năm gần đây vẫn bị dư luận “nhặt sạn” với những nổi cộm như ném tiền lên kiệu ấn, cướp lộc trên ban thờ, chen lấn, xô đẩy khi bắt đầu khai ấn... Theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nam Định Nguyễn Công Hiệp, năm nào Nam Định cũng lên rất nhiều phương án nhằm hạn chế tối đa tiêu cực, tuy nhiên vì lượng người đổ về đêm khai ấn quá đông, cơ sở hạ tầng còn chật chội nên những nổi cộm, phản cảm vẫn còn tái diễn.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy lưu ý: “Đừng đổ lỗi tại đông người!”. Những lễ hội lớn, có sức hút càng đòi hỏi sự quyết liệt trong quản lý. Lễ hội Đền Trần Nam Định năm 2018 phải cam kết có giải pháp khắc phục hai vấn đề nổi cộm là ném tiền lẻ vào kiệu rước và cướp lộc trên ban thờ. Đề án thực hiện đổi mới lễ khai ấn đền Trần không hề có những nội dung này, cho nên những nổi cộm, vấn đề phát sinh từ tư tưởng không trong sáng, vụ lợi đó phải có giải pháp để xử lý.

“BTC lễ hội phải tuyên truyền rằng đó là những hành vi bất kính, làm giảm đi ý nghĩa thiêng liêng của lễ hội. Chúng ta cũng ghi lại những hình ảnh người ném tiền lên kiệu, người cướp lộc. Nhưng vì sao không xử lý? Giao thông còn có hình thức phạt nguội. Lễ hội cũng phải như vậy. Hơn nữa, có mặt trong sân đền đêm khai ấn không có nhiều người dân mà chủ yếu là đối tượng cán bộ, đảng viên. Họ không làm gương thì còn nói ai được nữa?” , Thứ trưởng thẳng thắn.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017

Vì sao các doanh nghiệp hăng hái chọi trâu đến thế?

“Nóng” hội nghị vẫn là việc quản lý các lễ hội chọi trâu tại nhiều địa phương. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh quan điểm của Bộ đối với việc yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo không tổ chức lễ hội chọi trâu phi truyền thống. Tuyên Quang, Yên Bái, Hải Phòng là ba địa phương phải đăng đàn để cam kết về giải pháp để loại bỏ những lễ hội chọi trâu trái phép, hay các phương án đảm bảo an toàn trong tổ chức lễ hội truyền thống như Đồ Sơn.

Ông Nguyễn Vũ Phan, Quyền Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang than thở: “Chọi trâu ở đâu mà chẳng giống nhau. Tại sao con trâu Đồ Sơn với con trâu Hải Phòng đều như nhau; khi chọi đều tạo hình ảnh bạo lực, phản cảm giống nhau mà nơi thì được phép, nơi không? Việc giải thích cho người dân về lễ hội chọi trâu là phản cảm vẫn chưa rõ ràng nên người dân chưa chịu. Mặt khác, lễ hội đã cấp phép rồi giờ dừng lại thì phải có căn cứ…”.

Nếu bám sát, tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Bộ VHTTDL trong hai năm vừa qua thì tổng hợp số văn bản chấn chỉnh, yêu cầu dừng không tổ chức các lễ hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống được ban hành có lẽ có mật độ dầy nhất. Tuy nhiên, ngay tại Hội nghị, Quyền Giám đốc Sở VHTTDL Tuyên Quang vẫn hỏi: “Chúng tôi muốn nghe kết luận chính thức của Bộ, cả bằng văn bản rằng Tuyên Quang có được tiếp tục tổ chức chọi trâu nữa hay không? Ở một vài huyện ở Tuyên Quang, đã có hàng trăm con trâu tập trung về đấy, Bộ không bảo dừng thì Tết xong là chọi, lúc đó không ngăn được…”.

Trong khi đó, một số địa phương từng diễn ra những lễ hội phản cảm, bạo lực tương tự như Yên Bái có lễ hội Đông Cuông với tục treo cổ trâu, Phú Thọ có lễ hội Cầu trâu đều đã dừng, không tiếp tục tổ các nghi thức hủ tục này theo tinh thần chỉ đạo của Bộ VHTTDL.

Yên Bái trước năm 2017 có 8 lễ hội chọi trâu. Từ năm 2017, sau chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL đã tích cực vận động và kết quả là hầu hết các địa phương đã bỏ tổ chức chọi trâu. Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái cho biết: “Trong năm 2018, Yên Bái cam kết sẽ không còn các Lễ hội chọi trâu trái phép. Chúng tôi đã có những cuộc làm việc với các doanh nghiệp tổ chức chọi trâu để thuyết phục họ chuyển sang các hình thức hoạt động khác. Cho đến nay đã cơ bản đáp ứng chỉ đạo của Bộ VHTTDL…”.

Cũng liên quan đến chỉ đạo của Bộ VHTTDL chấn chỉnh công tác tổ chức đối với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu, Hải Phòng sớm hoàn thiện đề án đổi mới quản lý lễ hội chọi trâu Đồ Sơn và trình lãnh đạo Bộ trong tháng 3.2018. Các yếu tố đảm bảo an toàn, khắc phục mặt trái, trục lợi, thương mại hóa… cần đặc biệt chú trọng.

Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc quyết liệt, lãnh đạo Bộ cần giao Cục Văn hóa cơ sở nghiên cứu vì sao lại có nhiều doanh nghiệp hăng hái xin tổ chức chọi trâu đến thế. “Chẳng phải vì lợi nhuận kinh tế thì họ có hăng hái, tích cực như vậy hay không?”, ông Phạm Xuân Phúc đặt câu hỏi.

Yêu cầu các địa phương dừng tổ chức các lễ hội có yếu tố thương mại trục lợi như các lễ hội chọi trâu do doanh nghiệp tổ chức

Tuyệt đối hóa thì chỉ có thể khen… chùa Bà Đanh

Cũng theo Phó Chánh thanh tra, không nên tuyệt đối hóa công tác quản lý lễ hội, thậm chí có những “hạt sạn” phải chấp nhận. “Quản lý lễ hội mà đòi hỏi tròn trĩnh và không có “sạn” thì sẽ thất bại ngay từ nhận thức. Cũng không nên áp dụng các biện pháp quản lý hành chính mà phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Nếu đòi hỏi lễ hội phải “sạch” thì chỉ có thể khen… Chùa Bà Đanh (!)”, ông Phúc nói.

Giám đốc Sở Hà Nội Tô Văn Động cũng tha thiết đề nghị báo chí, truyền thông hãy công bằng khi tuyên truyền về lễ hội: “Hãy đừng bỏ qua “90 phút thi đấu” tốt để chỉ tập trung vào một “phút bù giờ” lơi lỏng. Mô hình nào tiêu biểu thì cần được tuyên dương chứ không nên chỉ tập trung vào mặt trái…”.

Ông Động cũng cho rằng, tuyên truyền nếu trúng tâm lý người đi lễ thì hiệu quả sẽ rõ ngay. Như đối với chiến thắng của đội tuyển U23, người dân đổ ra đường và tự tổ chức những lễ hội ăn mừng chính là xuất phát từ trái tim và nhiệt huyết của họ, hoàn toàn không phải do cơ quan quản lý tổ chức.

Đồng thuận quan điểm cho rằng quản lý lễ hội không thể tròn trĩnh, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng lưu ý, hoạt động lễ hội là lĩnh vực nhạy cảm, sẽ liên tục có các yếu tố phát sinh. Không thể hạn chế “sạn” nhưng nếu để có quá nhiều nổi cộm thì không được. Thứ trưởng chỉ đạo, các địa phương phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ tại hội nghị này.

“Nhiều nổi cộm không phải không có cách giải quyết, vấn đề là phải có phương thức phù hợp. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt từ TƯ đến địa phương, với hệ thống giải pháp chấn chỉnh đồng bộ thì công tác lễ hội trong những năm qua không thể có nhiều chuyển biến tích cực đến vậy…”, Thứ trưởng khẳng định.

Yêu cầu tiếp tục tăng cường tuyên truyền, thanh kiểm tra lễ hội, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, năm nay, công tác thanh tra, giám sát sẽ được Bộ tiến hành đột xuất, đảm bảo hỗ trợ tối đa cho các địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời với những vấn đề nổi cộm.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho 25 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017.

theo baovanhoa.vn


theo baovanhoa.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]