(vhds.baothanhhoa.vn) - Họ được những người yêu văn hóa, văn nghệ xứ Thanh nhắc nhiều. Bởi, với họ, nghề viết như một sự trả nợ chính mình, và trả nợ đời sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Viết là sự trả nợ?

Họ được những người yêu văn hóa, văn nghệ xứ Thanh nhắc nhiều. Bởi, với họ, nghề viết như một sự trả nợ chính mình, và trả nợ đời sống.

Viết là sự trả nợ?

Nhắc đến nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh, chắc nhiều người vẫn biết sau khi nghỉ công tác, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, ông chuyên tâm nghiên cứu văn hóa Thái. Bởi, ông rất hãnh diện và tự hào dân tộc Thái có tiếng nói và chữ viết riêng, là điểm mà nhiều dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam không có. Cả đời ông mang vác trọng trách nối truyền những nét văn hóa đặc trưng của cha ông để lại. Dù ngoài tuổi 70 nhưng ông vẫn cần mẫn làm việc. Ông chia sẻ: “Hiện tại tôi đã xong 2 bản thảo: Di tích và thắng cảnh du lịch Pù Luông, dịch thơ Khăm Panh và đang hoàn tất 2 cuốn nghiên cứu về Mo Thái, Mo Khoòng. Mỗi cuốn khoảng 300 trang (song ngữ Thái - Việt). Tư liệu thì nhiều, nhưng vấn đề của tôi là các thủ tục để xuất bản, trong khi kinh phí thì eo hẹp”.

Từ những câu tục ngữ Thái, nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh đã chọn ra 613 câu để làm sách giáo khoa dạy học chữ Thái từ năm 2008 đến 2020. Hơn một năm nay do dịch COVID-19, hầu hết các huyện đã không tổ chức các lớp tiếng Thái tập trung và ông cũng không đứng lớp. Chính vì thế, đây cũng là khoảng thời gian ông ngồi viết lại tài liệu dạy và học chữ Thái. Ông cho biết: Tiếng Thái có vốn từ vựng dồi dào, phong phú, cấu tạo ngữ pháp giống tiếng Việt nên dễ học, phù hợp với tư duy chung của các tộc người trong khu vực. Chỉ cần có mong muốn học thì ai cũng có thể học tiếng Thái đơn giản. Ông chia sẻ: “Tư liệu về các lễ hội cổ truyền, các tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ, phong tục, tập quán của người Thái đã và đang dần mai một theo thời gian. Nếu tôi không giữ gìn, không viết ra, không lưu giữ, ai sẽ giúp lớp trẻ hiểu và trân trọng tri thức văn hóa của dân tộc mình? Vì thế, ông dành tất cả tình yêu, sự say mê cho những trang sách.

Là người con của dân tộc Mường, nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải (sinh năm 1937) đã có 13 tác phẩm sưu tầm - dịch, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Mường. Từ thu thập tư liệu, đối sánh kết quả của các nhà nghiên cứu tiền bối, ông đã tìm cho mình một hướng đi riêng để nghiên cứu và giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc Mường. Đáng chú ý nhất là tuyển tập “Văn hóa dân gian Mường Thanh Hóa” (NXB Thanh Hóa, 2017) với trên 1.400 trang, ông đã đem đến cho bạn đọc nhiều tri thức của người Mường, trong đó có thành ngữ, tục ngữ, tác phẩm truyện kể, truyện thơ, đến những lễ tục trong vòng đời một con người, những bài ca trong đám cưới và những luật tục bất thành văn trong xã hội Mường xưa nhưng vẫn được con người thực hiện một cách nghiêm ngặt. Ông chia sẻ: “Riêng năm 2021, tôi đã dành 3 tháng để khảo sát về hang Bàn Bù (Ngọc Lặc). Và đặc biệt hơn, tôi bắt đầu làm Từ điển tiếng Mường, dự kiến để hoàn thành phải mất 1-2 năm”.

Nếu ví nghiên cứu là “món nợ” đeo đuổi cả đời, thì làm thơ với ông Cao Sơn Hải lại là phút tĩnh lặng, ngơi nghỉ. Song hành cùng con đường nghiên cứu, ông đã xuất bản 12 tập thơ. Gần đây nhất tập “Giọt nắng chiều” (NXB Thanh Hóa, 2021) ra mắt và được bạn đọc yêu thích. Những câu thơ như: Thân yếm nay ở nơi đâu/ Còn đây dải yếm trắng màu lửng lơ.../ Khói sương huyền ảo mịt mờ/ Tiếng reo như gọi như chờ đợi ai? (Thác dải yếm); Chèo gác mái trên sông tĩnh lặng/ Khói sương mờ thu vắng buông câu/ Chuông chùa giọt nắng phiêu diêu/ Nỗi buồn tím biếc lam chiều dòng Hương (Chút Huế)... 71 bài thơ ngắn, ít nhiều đã thể hiện tâm hồn thi sĩ của nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải. Ông thông tin thêm: “Trong năm 2022, tôi sẽ xuất bản tập nghiên cứu phê bình văn học “Thấy và suy ngẫm”, và “Kể chuyện Đẻ đất đẻ nước” viết cho thiếu nhi".

Gừng càng già càng cay, hầu hết các nhà văn, nhà nghiên cứu Thanh Hóa đều đã ở tuổi ngoài 70, nhưng với họ, viết là sự thúc bách từ nội tâm. Viết như là điều không thể không. Làm nghiên cứu hay làm thơ, viết văn cũng như một sự trả nợ cuộc đời. Ngoài nhà nghiên cứu Hà Nam Ninh, Cao Sơn Hải..., năm 2021 ghi nhiều dấu ấn xuất bản. Sau 7 tập sách gồm cả nghiên cứu và sáng tác, nhà thơ Bùi Nhị Lê đã cho ra mắt tập “Ru bước chân mình” (NXB Hội Nhà văn, 2021). Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Hải đã thành công ở hầu hết các thể loại âm nhạc như: ca khúc, tổ khúc, hợp xướng, độc tấu nhạc cụ dân tộc, âm nhạc thính phòng, âm nhạc không lời cho nghệ thuật múa và tác phẩm giao hưởng thơ. Đặc biệt, từ 300 ca khúc, năm 2021 ông đã cho ra mắt tập ca khúc “Sông Mã bến đợi” (NXB Hội Nhà văn) thể hiện sự tinh tế về phong cách, thủ pháp sáng tác, kỹ năng khai thác phát huy giá trị đặc sắc từ chất liệu dân ca các dân tộc vùng miền khác nhau... Hầu hết qua các sáng tác của văn nghệ sĩ xứ Thanh ta nhận thấy một tấm chân tình, vì tình yêu với quê hương mình.

Với nhà văn Nguyễn Minh Khiêm, 4 trường ca: “Bầu trời màu hoa gạo”, “Ba mươi tháng tư”, “Hát nơi cửa sóng”, “Lê Lợi mài gươm”... đã thể hiện tinh thần của người xứ Thanh qua tất cả những sự kiện lớn lao và vĩ đại của dân tộc. Thơ ông lý giải sức mạnh con người xứ Thanh, con người Việt Nam được nuôi dưỡng từ đất nâu với nắng cháy lưng trên áo bạc màu của mẹ. Từ cội rễ ấy hăng hăng mùi đất, những nhọc nhằn thấm sâu vào ý chí kiên cường, để rồi: Thấp cao nhịp thác nhịp ghềnh/ mà thành nghĩa nặng mà thành ơn sâu/ Dô huầy một khúc ca nâu/ Núm nhau khúc ruột muôn sau tìm về (Hát nơi cửa sóng)... Và gần đây ông đang hoàn thành trường ca “Đánh thức đại ngàn” với gần 2.400 câu thơ lục bát tái hiện hình ảnh gần 4.000 thanh niên xung phong mở con đường chiến lược biên giới Việt Lào, Hồi Xuân - Tén Tằn những năm 1975-1981: Tôi chưng cất thịt da mình/ Chảy trên mặt giấy hiện thành ngày xưa...”; “Chúng mình lấp lánh trong nhau/ Một con đường mở giữa bầu trời quê... Con đường như một dây đàn/ Ngàn trái tim vọng lên ngàn thanh âm/ Kết thành bè bổng bè trầm/ Chín trong ký ức thành mầm thành cây”. Một trường ca như một cuốn hồi ký, một tiểu thuyết, một lịch sử được thể hiện bằng lục bát nhuần nhuyễn. Ấy thế mới nói sức sáng tạo là vô cùng.

Vốn liếng gì dùng mãi cũng sẽ tiêu hao, chỉ sức mạnh tiềm ẩn, nội lực sung mãn, trái tim thao thức mới khiến các nhà văn, nhà nghiên cứu gửi hết vào trang viết. Thực ra viết là cơ hội duy nhất văn nghệ sĩ giãi bày, thể hiện mình với cuộc sống, nhưng cũng là sự trả ơn cuộc đời với những ân huệ đã dành cho mình.

Tôi tin rằng, với sự biết ơn, không chỉ người viết, mà bất cứ ai cũng sẽ có động lực để sống tốt hơn, để trả ơn một cách đẹp đẽ nhất. Nhà văn là vậy, trả ơn cuộc sống, trả ơn cuộc đời giúp họ có tinh thần để chống lại tuổi già, nương tựa vào những điều tốt đẹp để sống và làm việc khỏe.

Bài và ảnh: Kiểu Huyền


Bài và ảnh: Kiểu Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]