(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Giữa cuộc sống hối hả với bao sức hút của những luồng văn hóa thời hội nhập, ở huyện vùng cao Bá Thước lại có người bình dị ngày đêm miệt mài, say sưa với nét chữ Thái cổ và văn hóa Thái. Đó là ông Hà Công Mậu - Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trọn đời vì những giá trị văn hóa Thái

(VH&ĐS) Giữa cuộc sống hối hả với bao sức hút của những luồng văn hóa thời hội nhập, ở huyện vùng cao Bá Thước lại có người bình dị ngày đêm miệt mài, say sưa với nét chữ Thái cổ và văn hóa Thái. Đó là ông Hà Công Mậu - Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.

Được sự dẫn đường của cán bộ văn phòng xã Lâm Xa (Bá Thước), chúng tôi đã nhanh chóng tìm đến nhà ông Hà Công Mậu. Dù đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn còn nặng lòng với văn hóa Thái. Chính vì vậy, hơn 40 năm đeo đuổi nghiên cứu, tìm tòi chữ Thái cổ là từng ấy năm ông tranh thủ thời gian truyền thụ việc đọc, viết, dịch chữ Thái cổ cho thế hệ cháu con.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, bên ấm chè nồng ấm, ông Mậu thả hồn mình nhớ về cái thời niên thiếu: Sinh ra trong một gia đình nghèo, quanh năm cày ruộng, cuốc nương trồng lúa, trồng ngô nhưng người cha thân sinh ra ông không quên làm nhiệm vụ truyền dạy những giá trị truyền thống cho con cái mình. Vừa được học chữ, vừa được cha mình kể chuyện sinh đất, lập Mường rồi đọc những câu ca, thành ngữ từ các cuốn văn tự cổ mang đậm tính răn dạy, giáo dục đạo lý làm người đã khiến Hà Công Mậu ngày càng say mê học chữ. Mới 14 tuổi ông đã đọc, viết thành thạo chữ Thái cổ. Sau khi học song cấp 2, ông trúng tuyển vào Trường Trung cấp Nông nghiệp miền núi và năm 1968 ông ra trường và công tác tại Ban Định canh, định cư Thanh Hóa.

Mặc dù công việc của cơ quan rất bận nhưng mỗi khi có điều kiện ông lại trở về với miền núi nơi có đồng bào người Thái sinh sống mong tìm được những tư liệu quý liên quan tới chữ viết, văn hóa dân tộc Thái. Cũng vì nặng lòng với quê hương nên năm 1989 ông xin chuyển về công tác tại Huyện ủy Bá Thước và nghỉ hưu năm 2005. Được về với nơi mình sinh ra càng tiếp thêm sức mạnh để ông tiếp tục cuộc hành trình về nguồn. Hễ “phong thanh” nghe nói ở bản, làng heo hút nào có văn bản chữ Thái cổ, có những người còn biết những nghi lễ của tổ tiên người Thái xa xưa là ông lập tức khăn gói lên đường tìm đến. Hành trang trong mỗi chuyến đi chỉ vẻn vẹn giấy, bút, máy ghi âm, máy ảnh. Tư liệu mà ông thu thập là các lễ hội cổ truyền, các tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ, những phong tục, tập quán sinh sống của người Thái đã và đang mất đi.

Ông Hà Công Mậu luôn miệt mài nghiên cứu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Với tâm huyết, trách nhiệm của người con dân tộc Thái, sau nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm ông Mậu và đồng nghiệp của mình biên soạn thành công cuốn tài liệu “Bộ chữ Thái Thanh Hóa” và ông là một trong những người có công lớn trong việc xuất bản cuốn sách “Trường ca Ú Thêm”. Cùng với việc nghiên cứu, ông Hà Công Mậu còn trực tiếp mang vốn kiến thức về văn hóa Thái của mình truyền dạy cho các giáo viên, đội ngũ cán bộ các huyện vùng cao có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Đối với ông được dạy tiếng Thái cho mọi người, được sưu tầm và giới thiệu phổ biến rộng rãi các sách chữ Thái cổ là niềm hạnh phúc lớn. Theo ông, giữ được giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại là giữ được “nguồn sống” cho thế hệ mai sau, bởi những giá trị văn hóa truyền thống đó là “viên gạch” đầu tiên hình thành nên nhân cách con người.

Với những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, chữ viết dân tộc Thái, vừa qua ông Hà Công Mậu đã vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu NNƯT trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.

Không ít người tò mò, hỏi tại sao ông lại phải bỏ công sức để dạy chữ Thái, dạy múa, hát cho con em người Thái, câu trả lời của ông thật đơn giản: “Tôi dạy vì nghĩ sự trường tồn của những giá trị văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của ông cha để lại. Và trong những ngày lễ tết, hội hè được nghe người Thái hát những bài hát, những điệu khặp Thái, biết múa điệu xòe của người Thái... là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của đời tôi”, ông Mậu tâm sự.

Hải Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]