(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngôi đền trên đỉnh Pú Pỏm (xã Thanh Quân, huyện Như Xuân) được nhân dân vùng Tây Thanh - Nghệ đặc biệt là vùng Sáu Thanh thường gọi là đền Chín Gian. Nay, vẫn với cái tên giản dị ấy, ngôi đền theo truyền thuyết thờ Trời và ông Tổ người Thái đã được xây dựng, tôn tạo khang trang, hứa hẹn sẽ trở thành điểm diễn ra và gìn giữ nhiều hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân trong vùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về đất sáu Thanh, thăm đền Chín Gian, đợi ngày hội mở...

Ngôi đền trên đỉnh Pú Pỏm (xã Thanh Quân, huyện Như Xuân) được nhân dân vùng Tây Thanh - Nghệ đặc biệt là vùng Sáu Thanh thường gọi là đền Chín Gian. Nay, vẫn với cái tên giản dị ấy, ngôi đền theo truyền thuyết thờ Trời và ông Tổ người Thái đã được xây dựng, tôn tạo khang trang, hứa hẹn sẽ trở thành điểm diễn ra và gìn giữ nhiều hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân trong vùng.

Khôi phục lại địa điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái

Đền Chín Gian tọa lạc trên đỉnh đồi Pú Pỏm (Đồi Tròn) cao 250m thuộc thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, cách thị trấn Yên Cát của huyện Như Xuân khoảng 38km. Nơi đây xung quanh là đồng ruộng, đồi núi và bản làng của đồng bào người Thái sinh sống. Chiếm hơn 40% dân số toàn huyện (theo số liệu khảo sát dân số 12/2013), đồng bào dân tộc Thái giữ vị trí quan trọng trong quá trình chung tay phát triển KT-XH ở huyện miền núi Như Xuân trong đó có cả việc hình thành nên bản sắc văn hóa riêng có của địa phương.

Vùng sáu Thanh với các xã: Thanh Quân, Thanh Sơn, Thanh Phong, Thanh Lâm, Thanh Xuân và Thanh Hòa là vùng tập trung nhiều nhất người Thái sinh sống. Dù được biết đến như “vùng lõm” phát triển của huyện Như Xuân nhưng dường như điều đó lại không ảnh hưởng nhiều đến đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái trắng nơi đây. Thậm chí, vùng đất này còn được ví như cái nôi nuôi dưỡng văn hóa truyền thống của người Thái huyện Như Xuân giữa lúc văn hóa tộc người đang mai một dần. Người Thái ở sáu Thanh có phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết riêng, có truyền thống trồng lúa nước, chăn nuôi và dệt thổ cẩm. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ với nhiều chính sách hỗ trợ, đời sống đồng bào từng bước được cải thiện.

Dựa trên truyền thuyết có cơ sở lịch sử, phù hợp với những dấu ấn vật chất và văn hóa về quá trình quy tụ của đồng bào Thái ở Thanh Quân còn lại đến nay, ngôi đền Chín Gian vốn có từ trước, đã được họ Cầm đặc biệt là ông Cầm Bá Tiến (bố đẻ của Cầm Bá Thước) bang biện quân vụ 2 châu Thường Xuân, Lang Chánh đã nhiều lần huy động các Mường hàng năm sửa chữa đền và dâng trâu tế trời.

Cũng theo lời kể của các cụ cao niên trong vùng, đền trước kia là một ngôi nhà có cấu trúc kiểu nhà sàn 9 gian, vào dịp lễ hội người Thái các vùng Tây Thanh - Nghệ tập trung về đây dâng lễ vật để cúng tế thần trời, một gian để trâu, một gian các thầy mo cúng và các gian còn lại mọi người tụ tập, giao lưu với nhau trong các ngày lễ hội. Đền có kết cấu kiểu nhà sàn tre, nứa lợp tranh do nhân dân đóng góp để làm. Mỗi gian trong đền tượng trưng cho một Mường, các mường mang vật cúng tế đến để cầu tài, cầu lộc, cầu an mưa thuận, gió hòa, được mùa bội thu. Số lượng người tham gia lễ hội có khi lên đến cả nghìn người. Dự hội, du khách thập phương có cơ hội giao thương, mua bán hàng hóa đồng thời tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí như nhảy sạp, khua luống, cồng chiêng cả ngày lẫn đêm, uống rượu cần, hát giao duyên...

Do nhiều yếu tố, ngôi đền cũ không được gìn giữ nguyên vẹn cũng như lễ hội từ 6/1948 đến nay không được tổ chức. Trước khi quá trình tu bổ, tôn tạo được tiến hành, dấu tích vật chất còn lại của ngôi đền cũ là mặt nền trên đồi Pú Pỏm chỉ gồm một số cột gỗ lim đã bị mối mọt, những tảng đá Thạch Anh trắng vốn của bàn đá trắng tế trâu và bến Tà Phạ (bến tắm trâu) của con suối Tốn dưới chân đồi Pú Pỏm.

Sau khi nghiên cứu xem xét kết quả phục hồi đền Chín Gian - một ngôi đền khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1820 ngày 31/5/2013 cho khôi phục lại lễ hội “Dâng trâu tế trời” của dân tộc Thái trong “Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Đặc biệt, đánh giá tầm quan trọng của ngôi đền Chín Gian cũng như sự đặc sắc của lễ hội Dâng trâu tế trời liên quan đến địa điểm này, UBND huyện Như Xuân đã tiến hành xây dựng, tôn tạo lại di tích. Qua gần 2 năm triển khai, nhờ quá trình xã hội hóa, đền Chín Gian hiện nay trở thành công trình văn hóa, lịch sử tiêu biểu của địa phương với lối kiến trúc độc đáo được xây dựng trên cơ sở kiến trúc 9 gian của ngôi đền cũ. Đền được xây dựng 2 tầng chủ yếu bằng vật liệu bê tông sơn giả vân gỗ. Trước sân đền tái dựng hình ảnh 9 con trâu đá, 6 trâu đen, 3 trâu trắng và 9 giếng... tượng trưng cho những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Thái và tạo nên sự hấp dẫn của ngôi đền 9 gian.

Công tác xây dựng, tôn tạo đền Chín Gian ở Như Xuân được thực hiện từ 1/2016 đến nay cơ bản đã hoàn tất.

Lễ hội dâng trâu tế trời - điểm sáng bản sắc người Thái

Lại nói về lễ hội đền Chín Gian, điểm đặc biệt không chỉ ở chỗ phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, mà còn thể hiện ở sự độc đáo trong cách tổ chức cũng như ý nghĩa sâu sắc của nó. Lễ hội từng là nơi diễn ra, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong đời sống tâm linh cũng như đời sống văn hóa của người Thái. Người Thái đến với lễ hội vừa thỏa mãn nhu cầu của đời sống văn hóa tâm linh, vừa thỏa mãn nhu cầu cảm xúc thẩm mỹ, hướng tới cái thiện và thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Theo những tài liệu liên quan đến ngôi đền Chín Gian tọa lạc tại huyện Quế Phong (Nghệ An) được chính quyền huyện Như Xuân sưu tầm, đền trước kia thờ Then (tức thờ Trời). Người Thái ở đây xem Trời là vị thần siêu nhiên, có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Ngoài ra các gian còn lại thờ tổ tiên hoặc tổ họ có công lập mường như: họ Lê, họ Cầm, họ Vi, họ Lương...

Để phục dựng các nghi thức của lễ hội dâng trâu tế trời, huyện Như Xuân đang gấp rút khảo sát, sưu tầm tư liệu tiến tới tổ chức Hội thảo khoa học cấp huyện. Theo thông tin từ ông Đàm Văn Thông - Trưởng phòng VHTT huyện Như Xuân: Gần đây nhất, 5/12 UBND huyện đã có quyết định thành lập Ban Nội dung khảo sát, sưu tầm tư liệu và tham mưu tổ chức hội thảo; 13/12 Chủ tịch UBND huyện có văn bản yêu cầu Chủ tịch các xã trong vùng Sáu Thanh tập trung lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn các xã nhằm phục vụ cho công tác này, dự kiến hội thảo sẽ diễn ra vào tháng 3/2018.

Là một trong 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, điều kiện phát triển KT-XH ở Như Xuân nhìn chung còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, đây cũng chính là huyện có vị trí địa lý quan trọng và có điều kiện thuận lợi về giao thông trong giao lưu kinh tế với các vùng miền trong tỉnh và các tỉnh bạn. Đặc biệt, tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên, Như Xuân định hướng và đang từng bước phát triển ngành công nghiệp không khói với sản phẩm đặc trưng là du lịch sinh thái kết hợp tâm linh. Đây cũng là bước đi phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII: đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn!

Nguyên Mai


Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]