(vhds.baothanhhoa.vn) - Sách Đại Nam nhất thống chí có chép: Đồng Cổ thần từ ở trên núi xã Đan Nê, thuộc huyện Yên Định (có tên gọi là núi Khả Lao) là vị thần có từ thời Hùng Vương. Đây là vị trí trọng yếu trên trục đường Bắc Nam. Đặc biệt, nơi đây có thần núi Đồng Cổ linh ứng phù trợ cho nhiều đoàn quân giành thắng lợi.

Về Đan Nê nghe chuyện thần núi Đồng Cổ

Sách Đại Nam nhất thống chí có chép: Đồng Cổ thần từ ở trên núi xã Đan Nê, thuộc huyện Yên Định (có tên gọi là núi Khả Lao) là vị thần có từ thời Hùng Vương. Đây là vị trí trọng yếu trên trục đường Bắc Nam. Đặc biệt, nơi đây có thần núi Đồng Cổ linh ứng phù trợ cho nhiều đoàn quân giành thắng lợi.

Về Đan Nê nghe chuyện thần núi Đồng CổĐền thờ Đồng Cổ nhìn từ hồ bán nguyệt.

Trong hầu hết sách cổ còn lại có ghi, nơi này có thần núi Đồng Cổ rất linh ứng. Tương truyền, vua Hùng khi đi chinh phạt quân giặc Hồ Tôn ở phương Nam đã cho quân dừng lại ở chân núi Khả Lao. Đêm đến, nhà vua chiêm bao thấy có một vị thần tự xưng là thần miếu Khả Lao xin được mượn trống đồng và dùi đồng để giúp nhà vua đánh giặc. Thắng giặc, nhà vua phong cho thần là “Đồng Cổ đại vương” và cho lập đền, đúc trống đồng, ngựa đồng rước vào thờ phụng.

Sau này, thần Đồng Cổ lại hiển linh giúp Lê Hoàn đánh bại quân Chiêm Thành ở phương Nam năm 986. Thắng trận, Lê Hoàn tạ ơn và ban cho đền câu đối: “Long Đình tích hiển Tam Thanh lĩnh/ Mã thủy Thanh lai Bán nguyệt hồ”. Thần tích quan trọng nhất về thần Đồng Cổ được chép lại trong “Việt điện u linh tập”, rằng khi xưa Thái tử Lý Phật Mã (vua Lý Thái Tông sau này) theo lệnh vua cha Lý Thái Tổ đi đánh quân Chiêm Thành. Đến Trường Châu nghỉ lại, giữa canh ba có vị thần cao lớn kỳ dị, thân dài tám thước, râu cứng, mặc giáp, tự xưng là thần Đồng Cổ tới báo mộng cho Thái tử: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử sang đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập chút công nhỏ”. Thắng giặc Chiêm Thành, về qua Trường Châu, Thái tử sai quân sĩ sửa sang miếu thần thành đền thần, rồi tạ lễ và rước bài vị về kinh đô để dựng đền thờ cầu cho quốc thái dân an. Đền Đồng Cổ chính thức có từ đây.

Việc thần Đồng Cổ được nhà Lý phong làm quốc thần và cho dựng miếu thờ ở kinh thành Thăng Long đã được sách “Đại Việt sử ký toàn thư” - bộ quốc sử của nhà hậu Lê ghi chép một cách rõ ràng. Với mục đích cầu mong cho quốc thái dân an và các vùng đất xa kinh thành đều thuần phục, yên ổn, năm 1029 vua Lý Thái Tông còn đổi tên vùng đất Ái Châu trại thành đạo Thanh Hóa.

Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú: Núi Đồng Cổ ở huyện Yên Định là một danh sơn cổ tích. Sách “Đại Nam nhất thống chí” (biên soạn đời vua Thành Thái) ghi chép rất kỹ về thế núi cũng như cảnh quan. Đền thờ Đồng Cổ ở Đan Nê nằm dưới một chân núi trong Tam Thái Sơn hướng về phía Tây Nam nhìn ra một khu đất rộng, có hồ bán nguyệt ở giữa, tạo phong cảnh sơn thủy hữu tình. Theo những cụ cao niên trong làng Đan Nê, đền Đồng Cổ trước đây từng có 38 gian, nghinh môn 3 tầng, 8 mái. Đền có kết cấu “Tiền nhất - Hậu đinh”, gồm: tiền đường, chính tẩm, nhà cầu và thượng điện, tựa lưng vào dãy Tam Thai. Vẻ đẹp cùng với những giá trị văn hóa - lịch sử to lớn của núi và đền Đồng Cổ không chỉ được ghi dấu trong những vần thơ của các tao nhân mặc khách, mà còn được khẳng định trong tấm bia thời Tây Sơn do Tuyên công Nguyễn Quang Bàn (con vua Quang Trung) soạn năm 1802: “Núi và đền Đồng Cổ là một di tích thiêng liêng hiển hách vào bậc nhất của tỉnh Thanh Hóa”.

Theo “Linh tích núi Tam Thai” của Lam Kiều Nguyễn Dật Sảng, đền Đồng Cổ, Đan Nê nhận được hai mươi tám sắc phong của vua và hàng chục đạo chỉ của chúa Trịnh. Đến thời Nguyễn, đền Đồng Cổ còn được nhận nhiều sắc phong với nội dung chính là “Trung đẳng thần anh thanh minh chiếu đôn tín Đồng Cổ sơn chủ minh”.

Theo bảng thuyết minh treo ở Thượng Điện: “Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương, đến thời Lý (1020) được sửa sang lại, sang thời Lê - Trịnh được xây dựng khang trang, to đẹp hơn... Miếu thờ thần núi Đồng Cổ, vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn như: giúp vua Hùng đánh thắng giặc Hồ Tôn; giúp vua Lý đánh thắng giặc Chiêm Thành và diệt trừ phản loạn”; ...Trải qua các triều đại phong kiến, đền thờ thần Đồng Cổ Đan Nê vẫn được coi là đền chính. Ngoài ra, ở khu vực đồng bằng hạ lưu sông Mã tại làng Mỹ Đà, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) và đền Đồng Cổ ở quận Tây Hồ, Hà Nội đều được rước về từ Đan Nê (Yên Định).

Trải qua thời gian, di tích nguyên gốc còn lại đến nay chỉ còn là hai tấm bia, ngôi miếu nhỏ lưng chừng đỉnh núi Xuân, và nghinh môn nằm ở phía Tây. Năm 1994, chính quyền và Nhân dân địa phương lập lại đền trên nền đất cũ với quy mô nhỏ hơn trước để phụng thờ. Năm 2001, núi và đền Đồng Cổ được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích quốc gia. Đến năm 2007, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch Khu Di tích núi và đền Đồng Cổ có tổng diện tích 11ha với núi Tam Thai, đền Đồng Cổ, bến Trường Châu, quán Trường Thiên, hồ bán nguyệt và hệ thống cảnh quan. Sau đó khu di tích được trùng tu, tôn tạo, là nơi để người dân tưởng nhớ công lao thần Đồng Cổ tối linh, các triều đại vua trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Ông Phạm Doãn Hải, Chủ tịch UBND xã Yên Thọ (Yên Định) cho biết: "Năm 2019 Di tích lịch sử văn hóa núi và đền Đồng Cổ đã được công nhận là điểm du lịch. Tuy vậy, di tích này vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]