(vhds.baothanhhoa.vn) - Khu vực miền núi và trung du chiếm phần lớn diện tích của tỉnh Thanh Hóa, 7 dân tộc anh em sinh sống với đa dạng, phong phú sắc thái văn hóa truyền thống tộc người. Trong những năm qua, với sự trân trọng, say mê, tâm huyết, bước chân của các thành viên Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa in dấu khắp các cung đường, bản làng, thông qua nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc ấy.

Trên hành trình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tộc người xứ Thanh

Khu vực miền núi và trung du chiếm phần lớn diện tích của tỉnh Thanh Hóa, 7 dân tộc anh em sinh sống với đa dạng, phong phú sắc thái văn hóa truyền thống tộc người. Trong những năm qua, với sự trân trọng, say mê, tâm huyết, bước chân của các thành viên Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa in dấu khắp các cung đường, bản làng, thông qua nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc ấy.

Trên hành trình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tộc người xứ ThanhÔng Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa nhiều năm gắn bó với công tác dân tộc.

Chúng tôi ghé thăm Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa một ngày cuối tuần. Trong văn phòng nhỏ nằm ngay phía sau Ban Dân tộc tỉnh (TP Thanh Hóa), ông Nguyễn Văn Lộc - Phó Chủ tịch Thường trực Hội vẫn đang cần mẫn bên những trang tư liệu. Ông Lộc là người con bản Mường, sinh ra và lớn lên trong mạch nguồn văn hóa Mường nơi Cẩm Tân (Cẩm Thủy). Những rực rỡ sắc màu, rộn ràng thanh âm, ấm áp cội nguồn trong lễ hội khai hạ, lễ hội xuống đồng, tết cơm mới, lễ hội pôồn pôông... đã nuôi lớn tuổi thơ, thẳm sâu trong tiềm thức, hành trang mang theo trên suốt nẻo đường đời. Mang theo khát vọng, hoài bão, chàng trai Nguyễn Văn Lộc rời bản Mường xuôi về phố, nhiều năm công tác tại Ban Dân tộc tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lộc chia sẻ: “Dẫu đi đâu về đâu, có lẽ, tôi cũng không xa rời cội nguồn của mình. Tôi vẫn mãi là người con bản Mường, sống và cống hiến hết mình cho công tác dân tộc”. Vì lẽ đó nên mặc dù đã qua ngưỡng lục tuần, ông Lộc vẫn nỗ lực, hăng say làm việc, đảm nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa.

Về với mỗi bản, làng, về bên sắc màu thổ cẩm, xôi nếp nương, ông Lộc như được trở lại chính mình. Những con người bản Thái, Dao, Khơ Mú,... cũng hồn hậu, thân tình như chính bà con bản Mường của ông vậy. Càng đi nhiều, tìm hiểu nhiều, biết nhiều thì ông Lộc hay các hội viên Hội Dân tộc học và Nhân học càng thêm quý trọng, có động lực, quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tốt đẹp ấy. Năm 2019 ông cùng các hội viên Hội Dân tộc học và Nhân học đã dành nhiều công sức, tâm huyết tổ chức khảo sát, xây dựng Đề án Bảo tồn văn hóa dân gian về truyền thuyết, hát, múa, nhạc của dân tộc Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Lộc cho biết: “Cũng như các tộc người khác, dân tộc Khơ Mú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên, đây là tộc ít người, sống tập trung chủ yếu tại 2 bản ở Mường Lát, sống xen kẽ với cộng đồng người Thái nên các sinh hoạt văn hóa ít, có nhiều nét pha trộn với văn hóa Thái”. Từ thực tế ấy, Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Khơ Mú. Sau khi trình Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) phê duyệt đề án, trong năm 2019, hội đã thành lập và ra mắt Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Khơ Mú tại bản Đoàn Kết (thị trấn Mường Lát). Năm 2020, được sự hỗ trợ của Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi, hội đã trao tặng 1 bộ cồng chiêng cho câu lạc bộ để có điều kiện hoạt động. Từ ngày có câu lạc bộ văn hóa dân gian, có cồng chiêng, những ngày lễ, hội, bản làng người Khơ Mú lại thêm rộn ràng, náo nức, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bước đầu được khôi phục...

Dẫu phần lớn là những người đã “có tuổi” nhưng có lẽ, bất kỳ ai theo dõi hành trình xây dựng và phát triển, nỗ lực cống hiến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người cũng phải khâm phục, ngưỡng mộ sức làm việc, tâm huyết của các thành viên trong Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa. Từ khi còn là Chi hội Dân tộc học và Nhân học, trực thuộc Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, đến nay Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp tiêu biểu, ghi dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực văn hóa tộc người.

Với số lượng 201 hội viên, trong đó có 11 tiến sĩ, 18 thạc sĩ, 157 đại học, cao đẳng và 15 nghệ nhân (2 nghệ nhân ưu tú), bên cạnh các kết quả nổi bật trong hoạt động khoa học, xây dựng và thực hiện các đề tài, dự án, các thành viên của hội đã tỏa đi khắp các vùng miền núi và đồng bào dân tộc để đào tạo, phổ biến kiến thức. Năm 2015, hội đã tham mưu cho các cấp, các ngành có liên quan phê chuẩn bộ chữ Nôm Dao tỉnh Thanh Hóa. Ông Lộc cho biết: “Đây là bộ chữ Nôm Dao đầu tiên của cả nước được phê chuẩn và sử dụng rộng rãi trong việc dạy chữ cho cộng đồng người Dao cả nước”. Để chuẩn bị các điều kiện, nhất là yếu tố con người, năm 2016, hội tham mưu cho tỉnh, phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức mở lớp bồi dưỡng chữ Nôm Dao nâng cao với mục đích đào tạo những người sẽ trực tiếp đứng lớp dạy chữ cho đồng bào. Đối tượng là những người Dao có hiểu biết sâu sắc về chữ, tiếng Nôm Dao, phong tục tập quán. Lớp học diễn ra trong vòng 3 tháng, gồm 44 học viên tham dự, học xong các học viên sẽ được cấp chứng chỉ. Trên cơ sở bộ chữ đã được phê duyệt, người đứng lớp dạy chữ đã qua đào tạo (từ năm 2017 và các năm 2019-2022), hội đã tham mưu cho Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các huyện, các xã, nghệ nhân mở 27 lớp dạy chữ Nôm Dao cho đồng bào dân tộc Dao với 975 học viên tham dự. Dự kiến, năm 2023 sẽ tiếp tục mở thêm 5 lớp cho 200 học viên tại 5 làng, bản dân tộc Dao của các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy.

Trên hành trình giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tộc người xứ ThanhLễ bế giảng lớp học chữ Nôm Dao cho đồng bào Dao huyện Cẩm Thủy (năm 2021) của Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa.

Về với những bản, làng người Thái, các hội viên của Hội Dân tộc học và Nhân học còn tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan từ khâu tổ chức biên soạn, chỉnh lý tài liệu đến mở các khóa bồi dưỡng tại chức tập trung cho cán bộ công chức, viên chức công tác ở các vùng dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa, với 77 lớp cho 6.540 học viên trong suốt 5 năm (2017-2021). Ngoài ra, các hội viên còn tham gia giảng dạy tại một số trung tâm học tập cộng đồng và trường phổ thông dân tộc nội trú các huyện.

Năm 2022, Hội Dân tộc học và Nhân học triển khai sưu tầm, nghiên cứu bộ chữ dân tộc Mường các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, xây dựng bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, bộ chữ đã cơ bản được xây dựng, tổ chức được 2 hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, ngôn ngữ học, nguyên lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, các trí thức người Mường am hiểu văn hóa truyền thống...

Những lớp học dạy chữ, dạy tiếng nơi bản, làng xa xôi, những câu lạc bộ văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian ra đời... đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, tỉnh Thanh Hóa đối với vùng núi và đồng bào các dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân là được tìm hiểu, tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ, hiểu biết, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tộc người, tri thức bản địa, đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng núi và đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng - an ninh... Trên hành trình đó, hội viên của Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa như những con ong cần mẫn, tận tụy, kết tinh tình yêu, đam mê cùng tri thức để làm nên những giá trị bền vững.

Bài và ảnh: Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]