(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lời nói là công cụ, là phương tiện giao tiếp giữa người với người. Lời nói phản ảnh trạng thái tâm sinh lý con người. Qua lời nói thể hiện rõ tình cảm, ý chí, tinh thần, phong cách của người nói, đồng thời cũng ảnh hưởng tác động hoặc là tích cực, hoặc là tiêu cực đối với người nghe và đối với cả chính mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn hóa nói

(VH&ĐS) Lời nói là công cụ, là phương tiện giao tiếp giữa người với người. Lời nói phản ảnh trạng thái tâm sinh lý con người. Qua lời nói thể hiện rõ tình cảm, ý chí, tinh thần, phong cách của người nói, đồng thời cũng ảnh hưởng tác động hoặc là tích cực, hoặc là tiêu cực đối với người nghe và đối với cả chính mình.

Những lời nói thuận tai, thật thà, chân tình, ôn hòa, cởi mở, điềm đạm... đều gây thiện cảm, tích cực. Những lời nói khó nghe, giả dối, gắt gỏng, quát tháo, tục tĩu, xu nịnh, lăng mạ... đều gây tiêu cực, phản cảm. L.Phay-ghe, một học giả phương Tây cho rằng “Con người cần 2 năm để học nói và cần 60 năm để học cách giữ gìn lời ăn, tiếng nói”. Châm ngôn, thành ngữ Việt Nam có nhiều câu rất có ý nghĩa: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “lời ngọt lọt đến xương”, “Lời đau nhớ đời”...

Ở nước Pháp người ta khuyên rằng “Hãy uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” (Il faut tourner la langue sept fois avant de parler). Tiếng nói được phát ra từ miệng, được điều khiển từ lưỡi. “Người khôn thì cái lưỡi để trong bụng, kẻ ngốc thì bụng dạ để trên lưỡi”. Người biết nói là người biết khi nào cần phải nói, nói cái gì, nói ra sao.

Trong gia đình những lời nói dịu dàng, yêu thương của ông bà, cha mẹ có tác dụng mạnh mẽ, sâu sắc đối với việc giáo dục dạy dỗ con cháu, có thể cảm hóa được những con trẻ lỗi lầm, hư hỏng. Ngược lại con cháu cũng phải nói năng lễ phép, ân cần, kính trên, nhường dưới để làm vui lòng ông bà, cha mẹ, anh chị em đoàn kết, vợ chồng thuận hòa, “tương kính như tân”.

Ở cơ quan, công sở người trên nói với người dưới, người dưới nói với người trên, đồng cấp nói với nhau cũng phải chân tình, trung thực, tôn trọng lẫn nhau thì mới có sức thuyết phục, giữ được đoàn kết, nâng cao hiệu suất công việc.

Trong bạn bè, ngoài xã hội, khi tiếp xúc, chuyện trò cũng phải có lời nói hay, nói đẹp, thân ái, nhường nhịn, trân trọng thì sẽ để lại ấn tượng, tình cảm tốt với nhau. Cho nên bất kỳ ở đâu, lúc nào, trên cương vị nào cũng cần “đặt trí thức lên ngôn ngữ hàng ngày”. “Nói phải củ cải cũng nghe”, “Lời lẽ tử tế là điệu nhạc của thế gian”.

(Ảnh minh họa).

Những kết luận của người xưa thật là chí lý. Đó chính là văn hóa nói. Người có văn hóa phải là người có lời nói hay, nói đẹp.

Trong sự phát triển tiến bộ của xã hội ngày nay vẫn còn không ít người có những lời nói không hay, không đẹp, thậm chí là lố bịch, xô bồ, vô văn hóa. Từ những lời nói vô văn hóa đó mà đã gây ra những chuyện lục đục trong gia đình, nghi ngờ thắc mắc trong cơ quan, bất ổn trong dư luận xã hội. Có người nói ra rồi muốn hối, muốn sửa thì đã muộn bởi vì lời nói phát ra cũng như mũi tên bay đi không trở lại cái cung. Mạnh Tử - nhà triết học cổ Trung Hoa đã viết “Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huyênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ trái, nói giấu diếm rồi đến chỗ cùng”.

Có một thực tế là trong môi trường giao tiếp hiện nay có những tình huống rất cần một lời nói thật đơn giản để biểu hiện nếp sống văn minh lịch sự như “Xin chào”, “cảm ơn“, “xin lỗi” nhưng lại chưa thấy nhiều người sử dụng. Mặt khác lại có trường hợp chỉ vì một lời nói vội vàng, nóng nảy, thiếu suy nghĩ mà đã gây nên sự thù hận, oán ghét suốt cả đời, thậm chí xung đột, gây ra tai họa.

Cho nên cần luôn thực hiện đúng lời căn dặn của các cụ xưa: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Văn Như Tước



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]