(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi người sẽ có lựa chọn riêng cho con đường nghệ thuật của mình. Nếu nhiều họa sĩ say sưa tìm tòi cái mới, với khuynh hướng thể hiện Trừu tượng, Siêu thực, Ấn tượng... thì họa sĩ Trương Thế Minh vẫn cần mẫn sáng tác về những gì đang diễn ra ngay bên cạnh ông và những người thân yêu.

Trương Thế Minh – Họa sĩ của hoa lá

Mỗi người sẽ có lựa chọn riêng cho con đường nghệ thuật của mình. Nếu nhiều họa sĩ say sưa tìm tòi cái mới, với khuynh hướng thể hiện Trừu tượng, Siêu thực, Ấn tượng... thì họa sĩ Trương Thế Minh vẫn cần mẫn sáng tác về những gì đang diễn ra ngay bên cạnh ông và những người thân yêu.

Trương Thế Minh – Họa sĩ của hoa lá

Vẽ hoa lá, thiên nhiên, hẳn họa sĩ nào cũng đã từng. Nhưng đi một chặng đường dài, nhẹ nhàng, êm ái thì lại không nhiều. Họa sĩ Trương Thế Minh chia sẻ: “Tôi sáng tác theo sự yêu thích của mình. Có lẽ một phần vì tôi không muốn va chạm, rồi đụng chạm đến ai, cũng không muốn ca ngợi một cái gì đó quá cao siêu”. Lựa chọn hoa lá ai đó sẽ nghĩ an toàn, có phần đơn điệu. Còn ông lại tìm thấy hứng thú từ thiên nhiên, và thiên nhiên ban tặng cảm xúc. Số lượng tác phẩm của ông rất nhiều. Tùy từng năm, từng thời điểm ông tập trung vào một hoạt động. Khi thì vẽ minh họa, rồi bìa sách, hay tranh cổ động, lại có lúc chuyển sang vẽ tranh theo chủ đề phong cảnh vùng miền. Sau tất cả thì người thưởng tranh nhớ và gọi ông là họa sĩ của hoa lá.

Trương Thế Minh – Họa sĩ của hoa lá

Ngũ sắc (60cm x 90cm; màu tổng hợp).

Dĩ nhiên phải khẳng định là ông vẫn vẽ người, vẽ tranh cổ động,... nhưng sự mềm mại, hứng thú ông dành nhiều cho thiên nhiên, hoa lá. Bởi thế mà xem tranh Trương Thế Minh, cảm nhận đầu tiên là ông vẽ kỹ, vẽ sâu. Khi tôi hỏi “Lựa chọn thiên nhiên có phải là an toàn không?”. Ông trải lòng: “Làm nghệ sĩ có gì mà không an toàn, chỉ là tác phẩm được tán thưởng hay không, tác phẩm ấy được đánh giá thế nào? Tôi muốn khẳng định là tôi lựa chọn cái mình thích chứ không phải lựa chọn cái an toàn. Tôi chọn con đường nghiên cứu hoa lá thiên nhiên để rèn bản thân sự thận trọng, từ tốn, kỹ càng, dễ có tình cảm, rung động với sự vật”. Ông còn nói vui: “Tình cảm với con người mới lo không an toàn, chứ tình cảm với hoa lá chắc không có vấn đề gì?”.

Có lẽ cũng chính vì sự “vô vi” ấy mà tranh hoa lá của Trương Thế Minh có sự thành công. Thành công vì không giống ai chỉ là một phần, quan trọng hơn là lấy hiện thực đời sống kề bên làm nguồn cảm hứng và cách sử dụng nhuần nhuyễn bút pháp tả thực.

Họa sĩ Trương Thế Minh được đào tạo cơ bản, từ bậc sơ cấp qua trung cấp và học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội; sau đó về dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thanh Hóa (nay là Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa). Gần 40 năm làm công tác giảng dạy và nhiều năm làm Trưởng khoa Mỹ thuật, với thế hệ sinh viên nào thì thầy giáo Trương Thế Minh cũng nêu cao tinh thần gắn bó, tìm tòi và học hỏi thiên nhiên.

Xem tranh của ông mới thấy ở mỗi giai đoạn thiên nhiên trong con mắt của họa sĩ có sự thay đổi về bút pháp. Có những giai đoạn vẽ thiên nhiên qua hình thức tượng trưng; rồi có lúc lại nặng về tính kỹ càng, nghiên cứu; có lúc lại mang dấu ấn trang trí bằng cách sử dụng các mảng màu phẳng và chuyển nét rất động trong tranh, thậm chí biến đổi màu sắc thiên nhiên. “Cãi nhau với thiên nhiên tí xem sao, hóa ra vẫn được”, ông chia sẻ.

Trương Thế Minh – Họa sĩ của hoa lá

Hương quê (60cm x 60cm; màu tổng hợp).

Hơn 40 năm lao động sáng tạo, Trương Thế Minh đã có hàng trăm tác phẩm tham gia triển lãm, xuất bản, công bố báo chí và đoạt nhiều giải thưởng ở Trung ương cũng như địa phương. Còn nhớ cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên và cũng là cuối cùng của ông được tổ chức ngay tại khu triển lãm của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa vào năm 2013, 100 bức tranh được trưng bày với nhiều đề tài, và đề tài hoa lá góp phần quan trọng trong triển lãm đó. Nghe ông giới thiệu 30 bức tranh “của nả để dành”, ai xin cũng không cho, giá nào cũng không bán... tôi như được ngập vào khung cảnh thiên nhiên. Thiên nhiên trong tranh của Trương Thế Minh giàu tình cảm, dù hòa sắc nóng hay lạnh thì người xem cũng nhận ra một tay nghề vững. Ông không chỉ trân trọng từng chi tiết của hiện thực mà còn biết thổi hồn của thực tế vào tranh và có như vậy tranh mới có sức truyền cảm bằng trái tim của mình vào tác phẩm.

Ai đó có thể nhận xét bút pháp của Trương Thế Minh lành và hiền, tôi nghĩ ông cũng sẽ không chạnh lòng. Xem tranh ông, ta dễ nhận ra một con người có đời sống nội tâm, sống giản dị, không muốn đi vào những đề tài sốc, đụng đến những vấn đề to tát... Chính con người ông tạo nên sự tỉ mẩn, kỹ càng trong tranh. Không phải cái gì cũng cần đến sự phá phách. Các bạn trẻ có thể thích sự khác lạ. Còn với ông, là một nhà giáo, một họa sĩ, có thể ông sẽ có quan điểm khác.

Tôi nhận thấy trong vẻ đẹp của mùa có vẻ đẹp của hoa lá. Dù bất kỳ tranh chủ đề hay tranh theo đề tài nào cũng đều có cấu trúc, tứ, cách khai thác từ đó đưa lại bố cục, hình thức biểu đạt, đưa cho nghệ sĩ nhãn quan, cách nhìn mới cho bức tranh của mình. Quan điểm của ông rất rõ ràng: “Với người sáng tác, tối kỵ là vẽ lại, mỗi bức tranh là sự tìm tòi. Hết cái tranh nọ lại tiếp cái tranh kia”.

Có thể khẳng định, việc lựa chọn mảng hoa lá đã mang lại cho ông nhiều thành công. Nếu nói về danh hiệu, giấy chứng nhận thì có khi phải tới 200 cái. Nhưng ông vẫn khiêm tốn: “Tranh tôi có thể chưa thành công lắm, nhưng lại được nhiều người ưa thích vì sự nhẹ nhàng, nhà nào cũng có thể treo được và treo chỗ nào cũng đẹp”.

2 năm trở lại đây, khi phải “trốn” trong nhà vì dịch COVID-19, ông tìm thấy niềm vui cũng từ chính hoa, lá. Vì thế, ông đã có series “Trong vườn nhà”. “Vẽ xong, đăng lên facebook bạn bè nhiều người khen, còn mình cũng chả dám đánh giá, tự nghĩ cũng tàm tạm thôi”.

Tôi hỏi ông, với gần 200 bức tranh hoa, lá, liệu có khi nào ông băn khoăn ngày mai mình sẽ vẽ gì đây? Ông trả lời: “Nếu ai đó nghe câu hỏi này sẽ trả lời: Tôi đang sáng tác sung lắm, hay con đường sáng tác của tôi còn sáng lắm; thì cá nhân tôi, nói một điều rất thật: chưa bao giờ cầm bút mà thấy bí, thích là vẽ. Vẽ theo cảm xúc nên không mệt mỏi, không có cảm giác phải buông bút”.

Sinh năm 1950, năm nay ông đã 72 tuổi, cái tuổi “không phải đóng hội phí từ lâu”, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác. “Những lúc cô gọi mà tôi không nghe máy, là tôi đang vẽ đấy. Ngoài thời gian chăm cháu, chơi với cháu thì việc của tôi là vẽ”.

Chẳng phải cứ mùa xuân người ta mới nghĩ đến hoa lá, đến thiên nhiên. Khi lòng người còn đương xuân thì thiên nhiên luôn ngập tràn màu sắc. Có phải vì thế mà xem tranh của Trương Thế Minh, tôi thấy mọi điều thật nhẹ nhàng, thật giản đơn, như cuộc sống vốn vậy.

Bài và ảnh: Kiều Huyền


Bài và ảnh: Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]