(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 12 năm vẽ tranh thờ, anh Triệu Hùng Cường (thôn Thạch An, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy) là cái tên mà hầu hết đồng bào dân tộc Dao trên mảnh đất xứ Thanh đều biết đến Đơn giản, anh là người duy nhất làm tranh thờ ở đây.

Tranh thờ - nét văn hóa độc đáo của người Dao

Sau 12 năm vẽ tranh thờ, anh Triệu Hùng Cường (thôn Thạch An, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy) là cái tên mà hầu hết đồng bào dân tộc Dao trên mảnh đất xứ Thanh đều biết đến Đơn giản, anh là người duy nhất làm tranh thờ ở đây.

Đồng bào dân tộc Dao ở Thanh Hóa có gần 7.000 người thuộc hai nhóm: Dao Quần Chẹt và Dao Đỏ. Nhóm Dao Quần Chẹt di cư từ Tuyên Quang, Hoà Bình, Vĩnh Phúc vào hồi đầu thế kỷ XX, tập trung ở các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc. Nhóm Dao Đỏ hiện đang sinh sống tại Mường Lát di cư từ Lào sang sau năm 1945.

Với đồng bào Dao trong cả nước nói chung, đồng bào Dao Thanh Hóa nói riêng, ngoài những sự kiện, ngày lễ quan trọng nhất trong cuộc đời như: lễ Cấp sắc, lễ Hoàn nguyện, Tết nhảy, lễ Tạ mả (lễ tang), Đám ma tươi..., họ cũng ăn Tết Nguyên đán cùng người dân tộc Kinh và các dân tộc khác.

Tranh thờ - nét văn hóa độc đáo của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao ở Cẩm Thủy chuẩn bị các nguyên vật liệu để làm bánh dày đón Tết Nguyên đán.

Dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng đồng bào dân tộc Dao rất tự hào vì đã giữ gìn được các phong tục truyền thống, trong đó tiêu biểu là tranh thờ. Tranh thờ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh, nhất là thời điểm đầu xuân năm mới.

Mỗi một dòng họ thường chỉ có một bộ tranh thờ. Và người Dao không treo tranh hằng ngày trong nhà. Chỉ khi tiến hành nghi lễ, họ mới treo tranh thờ lên, thực hiện lễ xong lại cuộn tranh cất đi.

Tranh thờ - nét văn hóa độc đáo của người Dao

Anh Triệu Hùng Cường ngắm bộ tranh vừa hoàn thành.

Đến thăm nhà anh Triệu Hùng Cường, người duy nhất còn lại ở Thanh Hóa theo đuổi nghề vẽ tranh thờ. Anh cho biết: “Tranh thờ gồm nhiều bộ. Trong đó, bộ nhỏ gồm 3 tờ dài và mũ nhỏ; bộ to gồm 12 tờ to, 4 tờ nhỏ, 3 tờ dài và nhiều loại mũ. Để đưa được tranh lên bàn thờ ít nhất phải qua 4 lần cúng, làm lễ. Bộ tranh thờ lưu truyền từ đời này sang đời khác. Có những bộ tranh vài trăm năm nhưng vẫn được các dòng họ giữ gìn. Kể cả tranh bị rách thì cũng phải được tổ tiên cho phép mới làm lễ để thay. Các dòng họ người Dao ở Thanh Hóa gần như chưa thay tranh thờ, nếu có thì chỉ là bộ tranh nhỏ. Riêng họ của tôi, tức họ Triệu lớn, thì không dùng bộ to, chỉ dùng bộ nhỏ. Nếu cần tế mả thì phải mang một con lợn sang họ khác mượn bộ to về treo làm lễ. Điều đó thể hiện quan niệm về sự linh thiêng của tranh thờ trong đời sống của đồng bào Dao chúng tôi”.

Tranh thờ - nét văn hóa độc đáo của người Dao

Từng bức tranh được treo trang trọng trước khi bàn giao cho khách hàng.

Theo anh Cường, người Dao thường thờ các bộ tranh như Sò phảng, Hành sư, Tam Thanh đại đường... Mỗi bộ tranh mang những ý nghĩa, sắc thái khác nhau trong đó nổi bật và phổ biến nhất chính là bộ Tam Thanh đại đường gồm 12 bức tranh to vẽ đủ 120 binh lính và 4 bức tranh nhỏ vẽ Tứ phủ công tào.

Tranh thờ - nét văn hóa độc đáo của người Dao

Tranh thờ sử dụng màu nước với 8 màu cơ bản và phối thêm từ 4-5 màu khác trong đó chủ đạo là vàng, xanh, đỏ, trắng, đen.

Tranh thờ - nét văn hóa độc đáo của người Dao

Riêng mặt nạ để làm lễ phải được vẽ trong giấy dó khổ nhỏ. Mặt trước là hình quan văn, mặt sau là quan võ.

Tranh thờ - nét văn hóa độc đáo của người Dao

Hoặc cũng có thể là hình Tam Thanh ở mặt trước, mặt sau là hình quỷ để ngăn tà ma.

Để vẽ tranh thờ, ban đầu phải dùng keo trộn màu trắng lăn trên nền giấy dó cho dễ bám màu hơn và khi cuộn tranh không bị bong, hay vỡ. Kỹ thuật vẽ tranh thờ của người Dao là nghệ thuật đặc sắc, chính vì vậy việc làm tranh thờ không thể làm nhanh vội, chạy theo số lượng. Theo anh Cường, vẽ một bộ tranh nhỏ, làm hết tốc lực phải mất 10 ngày, còn vẽ bộ tranh to có khi phải 40 ngày. Vì thế, 12 năm miệt mài làm, anh chỉ vẽ chưa đến 100 bộ tranh thờ. Nhiều gia đình người Dao trên cả nước muốn đặt anh vẽ nhưng anh không dám nhận.

Cũng theo anh Cường, để vẽ một bức tranh thờ đẹp, có hồn, người vẽ phải lột tả được cái “thần” của nó. Việc vẽ tranh thờ đòi hỏi người vẽ tỉ mỉ trong từng khâu, như: chọn màu, pha màu, phối hợp màu sắc cho cân xứng, hài hòa và đòi hỏi sự khéo léo mà dù có được học thì không phải ai cũng có thể theo đuổi cả đời.

Tranh thờ - nét văn hóa độc đáo của người Dao

Khi vẽ, phải tập trung tinh lực, trí lực cao nhất để trong từng nét vẽ thể hiện được thần thái uy nghiêm của thần linh, tổ tiên của gia chủ.

Nhờ vẽ tranh thờ, anh Cường có công ăn việc làm, nhưng quan trọng nhất là đáp ứng được nhu cầu của bà con và đặc biệt là giữ gìn được nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Dao.

Điều anh mong muốn nhất hiện nay là sau anh sẽ có những người ham mê công việc này. Cậu con trai cả trong gia đình, vài ba năm nay cũng được anh hướng dẫn, cho làm cùng, tuy nhiên, anh vẫn rất lo lắng: “Biết đâu, tới một lúc chẳng có ai vẽ tranh thờ nữa. Theo đuổi được nghề này, phải không được nghĩ nhiều về tiền, mà điều cần nghĩ nhất là giữ lại những giá trị văn hóa, giá trị tâm linh. Có như thế mới thể hiện bản sắc văn hóa, sự trân trọng tổ tiên của đồng bào dân tộc Dao".

KIỀU HUYỀN


KIỀU HUYỀN

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]