(vhds.baothanhhoa.vn) - Với tổng số 267 di tích đã được kiểm kê, Vĩnh Lộc có lẽ là địa phương sở hữu số lượng di tích, danh thắng lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa, trong số đó di tích liên quan tới các giai đoạn, triều đại phong kiến, nhân vật lịch sử chiếm số lượng lớn. Tuy nhiên, hiện trạng nhiều di tích lịch sử trên địa bàn huyện đang xuống cấp, đòi hỏi cần được trùng tu, bảo tồn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vĩnh Lộc gặp khó trong “bài toán” trùng tu di tích lịch sử

Với tổng số 267 di tích đã được kiểm kê, Vĩnh Lộc có lẽ là địa phương sở hữu số lượng di tích, danh thắng lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa, trong số đó di tích liên quan tới các giai đoạn, triều đại phong kiến, nhân vật lịch sử chiếm số lượng lớn. Tuy nhiên, hiện trạng nhiều di tích lịch sử trên địa bàn huyện đang xuống cấp, đòi hỏi cần được trùng tu, bảo tồn.

Đình Hồ Nam trên địa bàn xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc) được đánh giá là một trong số ít ngôi đình làng có kiến trúc gỗ cổ còn lại trên địa bàn tỉnh với mái cong và ngói phủ màu thời gian. Theo những tài liệu còn lưu lại thì đình Hồ Nam được khởi dựng từ đầu những năm 1800 với quy mô rộng lớn của đình làng truyền thống xưa kia. Bên cạnh hệ thống cột gỗ cổ quý hiếm (lim, táu) thì đình còn ấn tượng bởi những hoa văn chạm trổ phù điêu tinh xảo. Sự tài hoa nở đôi bàn tay người thợ xưa hiện còn lưu giữ ở 8 bức phù điêu hai bên vì kèo gian giữa. Trong đó có 7 bức được chạm khắc theo đề tài tứ quý, linh vật phổ biến: tùng, cúc, trúc, mai, long, ly, quy, phượng... nhưng riêng bức thứ 8 lại là sự khác biệt với đề tài nhà vua đi cày ruộng và vật kéo không phải trâu, bò mà là voi. Bên cạnh đó, hiện vật còn lưu giữ tại đình còn có lư hương đá chạm trổ “lưỡng long chầu nguyệt”...

Giá trị là vậy song cũng thật xót xa khi ở thời điểm hiện tại, di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật đình Hồ Nam lại đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng khi nhiều hạng mục trong đình dù được chống đỡ nhưng vẫn đang bị hư hỏng, đổ nát làm ảnh hưởng đến không gian kiến trúc, tâm linh của di tích. Ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khang cho biết: “Đình làng Hồ Nam là di tích có ý nghĩa văn hóa, tâm linh với người dân địa phương. Việc trùng tu đình là yêu cầu cần thiết. Nhưng nguồn kinh phí phục vụ cho việc trùng tu khá lớn, vượt quá sức dân. Bởi vậy, thực sự rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và cơ quan chức năng, để cùng với chính quyền và nhân dân địa phương bảo tồn di tích”.

Khác với đình Hồ Nam, di tích đền thờ Trần Khát Chân, xã Vĩnh Thành lại là địa điểm tâm linh tưởng nhớ danh tướng Trần Khát Chân, vị tướng lĩnh cuối thời Trần. Ông nổi danh với tài năng trận mạc khi đẩy lùi quân Chiêm. Hiện trạng di tích cũng đang xuống cấp với nhiều hạng mục: tiền đường, trung đường dột nát; gỗ bị mối mọt; cổng, tường rào, hậu cung hư hỏng... tất cả đều đòi hỏi cần được trùng tu. Năm 2018, di tích được Nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng cho việc trùng tu, chống xuống cấp. Tuy nhiên, với tổng dự toán kinh phí trùng tu khoảng 3,6 tỷ đồng thì số tiền Nhà nước hỗ trợ chiếm một phần rất nhỏ, để việc trùng tu có hiệu quả thì phải có những sự tính toán cẩn thận. Bởi vậy, hiện tại việc trùng tu di tích chưa được bắt đầu.

Di tích đền Trần Khát Chân (xã Vĩnh Thành) bên trong cũng đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Di tích lịch sử Quốc gia đền thờ Tống Duy Tân, xã Vĩnh Tân (Vĩnh Lộc) cũng không tránh khỏi khó khăn trong viêc trùng tu. Năm 2016, di tích được hỗ trợ 200 triệu đồng từ ngân sách nhà nước, tuy nhiên nguồn kinh phí này chỉ đủ cho việc chống xuống cấp phần mái. Trong khi đó, tổng nguồn kinh phí dự toán cho việc trùng tu di tích lên đến 10 tỷ đồng. Được biết, xã đã sẵn sàng việc bố trí đất tái định cư cho những hộ gia đình nằm trong diện di dời để bảo vệ không gian di tích và Vĩnh Tân cũng là xã làm khá tốt công tác xã hội hóa trong trùng tu di tích. Tuy nhiên với tổng kinh phí như trên đã thực sự vượt ngoài khả năng của địa phương.

Trên đây chỉ là ba trong số hàng chục di tích lịch sử trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc gặp khó khăn trong “bài toán” bảo tồn, trùng tu di tích. Bà Đỗ Thị Loan, Trưởng phòng VHTT huyện Vĩnh Lộc, cho biết: “Vĩnh Lộc là địa phương có số lượng di tích rất lớn, trong đó phần nhiều là phế tích đã được kiểm kê, khoanh vùng bảo vệ. Việc trùng tu đang được tập trung cho các di tích hiện hữu. Từ năm 2015 đến nay đã có hơn 10 di tích trên địa bàn huyện được Nhà nước hỗ trợ kinh phí trùng tu. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại có không dưới 10 di tích cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Có thể kể đến: đình làng Phù Lưu (Vĩnh Yên); nghè Yên Lạc (Vĩnh Ninh); đền Tam Tổng (Vĩnh Tiến); đình Hồ Nam (Vĩnh Khang)... Để trùng tu các di tích đòi hỏi nguồn kinh phí từ 800 triệu đến 3 tỷ đồng. Trong khi nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ có hạn thì việc kêu gọi nguồn xã hội hóa cho các loại di tích này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù Vĩnh Lộc là địa phương làm khá tốt công tác xã hội hóa đối với di tích song quả thực số lượng di tích cũng như nguồn kinh phí cần để trùng tu là quá lớn”.

Được biết, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, huyện Vĩnh Lộc đã có đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn huyện” trong đó tăng cường việc tuyên truyền về giá trị di tích, kêu gọi nguồn xã hội hóa cho việc trùng tu. Và trong giai đoạn 2015 - 2020, phòng VHTT huyện cũng đã đề xuất kế hoạch tu sửa các di tích trên địa bàn huyện theo phương án khảo sát hiện trạng di tích để có những đánh giá khách quan: di tích cần trùng tu một phần hay toàn bộ, trước mắt hay để sau... để từ đó phối hợp với địa phương để đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí trùng tu di tích. Đây có thể xem là cách làm phù hợp với chức năng của đơn vị phòng chuyên môn. Tuy nhiên, gốc rễ của bài toán nguồn kinh phí cho việc trùng tu các di tích lịch sử (đình, đền thờ danh nhân, nhân vật lịch sử) dường như vẫn còn để ngỏ.

Khó khăn trong bài toán kinh phí cho việc trùng tu di tích lịch sử trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc cũng là khó khăn chung ở nhiều địa phương hiện nay. Tuy vậy, sức ép của một địa phương “nhỏ diện tích nhưng lớn về số lượng di tích” như Vĩnh Lộc là điều rất rõ. Và trong khi bài toán này vẫn chưa có lời giải thì di tích đã, đang và xuống cấp đầy xót xa.

Thu Bùi


Thu Bùi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]