(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trò Chiềng ở làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định là sản phẩm kết tinh từ sự kiện lịch sử của quân, dân ta chiến thắng giặc Chiêm Thành. Trò diễn mang đậm yếu tố văn hóa cung đình, được dân gian hóa và lưu giữ chốn thôn dã. Sau hơn 60 năm thất truyền (từ năm 1946 đến 2007), Trò Chiềng được khôi phục với đầy đủ 12 trò diễn đặc sắc và ngày 20/6/2017 chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trò Chiềng - Hành trình đến Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

(VH&ĐS) Trò Chiềng ở làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định là sản phẩm kết tinh từ sự kiện lịch sử của quân, dân ta chiến thắng giặc Chiêm Thành. Trò diễn mang đậm yếu tố văn hóa cung đình, được dân gian hóa và lưu giữ chốn thôn dã. Sau hơn 60 năm thất truyền (từ năm 1946 đến 2007), Trò Chiềng được khôi phục với đầy đủ 12 trò diễn đặc sắc và ngày 20/6/2017 chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trò diễn thất truyền hơn 60 năm

Gặp Phó Chủ tịch UBND xã Yên Ninh - ông Trịnh Bá Hòa, chúng tôi đề cập đến câu chuyện Trò Chiềng vừa được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Không ngần ngại, ông gác lại công việc, đích thân dẫn chúng tôi đến nhà cụ Nguyễn Cộng Hòa - một trong những người có công lớn trong việc phục dựng 12 trò diễn cổ truyền. Mặc dù đã ngoài 90 tuổi nhưng khi chúng tôi hỏi Trò Chiềng, cụ vui thấy rõ: Cụ tất tưởi vào buồng bê ra một chồng tư liệu, từ băng đĩa đến những cuốn sổ đã mục kê tỉ mẩn qua hàng chục năm để nói về Trò Chiềng.

Theo cụ Hòa, nguồn gốc của lễ hội Trò Chiềng có từ thời nhà Lý. Truyền thuyết dân gian kể lại, vua Lý Thánh tông lệnh cho tướng quân Trịnh Quốc Bảo tìm kế sách đánh giặc. Một lần khi ngang qua làng, trong giấc chiêm bao ông thấy 2 con voi, ứng với đó là 2 ngọn núi (núi Vàng và núi Khoai) nằm ở phía tây của làng Trịnh Xá, giữa một cánh đồng đang gầm gừ nhau. Từ đó ông đã nghĩ ra cách đánh giặc bằng cách xây dựng một đội tượng binh bằng tre nứa trông như voi thật. Ngoài ra, ở vòi con voi còn được trang bị pháo hoa để lúc xung trận, pháo hoa phát hỏa, kèm theo tiếng nổ inh tai như sấm ran, chớp giật, khói bay mù mịt khiến quân Chiêm bất ngờ chạy tán loạn.

Sau thắng trận, triều Lý mở hội, ôn lại chiến thắng giặc Chiêm Thành. Trò Voi trận của tướng quân Trịnh Quốc Bảo được nhà vua yêu cầu biểu diễn và đã được ban khen. Năm 1078, tướng quân Trịnh Quốc Bảo trở về quê nhà làng Trịnh Xá, khi đã 80 tuổi. Song, ông vẫn miệt mài tổ chức cho con cháu diễn lại các trận đánh xưa, đồng thời phổ biến thêm các trò diễn từ đất Thăng Long truyền lại cho dân làng. Từ đó, Trò Chiềng có quy mô bề thế, nhiều trò diễn phong phú và sinh động.

Cụ Nguyễn Cộng Hòa trao đổi với phóng viên câu chuyện về Trò Chiềng được phục dựng sau 60 năm thất truyền.

Theo cụ Hòa, Lễ hội Trò Chiềng tại làng Trịnh Xá thường lệ được diễn ra từ ngày 10 - 12 tháng Giêng để tưởng nhớ về công lao to lớn của Tam Công Trịnh Quốc Bảo. Đây cũng là tín ngưỡng tâm linh độc đáo, cầu cho dân an vật thịnh, mùa màng tốt tươi. Theo quy định của làng, Trò Chiềng được chia thành: Đại Trò (những năm được mùa, dân no đủ, diễn cả 12 trò); trung trò (những năm mùa màng giảm, diễn từ 5 đến 6 trò); năm nào mất mùa, thiên tai thì làm tiểu trò, chủ yếu là tế rước để giữ lễ trò.

Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, lần diễn sau cùng của nhân dân Trịnh Xá vào năm 1944, mãi cho tới năm 2007 trò diễn nơi đây được khôi phục. “Lúc ban đầu khôi phục lại trò diễn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. Những người nắm giữ đầy đủ về Trò Chiềng còn rất ít và đều ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, song với tinh thần mong muốn được phục dựng lễ hội truyền thống của làng, để truyền lại cho con cháu nên chúng tôi đã làm việc hăng say. Đến năm 2010, trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Trò Chiềng được lưu diễn, thu hút sự quam tâm của đông đảo công chúng” - Cụ Hòa tâm sự.

Đến di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Trò Chiềng khởi đầu là trò Voi trận - Chọi voi và phát triển thành lễ hội với 12 trò diễn. Trong đó có 4 phần rước gồm: Rước cỗ vàng, rước cỗ gà, rước thành hoàng và rước Phụng Hoàn. Phần hội trong Lễ hội Trò Chiềng có các trò đặc sắc như Kén rể, Tẩu mã, Chọi voi, Chọi rồng - cá chép hóa rồng, Voi bị, Đốt pháo bông, Lễ rước Phụng Hoàn. Lễ hội Trò Chiềng mở đầu bằng trò Kén rể. Tương truyền, con gái làng Trịnh Xá vốn nổi tiếng đẹp người, đẹp nết, mỗi khi làng mở hội, tổ chức kén rể thì tài tử khắp chốn xa gần đều nô nức kéo đến tham gia. Mở đầu trò Kén rể có người đóng vai Lương tướng, người đóng vai Lão Nguyệt,…

Trong lễ hội Trò Chiềng với 12 trò diễn đặc sắc, trò Chọi voi được xem là tiết mục độc đáo nhất. Có 3 loạivoi: Voi chầu gồm 2 con to như voi thật. Voi chọi được đan bằng tre và mây, do 4 thanh niên lực lưỡng vác 4 chân và 1 lão nông khoẻ mạnh, dày kinh nghiệm cầm cần điều khiển đầu voi để chọi, toàn bộ thân voi có vải che kín và mỗi voi có màu vải khác nhau. Khi phát lệnh, 2 con voi xông vào nhau, chọi bằng 2 chiếc ngà. Lệ xưa quy định, chọi 2 vòng, mỗi vòng 3 hiệp, con nào bị đẩy lùi, bị đánh đúng chữ “Đích” trên đầu thì bị thua. Sau khi trò diễn kết thúc, tất cả voi, ngựa, rồng, được đem hoá yết cáo trời đất tri ân công đức của cha ông và các thế hệ tiền nhân của dân làng Chiềng. Bên cạnh trò Chọi voi, trò Chọi rồng cũng không kém phần độc đáo. Với 2 con rồng, trong đó đầu và đuôi hình rồng, còn giữa thân có hình cá chép. Khi hai con chọi nhau, con nào thắng thì con cá chép chui hẳn vào đầu rồng thành cá chép hoá rồng…

Kết thúc Trò Chiềng bằng trò Đốt pháo bông ăn mừng. Cây pháo được dựng có 12 tầng với các ống có nhiều kích cỡ khác nhau, trên đỉnh của cây pháo là hình chú Tễu làm trò với hàng loạt pháo thăng thiên bay lên, in trên nền trời nhiều hình thù và sắc màu đẹp, lạ.

Trò Chiềng tại làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định.

Theo Phó Chủ tịch Trịnh Bá Hòa: Để phục dựng Trò Chiềng một cách đủ đầy là sự nỗ lực không ngừng của bà con nhân dân cũng như chính quyền địa phương. Cái khó trước tiên là những người nắm giữ trò diễn còn lại rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Cụ Nguyễn Cộng Hòa (hơn 90 tuổi), cụ Trịnh Đình Nghiêm (hơn 90 tuổi), cụ Trịnh Đình Quý (76 tuổi), cụ Lưu Thị Thấm, cụ Nguyễn Thị Truyền... Trong khi, để phục dựng thành công trò diễn phải cần tới một đội ngũ lên tới 200 người biểu diễn, nguồn kinh phí đầu tư trang phục đạo cụ lớn. Diễn trò vào ngày hội tháng Giêng, thời điểm bà con cũng đang chuẩn bị ra đồng nên việc huy động, tập luyện để khôi phục là hết sức khó khăn.

Kể từ khi có Nghị quyết TW 5 khoá VIII, Kết luận của Nghị quyết TW 10 khoá IX về tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa thì chính quyền địa phương đã nhiều lần đề cập tới việc khôi phục trò diễn. Song, mãi tới năm 2007 trò diễn mới dần trở lại. Trong đó, công lao không thể không nhắc tới cụ Nguyễn Cộng Hòa đã có công lớn trong việc góp phần biên soạn thành công kịch bản 12 trò diễn đầy đủ.

Theo cụ Hòa, Trò Chiềng được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia là niềm tự hào của người dân làng Trịnh Xá. Việc bảo tồn, lưu giữ lễ hội Trò Chiềng là trọng trách và vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, để làm được việc này ngoài nguồn kinh phí lớn còn phải có những con người tâm huyết, hy sinh vì nghệ thuật, có như thế mới phát huy được giá trị đặc sắc của trò diễn.

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]