(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau một năm làm việc vất vả, kỳ nghỉ tết kéo dài là khoảng thời gian để mỗi người Việt “tái tạo” năng lượng từ đó nỗ lực làm việc trong năm mới. Và khi tết đã qua, xuân đang về với những “khí thế” xuân mới căng tràn là dịp để mỗi người “nương” theo sức xuân nỗ lực hơn nữa cho những dự định, mục tiêu.

Ước vọng mùa xuân

Sau một năm làm việc vất vả, kỳ nghỉ tết kéo dài là khoảng thời gian để mỗi người Việt “tái tạo” năng lượng từ đó nỗ lực làm việc trong năm mới. Và khi tết đã qua, xuân đang về với những “khí thế” xuân mới căng tràn là dịp để mỗi người “nương” theo sức xuân nỗ lực hơn nữa cho những dự định, mục tiêu.

Ước vọng mùa xuânTrong cuộc sống hiện đại ngày nay, mỗi người cần biết “cân bằng” giữa công việc lao động sản xuất và vui chơi thỏa mãn nhu cầu tinh thần.

Khi tháng Giêng không còn là tháng… ăn chơi

Ông Bằng ơi, ngày mai mấy người trong xóm rủ nhau đi du xuân trên mạn ngược, vợ chồng ông đi không để tôi đăng ký xe? - Bác Long đấy à, ngày mai thì em chịu không đi được bác ạ. Vừa cấy lúa, tỉa lạc xong, em đang phải trồng ít cây cối trong vườn, tranh thủ tiết trời xuân ấm áp mình trồng để cây cối sớm đâm chồi nảy lộc, còn vợ em thì bận đi làm công ty, dù chỉ làm công nhân nhưng cũng không thể tùy tiện nghỉ được. Nếu cuối tuần thì bác cho vợ chồng em đăng ký vì vợ em cũng thích đi lễ lắm, còn ngày mai đi thì nhà em không tham gia được.

Ông Long hàng xóm về rồi, ông Bằng lại tất tưởi những công việc có tên lẫn không tên. Vừa làm ông vừa nói, cứ bảo năm mới ngày rộng tháng dài, thế mà thoắt cái đã hết tháng, mình mà không tranh thủ làm việc cứ bù khú rượu chè, hội hè thì chẳng mấy chốc mà… hết ngày. Đấy, thoáng cái đã hết tháng Giêng rồi… ra đồng từ hôm mùng 5 tết mà đến nay vẫn còn chưa ngơi tay… Nghe ông nói chuyện, tôi chợt hiểu vì sao dù làm nông nhưng gia đình ông Bằng là một trong những hộ có kinh tế khá giả trong thôn chúng tôi. Ông làm ruộng, rồi xay xát, nuôi gà… mà việc gì ông làm cũng giỏi, lại khéo tính toán nên được người trong thôn quý mến, thường xuyên đến học hỏi kinh nghiệm.

Lại nói, không biết tự bao giờ, câu cửa miệng nhiều người Việt vẫn thường nhắc đến sau Tết Nguyên đán lại là “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” như “cái cớ” cho sự đủng đỉnh vui chơi kéo dài nhiều ngày sau tết. Và mang tâm lý ấy, không ít người đi làm thì “rệu rạo” trong công việc thường ngày của chính mình, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc, năng suất lao động.

Lý giải về nguồn gốc của câu thành ngữ “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng đây là câu thành ngữ xuất phát từ đặc thù của nền nông nghiệp lúa nước của cha ông ta thời xa xưa. Theo đó, khi xưa Việt Nam là đất nước nông nghiệp với tỷ lệ người dân làm nông nghiệp chiếm đại đa số. Và trong cơ cấu mùa vụ trước đây, việc nhà nông thường tất bật vào trước Tết Nguyên đán, từ cấy hái trên đồng, trồng màu ngoài bãi. Khi mọi công việc đã hoàn tất trước Tết Nguyên đán cũng đồng nghĩa với việc sau tết người dân có nhiều thời gian rỗi rãi, nghỉ bù nhiều hơn. Đây cũng được xem là nguyên do cho thói quen “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Thay đổi tâm thế làm việc để phát triển

Tuy nhiên hiện nay cơ cấu mùa vụ nông nghiệp đã có nhiều thay đổi, tùy vào diễn tiến thời tiết mà việc cấy cày không còn bắt buộc hoàn thành trước tết. Việc dịch chuyển cơ cấu ngành nghề, một bộ phận không nhỏ người lao động đã chuyển sang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp với nguyên tắc làm việc được quy định cụ thể, vì thế tâm lý “dông dài” ngày xuân hoàn toàn không còn phù hợp. Bởi tết là dịp nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, hoàn toàn không phải là “cái cớ” để con người chây lười, trốn việc. Cuộc sống hiện đại, mỗi người lao động là một “mắt xích” trong hệ thống công việc mà mình tham gia, chúng ta không thể lao động, làm việc độc lập mà không ảnh hưởng đến người khác.

Ước vọng mùa xuânNgười dân hăng say lao động trong những ngày xuân ấm áp.

Cũng theo các nhà nghiên cứu văn hóa, xuất phát từ sự rỗi rãi nông nhàn khi xưa mà tháng Giêng - mùa xuân là khoảng thời gian diễn ra phần nhiều các lễ hội trong năm của người Việt. Một thống kê đã chỉ ra, mỗi năm Việt Nam có gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ và 2/3 lễ hội diễn ra dịp đầu năm. Việc có quá nhiều lễ hội được tổ chức, cùng tâm lý “dông dài” vui hội hè của một bộ phận không nhỏ người Việt được xem là thói quen không còn phù hợp, cần phải thay đổi. Dĩ nhiên, lễ hội không sai, điều phải thay đổi chính là thói quen, tâm thế tham gia lễ hội của mỗi người dân. Trong đó, nếu người dân tham gia lễ hội vào những ngày nghỉ cuối tuần sẽ chẳng có gì phải bàn cãi, nhưng câu chuyện trốn việc công sở, bỏ việc đồng áng… đi lễ hội lại thực sự là thói quen không tốt.

Về câu chuyện tháng Giêng - du xuân trẩy hội, nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hoá cho rằng: “Khi xưa, với sự nông nhàn mùa vụ nên tháng Giêng, mùa xuân vẫn thường được xem là khoảng thời gian rảnh rỗi để người dân vui hội hè, “bù đắp” những vất vả làm việc từ sáng tinh mơ đến tối khuya của việc đồng áng, qua thời gian nó dường như đã trở thành một “thói quen” văn hóa. Vậy nhưng, mọi thói quen dù lâu đời nhưng nếu không còn phù hợp thì vẫn cần phải thay đổi. Chúng ta không bỏ lễ hội mà điều cần thay đổi chính là tâm thế tham gia lễ hội một cách có trách nhiệm. Cũng như vậy, tháng Giêng hay mùa xuân bây giờ cũng nên được hiểu là mùa khởi đầu của những ước vọng tốt đẹp - là mùa “thiêng liêng” trong năm. Chúng ta mong ước một năm mới hanh thông, thành công thì không thể bắt đầu bằng một tâm thế làm việc “đủng đỉnh” và thói quen xem “tháng Giêng là tháng ăn chơi” được. Hơn ai hết, bản thân mỗi người phải nhận thức và thay đổi thói quen chưa tốt của chính mình. Hãy để mùa xuân - mùa của sự khởi đầu tốt lành không mất đi ý nghĩa ngay trong đời sống lao động, sản xuất và sinh hoạt hiện đại”.

Cũng theo nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn, những giá trị văn hóa nhân văn như di tích, lễ hội… rất cần được gìn giữ, phát huy và gắn với phát triển du lịch bởi đó cũng là một ngành kinh tế. Trong đời sống hiện đại ngày nay, con người cần biết “cân bằng” giữa nhiệm vụ lao động, sản xuất với nhu cầu thụ hưởng tinh thần. Để vừa không “vui chơi quên nhiệm vụ” mà vẫn có thể không đánh mất đi những giá trị, nét văn hóa truyền thống của cha ông xưa.

Rõ ràng, câu chuyện “đủng đỉnh” tân niên hay tâm lý “ngày rộng tháng dài” rất cần phải thay đổi. Nó không chỉ là thói quen tùy tiện, mà còn là câu chuyện thay đổi để phát triển.

Trên những đại lộ sầm uất, nhà máy rộn ràng lao động hay cánh đồng làng xanh mướt, không khó để cảm nhận “hơi thở” mùa xuân đang thực sự căng tràn. Và đi trong phơi phới đất trời mùa xuân, lòng người cũng dâng lên xúc cảm, rằng sự tốt đẹp rồi sẽ đến, bằng tất cả những nỗ lực, cố gắng bắt đầu từ ngày hôm nay.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]