(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra trên vùng đất cổ, nơi hợp lưu của sông Mã, sông Chu, nơi mang đậm những trầm tích văn hóa từ sơ kỳ đá cũ đến hậu kỳ đá mới, rồi qua sơ kỳ, hậu kỳ kim khí, từ đồng đến sắt và phát triển như ngày nay, Tướng công Thiều Thốn được nhắc đến là một danh tướng tài cao, đức trọng, một nhân cách lớn cuối triều Trần.

Tướng quân Thiều Thốn: Người được quân lính hết lời ngợi ca

Sinh ra trên vùng đất cổ, nơi hợp lưu của sông Mã, sông Chu, nơi mang đậm những trầm tích văn hóa từ sơ kỳ đá cũ đến hậu kỳ đá mới, rồi qua sơ kỳ, hậu kỳ kim khí, từ đồng đến sắt và phát triển như ngày nay, Tướng công Thiều Thốn được nhắc đến là một danh tướng tài cao, đức trọng, một nhân cách lớn cuối triều Trần.

Tướng quân Thiều Thốn: Người được quân lính hết lời ngợi caĐội tế nữ quan trong ngày giỗ của tướng quân Thiều Thốn. (Ảnh chụp năm 2019)

Thiều Thốn (1326 - 1380) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Thọ Sơn, tổng Thanh Khê (nay là thôn Nhuận Thạch, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn). Tương truyền khi sinh ra ông đã có tướng mạo khôi ngô, tuấn tú khác thường, mắt rồng mày phượng, chân trái có chữ vương, tư chất thông minh, sức khỏe hơn người. Vì thế mà khi còn vị thành niên, ông đã được tuyển vào làm võ tướng. Rồi ông được phong ngay chức Phó đô tướng Kim Ngô vệ, quản lĩnh một trong sáu vệ quân bảo vệ kinh thành Thăng Long. Về sau, nhờ anh dũng nhất ba quân, lại lập nhiều chiến công hiển hách với hơn trăm trận và nổi tiếng là tướng trung dũng khắp triều nên ông được Hoàng đế Trần Dụ Tông (1341 - 1369) phong tước “Khai quốc công thần, phụ quốc Thượng tướng công” và được nhà vua yêu mến chọn làm phò mã, hợp hôn cùng công chúa Trần Thị Ngọc Chiêu, nổi tiếng xinh đẹp, nết na. Đây là một trong những “đặc cách” hiếm có của giới quý tộc triều Trần khi để người ngoại tộc được kết hôn với công chúa.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt sử ký tiền biên”,“Việt sử thông giám cương mục" và “Đông Sơn huyện Thiều Thốn từ bi” (văn bia đền thờ Thiều Thốn huyện Đông Sơn) ghi rõ về năm Thuận Phong thứ 14 (1354) Trần Hữu Lượng - một viên tướng của nhà Nguyên đã sai người sang cầu thân với triều đình nhà Trần. Mục đích của Trần Hữu Lượng là muốn cùng nhà Trần chống lại Chu Nguyên Chương. Để đối phó với tình hình, năm 1363, Chu Nguyên Chương đã dốc toàn lực để tiêu diệt đội quân cát cứ ở phía Nam của Trần Hữu Lượng. Điều này khiến triều đình phải quan tâm hơn nữa trong việc phòng ngự biên ải và đã cử ngay Thiều Thốn làm Phòng ngự sứ đem quân trấn giữ Lạng Giang (Lạng Sơn ngày nay).

Thời gian trấn ải biên thùy, Thiều Thốn đã thực hiện chính sách của nhà Trần rất thành công trong việc bảo vệ biên giới. Không những thế, ông còn ra sức giúp dân địa phương an cư lạc nghiệp, tạo ra một vùng biên cương bền vững và được dân chúng khắp vùng quý trọng, tin yêu.

“Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi lại giai thoại: “Thốn đóng ở sông Đông Bình, khéo vỗ về quân sĩ, trong quân ai cũng thích ông ta. Sau vì em trai kiêu ngạo làm bậy, ông bị tội lây, mất chức. Quân lính truyền nhau câu ca về ông: Trời chẳng thấu oan, ông Thiều mất quan. Đến khi ông sửa soạn hành trang ra về, chúng lại làm câu ca: Ông Thiều trở về, lòng ta tái tê. Triều đình nghe biết chuyện ấy, phục chức cho ông, trong quân lại có câu ca: Trời đã thấu oan, ông Thiều lại làm quan”.

Cứ theo nội dung của giai thoại thì Thiều Thốn quả là nhân vật hiếm có trong lịch sử. Trước Thiều Thốn đã có mấy ai làm tướng mà được quân lính kính trọng đến như vậy?. Chính những lời ca ngợi của quân lính dành cho ông đã cứu ông thoát khỏi cái án bị cách chức.

Sau khi chết, tướng quân Thiều Thốn được vua sắc phong “Thượng đẳng phúc thần Đại vương”, lại lệnh cho Nhân dân các tổng thuộc phủ Thiệu Hóa lập đền thờ quanh năm hương khói. Hiện nay, ngoài đền thờ chính ở núi Đào Sơn (thôn Nhuận Thạch, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn), còn có đền thờ Nghè Tam Tổng (làng Triệu Tiền, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn) và tại nơi khi xưa ông làm Phòng Ngự sứ (Đông Bình, Lạng Giang), Nhân dân đã lập đền thờ, quanh năm tế lễ.

Đền thờ và lăng mộ Thiều Thốn trong cụm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia ở xã Đông Tiến (Đông Sơn) đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo xây dựng lại vào năm 2016. Toàn bộ nhà thờ làm bằng gỗ lim mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống, diện tích công năng sử dụng phù hợp với việc tế lễ, xứng tầm di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, không những đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của Nhân dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Hàng năm, vào mùng 8-8 âm lịch, ngày mất của Phòng Ngự sứ, Thái bảo Thiều Thốn, con cháu dòng họ Thiều ở xã Đông Tiến và các chi họ Thiều ở các tỉnh, thành trong nước lại tề tựu, thành kính dâng hương tại lăng mộ và đền thờ ông. Lần giở những trang sử còn lưu lại cũng như nội dung hội thảo khoa học “Thân thế - sự nghiệp Danh nhân Thiều Thốn” (2013) lớp hậu thế ngày nay càng kính phục về tiền nhân thanh liêm, tận trung với sự nghiệp dẹp loạn an dân, sáng suốt, mưu lược giữ yên bờ cõi của đất nước này.

Tự hào về quê hương Thiều Thốn, ông Lê Khả Sơn- Bí thư Đảng ủy xã Đông Tiến, chia sẻ: Quê hương Thiều Thốn cũng chính là cái nôi của cách mạng, với sự ra đời của chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Thanh Hóa - đó là chi bộ Hàm Hạ và đồng chí Lê Thế Long là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa cũng sinh ra từ mảnh đất này. Phát huy truyền thống, Đảng bộ, Nhân dân xã Đông Tiến đã, đang ngày càng khẳng định được vị trí của một địa phương giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Bài và ảnh: BẢO ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]