(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV, Lê Văn Linh là một quan văn lập được nhiều công lao xuất sắc, đã cùng với các anh hùng hào kiệt góp phần đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, lập ra vương triều Hậu Lê.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn thần Lê Văn Linh trong khởi nghĩa Lam Sơn

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV, Lê Văn Linh là một quan văn lập được nhiều công lao xuất sắc, đã cùng với các anh hùng hào kiệt góp phần đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, lập ra vương triều Hậu Lê.

Lê Văn Linh sinh năm Đinh Tỵ (1377), niên hiệu Xương Phù thứ nhất, đời Trần Phế Đế. Ông ở làng Hải Lịch, huyện Lôi Dương, nay là xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông nội Lê Văn Linh là Trần Hiêu thi đỗ tiến sĩ khoa Mậu Dần (1338). Thân phụ là Trần Phong thi đỗ tiến sĩ Hội nguyên khoa Mậu Tuất (1358). Xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học, từ nhỏ Lê Văn Linh học rộng biết nhiều, am tường tinh thông, có tài làm văn thơ.

Tương truyền vào thời ông còn trẻ, đất làng Hải Lịch vẫn thường bị cọp hoành hành, dân làng chịu nhiều khổ sở. Sử cũ chép rằng: “Ông vốn là người có khí tiết cao. Lúc ấy, dân trong làng thường khổ vì nạn cọp. Ông liền nhân đó viết bức thư trách cọp. Từ đó, cọp bỏ đi hết. Vì lẽ ấy, người ta ví ông như Hàn Thuyên là người đã làm thơ đuổi cá sấu đi nơi khác”.

Lê Văn Linh lớn lên trong hoàn cảnh đất nước Đại Việt chịu sự ách độ hộ của nhà Minh. Trước tình cảnh nhân dân chịu sự áp bức, khổ cực nên Lê Văn Linh đã tìm đến với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi làm chủ tướng, chống quân Minh.

Tháng 3 năm Bính Thân (1416), các anh hùng hào kiệt đã tổ chức Hội thề Lũng Nhai để tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, nguyện hợp sức đánh đuổi ách thống trị của quân Minh. Trong buổi đầu khởi nghĩa ở Lam Sơn, Lê Văn Linh, xếp hàng thứ năm sau Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Thận và Lê Văn An trong số 19người. Ông là người đứng đầu trong ba văn thần có mặt trong hội thề, được Bộ chỉ huy Lam Sơn và Bình Định Vương Lê Lợi trọng dụng.

Tháng 2 năm Mậu Tuất (1418), nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa, Lê Văn Linh cùng Bùi Quốc Hưng và Nguyễn Trãi được cử làm mưu thần với nhiệm vụ đưa ra các kế sách lược.

Năm Bính Ngọ (1426), sau khi căn cứ của nghĩa quân Lam Sơn được mở rộng từ Thanh Hóa đến Thuận Hoá, Lê Lợi nhận thấy mình đầy đủ điều kiện về thế trận và lực lượng nên đã quyết định mở cuộc tổng tiến công ra Bắc, tiến tới giải phóng hoàn toàn đất nước. Lê Lợi đã tin tưởng giao cho “Lê Văn Linh cùng các tướng Lê Ngân, Lê Văn An, Lê Bôi, Lê Điền, Lê Lĩnh, Lê Quốc Hưng ở lại đóng dinh, vây thành Nghệ An” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II - NXB KHXH Hà Nội, năm 1985, tr.257).

Trong những năm kháng chiến chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn, Lê Văn Linh xông pha hầu hết các chiến trường, giúp Lê Lợi trông coi việc binh lương, trù mưu, kế hoạch, dùng yếu đánh mạnh, lấy hư chống thực, trăm trận ra quân, trăm lần thắng lợi. Phía Bắc dẹp yên quân Ngô, phía Tây đẩy lùi quân Ai Lao, khôi phục bờ cõi Đại Việt. Trong hàng ngũ các văn thần, Lê Văn Linh xứng đáng được xếp vào công đầu.

Năm 1428, cuộc kháng chiến chống quân Minh giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu đất nước là Thuận Thiên. Sau đó, Vua vinh phong Lê Văn Linh là Bình Ngô khai quốc, Hiệp mưu bảo chính đại công thần, Nhập nội kiểm hiệu, Bình chương quân quốc trọng sự, thiếu bảo. Được ban tính họ Lê (họ Vua). Xếp hàng thứ 4 trong 35 vị Bình Ngô khai quốc, đứng thứ 8 trong 125 vị khai quốc công thần, được Bình Định Vương Lê Lợi ghi danh vào “Lam Sơn thực lục”.

Ngày 7 tháng giêng năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), vua sai Nhập nội kiểm hiệu Bình chương sự Lê Vấn, Nhập nội Đại Tư mã Lê Ngân, Nhập nội Thiếu phó Lê Văn Linh mang kim sách, lập Hữu tướng quốc khai quận công Tư Tề làm Quốc vương giúp coi việc nước.

Tháng 10 năm Quý Sửu (1433), Lê Văn Linh được Ban chức khai phủ nghị đồng tam ty, kiêm chưởng bộ Thượng thư điểm lục khoa sự vụ, Bình chương thiên hạ trọng sự Thái phó thượng trụ Đạt quốc công, được phụng mệnh vua Thái Tông hộ vệ linh cữu của vua Lê Thái Tổ về an táng tại Lam Sơn và soạn định chương trình tư minh lễ nhạc.

Tháng 12 năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) “Lê Văn Linh cũng Nhập nội thiếu bảo Lê Quốc Hưng được nhà vua cử làm lễ tế cáo ở Thái Miếu rước thần chủ mới của vua Lê Thái Tổ và Quốc thái mẫu vào thờ ở Thái Miếu” Đại Việt sử ký toàn thư,... sđd, tr.333.

Năm Thiệu Bình thứ hai (1435), Lê Văn Linh được cử làm Tham đốc cùng với Tư mã Tây đạo Lê Bôi làm tổng quận đốc suất các vệ quân năm đạo và hai vạn lính đến trấn Nghệ An đi đánh tên phản nghịch Cầm Quý ở Châu Ngọc Ma (nằm ở phía Tây của đất Nghệ An ngày nay). Sử cũ chép: Châu Ngọc Ma ở phía Tây Nghệ An, phía Đông của Ai Lao. Ở đó, Cầm Quý có hơn 1 vạn quân. Khi vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa, Cầm Quý đã từng đem quân tới giúp và từng được trao hàm Thái úy. Ít lâu sau Cầm Quý tỏ ý ngờ vực, hối hận mà rút quân về. Đến khi dẹp xong giặc Ngô, Cầm Quý rất lấy làm hổ thẹn và lo sợ, nhưng hắn vẫn cậy có đất hiểm, lại ở chốn xa xôi nên không chịu thần phục. Cầm Quý là tên tham lam và tàn bạo, không cho dân được trồng trọt tranh với mình. Hắn cho xây cung thất lớn, lấy đồng làm cột, vợ cả vợ lẽ kể đến hàng trăm. Hắn bắt dân đóng góp nặng, nói láo là để nạp cống, nhưng thực là để vơ vét cho riêng mình. Vua Lê Thái Tổ định giết hắn, nhưng vì lúc bấy giờ đang có nhiều việc, chưa rảnh mà hỏi đến. Tới đây, vua Lê Thái Tông sai đi đánh, bắt được Cầm Quý đóng cũi, đem về kinh sư. Trong trận đánh vào châu Ngọc Ma nói trên, với cương vị là Tham đốc, tướng Lê Văn Linh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Người đương thời cho ông là bậc đa tài, vào triều là tướng văn, ra ngoài là tướng võ, không việc gì không đảm đương được.

Tháng 6 năm Thiệu Bình thứ 4, Đinh Tỵ (1437), Tư đồ Lê Sát bị buộc tội lợi dụng chức quyền giết hại công thần. Thái phó Lê Văn Linh cùng Lê Ngân, Lê Văn An giúp đõ cho Lê Sát nhưng vua Lê Thái Tông không nghe, đã giáng chức Lê Văn Linh xuống làm Bộc xạ.

Sau đó, Lê Văn Linh lại được thăng chức Thái phó. Đến năm Bảo Đại thứ 3, năm Nhâm Tuất (1442), triều đình mở khoa thi hội lấy tiến sĩ, ông được bổ chức Đề điệu (bảo vệ và thu bài vở trong trường thi).

Năm Thái Hòa thứ 6, Mậu Thìn (1448) đề nghị công lao của các công thần khai quốc, vua Lê Nhân Tông đã tiến phong Lê Văn Linh là Nhập nội thái sư. Ngày 7 tháng 4 năm Thái Hòa thứ 6 Mậu Thìn (1448), ông mất thọ 72 tuổi được trung tặc khai phủ ban thụy là Trung hiếu.

Năm Kỷ Dậu (1489), Hồng Đức thứ 20, Lê Văn Linh được vua Lê Thánh Tông gia phong: Thượng đẳng phúc thần, Minh nghị quảng bác, Kinh văn, Vĩ võ. Mậu đức phong công, hồng lược anh linh, Tế thề an dân, Báo chính Đại Vương.

Ông có 2 người con sau này trở thành những vị quan có đóng góp rất lớn cho triều đình đó là:

Lê Hoằng Dục làm quan được phong tới hàm Thái bảo, tước Quận công.

Lê Cảnh Huy làm quan tới chức Thượng thư, hàm Thái Phó, tước Quận công.

Để ghi nhớ cống hiến xuất sắc của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, hiện nay nhiều tỉnh đã đặt tên ông cho đường phố ở địa phương như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa... đặc biệt ở huyện Thọ Xuân, có ngôi trường cấp ba mang tên Lê Văn Linh. Tên tuổi và sự nghiệp của ông mãi mãi là tấm gương sáng ngời lưu truyền đến hậu thế mai sau.

Nguyễn Văn Minh


Nguyễn Văn Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]