(vhds.baothanhhoa.vn) - Đình Liên Châu, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) là nơi thờ Thành hoàng Tiến sĩ Đào Thành, cũng là cơ sở hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Nhật năm 1945. Sau chiến tranh, đình Liên Châu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào, biểu tượng thiêng liêng để Đảng bộ và Nhân dân Hoằng Châu tri ân, tưởng nhớ các thế hệ cha ông.

Về Hoằng Châu nghe kể về di tích lịch sử cách mạng đình Liên Châu

Đình Liên Châu, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) là nơi thờ Thành hoàng Tiến sĩ Đào Thành, cũng là cơ sở hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống Nhật năm 1945. Sau chiến tranh, đình Liên Châu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa, cách mạng cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào, biểu tượng thiêng liêng để Đảng bộ và Nhân dân Hoằng Châu tri ân, tưởng nhớ các thế hệ cha ông.

Về Hoằng Châu nghe kể về di tích lịch sử cách mạng đình Liên Châu

Đình Liên Châu - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Những ngày cuối tháng 3-2023 chúng tôi về thăm ngôi đình nổi tiếng nằm ở phía Đông Nam của huyện Hoằng Hóa. Với phong cảnh giếng nước, mái đình khiến cho làng quê nơi đây trở nên bình dị, thân quen, và càng trở nên đặc biệt, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương bởi mới đây (tháng 10-2022), 2 cây muỗm có tuổi đời trên 200 tuổi tại đình Liên Châu được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản.

Dẫn chúng tôi đến thăm ngôi đình, ông Lê Ngọc Giới - công chức văn hóa xã Hoằng Châu tự hào cho biết: Cho đến nay, các thế hệ con cháu vẫn được nghe các cụ kể lại câu chuyện lịch sử diễn ra trên địa bàn huyện Hoằng Hóa vào những ngày tháng 7-1945. Đó là, ngày 11-7-1945 một cuộc tuần hành lớn diễn ra ở phía Nam huyện, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt với hàng trăm quần chúng tham gia, diễu hành qua nhiều làng, tổng, không khí khởi nghĩa giành chính quyền lan rộng bao trùm toàn huyện. Trước khí thế cách mạng lên cao ở Hoằng Hóa, ngày 23-7-1945 Tỉnh trưởng Thanh Hóa đã phái lực lượng lính bảo an gồm 34 tên do Quản Hiến cầm đầu kéo về phủ lỵ cùng tri phủ Hoằng Hóa phối hợp khủng bố phong trào cách mạng ở Đằng Trung (xã Hoằng Đạo) và Liên Châu - Hóa Lộc (xã Hoằng Châu), nơi mà chúng cho là “cái nôi” cách mạng ở huyện Hoằng Hóa.

Tiếp nối câu chuyện của cán bộ văn hóa xã, các cụ cao niên có mặt tại đình Liên Châu hồ hởi dẫn chúng tôi đi thăm từng vị trí trong đình và ôn lại câu chuyện lịch sử. Thời điểm ấy nắm được âm mưu khủng bố của địch, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện, kế hoạch tác chiến của tự vệ huyện được triển khai trong đêm 23-7. Tại Đằng Trung, một lực lượng gồm 12 chiến sĩ phục kích ở cồn Mã Nhón (xã Hoằng Đạo). Tại Liên Châu - Hóa Lộc (xã Hoằng Châu), tự vệ các thôn Hóa Lộc, Hải Châu, Hoàng Chung, Ngọc Long và các làng lân cận thuộc tổng Bái Trạch bố trí lực lượng chiến đấu tại các ngã ba đường, sẵn sàng đánh giặc.

Sáng 24-7-1945, toán lính bảo an gồm 22 tên được trang bị đầy đủ vũ khí do Quản Hiến chỉ huy từ phủ lỵ kéo qua chợ Quăng rồi thẳng đường Hà Đồ đến Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu). Khoảng 10 giờ sáng, khi đến đình Hoàng Chung, chúng tập trung củng cố đội hình nhằm tiến công vào Liên Châu - Hóa Lộc. Trong lúc chưa kịp ổn định đội ngũ, tự vệ ta đã bao vây bắc loa kêu gọi đầu hàng và xung phong vào đình, dùng mã tấu đánh giáp lá cà, chém 5 tên lính trọng thương. Bọn địch hoảng hốt nổ súng và vội vã rút chạy qua đồng cát ra bờ sông Mã, cướp một số thuyền của dân chài đang đậu, vượt sông sang Quảng Xương rồi về tỉnh lỵ. Tại Hoằng Đạo, cánh quân của tri phủ Phạm Trung Bảo cũng bị tự vệ Đằng Trung mai phục, giả làm người đi làm đồng về, bất ngờ tiếp cận, tước vũ khí, bắt sống.

Sau khi đập tan cuộc khủng bố của địch tại cồn Mã Nhón và Liên Châu - Hóa Lộc (xã Hoằng Châu), buổi trưa cùng ngày, Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện đã tổ chức cuộc mít tinh quy mô lớn với gần một vạn quần chúng và tự vệ cứu quốc tham gia tại cồn Ba Cây (xã Hoằng Thắng) để mừng chiến thắng và xét xử bè lũ Phạm Trung Bảo. Sau cuộc mít tinh, lực lượng cách mạng đã tiến về chiếm phủ đường. Trước khí thế của cách mạng, không còn cách nào khác bọn lính và nha lại trong phủ phải hạ vũ khí đầu hàng, giao ấn chỉ cho chính quyền cách mạng. Như vậy, từ trưa ngày 24-7-1945, bộ máy đầu não tay sai của Nhật đã bị xóa bỏ trên quê hương Hoằng Hóa.

Gắn liền truyền thống cách mạng của quê hương Hoằng Hóa, gần 80 năm qua địa danh đình Liên Châu đã đi vào lịch sử Đảng bộ huyện, của cách mạng Việt Nam. Với những ý nghĩa đó, năm 1992 đình Liên Châu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cách mạng cấp quốc gia.

Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, có thời điểm di tích phần nhiều bị xuống cấp. Với mong muốn giá trị lịch sử của đình Liên Châu luôn được bảo tồn, tiếp tục là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hoằng Hóa, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận, góp sức của Nhân dân xã Hoằng Châu, công tác bảo vệ, tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng đình Liên Châu từng bước được quan tâm, góp phần làm sống lại giá trị di tích lịch sử cách mạng của dân tộc và của địa phương. Ngày nay, giữa không gian thoáng đãng, sạch đẹp, đây còn là điểm đến sinh hoạt văn hóa tâm linh vô cùng quan trọng của bà con Nhân dân xã Hoằng Châu nói riêng, huyện Hoằng Hóa nói chung.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]