(vhds.baothanhhoa.vn) - Có rất nhiều câu chuyện kể, giai thoại về sức mạnh của Lê Phụng Hiểu - người hương Băng Sơn, Châu Ái, nay là làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Tương truyền, mẹ ông trong một lần vào rừng nhặt củi, phát hiện một bàn chân to, bà liền ướm thử, sau đó sinh ra ông (cuối thời Tiền Lê). Và ông là người có tướng mạo, sức khỏe lạ thường, đặc biệt có niềm đam mê các môn đấu quyền, múa kiếm, ném đao và là một đô vật nức tiếng của vùng.

Võ tướng Lê Phụng Hiểu

Có rất nhiều câu chuyện kể, giai thoại về sức mạnh của Lê Phụng Hiểu - người hương Băng Sơn, Châu Ái, nay là làng Xuân Sơn, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Tương truyền, mẹ ông trong một lần vào rừng nhặt củi, phát hiện một bàn chân to, bà liền ướm thử, sau đó sinh ra ông (cuối thời Tiền Lê). Và ông là người có tướng mạo, sức khỏe lạ thường, đặc biệt có niềm đam mê các môn đấu quyền, múa kiếm, ném đao và là một đô vật nức tiếng của vùng.

Võ tướng Lê Phụng HiểuMột góc đền thờ Lê Phụng Hiểu mới được trùng tu, tôn tạo.

“Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi lại câu chuyện về sức mạnh của Lê Phụng Hiểu. Đó là trong một lần tranh chấp địa giới ruộng vườn, người dân hai làng Cổ Bi và Đàm Xá lời qua tiếng lại. Làng Đàm Xá cậy có nhiều trai tráng ức hiếp, xâm lấn nhiều ruộng của Cổ Bi. Lúc đó, Lê Phụng Hiểu đã trưởng thành, ông nói một mình có thể đánh thắng làng Đàm Xá, lấy lại ruộng cho Cổ Bi. Dân làng mừng rỡ, bèn làm cơm khoản đãi chàng trai. Thanh niên làng Đàm Xá thấy ông liền kéo nhau ra tấn công, ông điềm nhiên nhổ bật cụm tre ven đường vung lên quật tới tấp. Dân làng Đàm Xá hoảng sợ bỏ chạy, buộc phải trả hết ruộng vườn cho làng Cổ Bi. Sau này, “Đại Nam nhất thống chí” (bản Hoàng Văn Lâu dịch, NXB Lao Động- Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây) có ghi lại 56 câu vè truyền tụng khắp nơi đời đời ghi nhớ công trạng của Lê Phụng Hiểu thuở hàn vi.

Bấy giờ, gặp dịp vua Lý Thái Tổ tuyển binh bổ sung Túc vệ (lính hầu và bảo vệ Hoàng đế), ông được chọn. Nhờ võ nghệ siêu quần, lại siêng năng, tháo vát, dần dần ông được thăng lên chức Vũ vệ tướng quân, đứng ngang hàng với các tướng như Đàm Thận, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư...

Năm Mậu Thìn (1028), sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà, các hoàng tử Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chính Vương không chấp nhận việc Thái tử Lý Phật Mã lên nối ngôi, đã đem quân vây thành đoạt ngôi. Võ tướng Lê Phụng Hiểu đã có công giúp Thái tử dẹp loạn “Tam Vương”, lên ngôi vua lấy hiệu là Lý Thái Tông, niên hiệu Thiên Thành. Cảm kích trước tấm lòng trung dũng, vua Lý Thái Tông đã phong Lê Phụng Hiểu làm Đô thống Thượng tướng quân, tước hầu.

Năm 1044, quân Chiêm Thành xâm lấn nước ta, Đô thống Lê Phụng Hiểu hộ giá nhà vua đi đánh giặc. Ông làm tướng tiên phong, lập công lớn, danh tiếng lừng lẫy. Khi chiến thắng trở về, nhà vua định công, phong thưởng. Xét thấy quyền lực, bạc vàng đều là phù du, ông liền nói với vua: “Thần không muốn thưởng tước, cũng không dám tham lam công khố, chỉ xin cho về ở núi Băng Sơn, ném dao lớn đi xa, dao rơi đến chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp”.

Từ một số tài liệu như Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ ghi lại: “Nhà vua hạ lệnh cho quan sở tại tổ chức một ngày hội, có đông đủ dân chúng trong vùng đến để chứng kiến xem Đô thống Thượng tướng quân phóng dao nhận ruộng. Hôm tổ chức buổi lễ, mọi người nô nức đến xem ông Bưng phóng lao. Cờ quạt rợp trời, tiếng chiêng trống vang lừng. Trên đỉnh Băng Sơn, Lê Phụng Hiểu mình trần như một lực sĩ, tay phải cầm con dao, Ngài chạy lấy đà rồi phóng nhanh ra phía trước mặt. Chỉ nghe vút một cái đã thấy lưỡi dao ở giữa tầng không, lao đi như tên bắn. Đến ngút tầm mắt mọi người mới thấy lưỡi dao chúc xuống và đi chếch đến địa phận làng Đa Mỹ. Tiếng reo hò vang lên như sấm. Tiếng chiêng, tiếng trống cũng khua lên liên hồi. Đích thân quan sở tại chạy đến chỗ lưỡi dao rơi xuống, rồi cho người chăng dây quy vuông để đo đạc. Thật không thể nào tưởng tượng nổi: hơn một ngàn mẫu đất đã nằm gọn trong vòng quy vuông ấy! Nhà vua vui lòng ban cho Lê Phụng Hiểu số ruộng đó để thưởng công, hàng năm không phải đóng thuế. Từ đấy trở đi ở Châu Ái, hễ ai có công được thưởng ruộng, thì đều gọi là ruộng ném đao cả”.

Sở dĩ có rất nhiều huyền thoại về ông Bưng (Đức Thánh Bưng) được gắn liền với Lê Phụng Hiểu chính là vì ông sinh ra ở vùng đất kẻ Bưng. Vì thế, đền thờ Lê Phụng Hiểu có hai tên gọi khác nhau. Gọi Lê Phụng Hiểu là theo tên tục, gọi Đức Thánh Bưng là theo sự huyền thoại hóa nhân vật Lê Phụng Hiểu.

Cả một đời hết lòng trung thành với vua, biết điều gì có lợi cho dân cho nước đều bàn với vua, sau khi ông mất, Nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ ông làm phúc thần, cầu đảo rất linh ứng. Đời Trần, năm Trùng Hưng thứ nhất gia phong cho ông là Đô thống vương. Năm thứ tư, thêm hai chữ “Khuông quốc“. Năm Hưng Long 21, thêm hai chữ nữa là “Tá thánh”. Đền miếu của ông nguy nga, hương khói bốn mùa không lúc nào dứt. Ở Hoằng Hóa có 36 đền thờ liên quan đến Lê Phụng Hiểu, nhưng đền thờ gốc được xác định là ở kẻ Bưng (xã Hoằng Sơn). Ở Bắc Ninh nơi ông lưu lạc thuở nhỏ và đóng quân đánh giặc cũng có nhiều làng xã thờ ông làm Thành hoàng làng. Mặc dù sinh ra ở đất Thanh Hóa, nhưng Lê Phụng Hiểu vẫn được xếp vào một trong những danh nhân đất Hà Nội. Một phần là do phong tục Hội thề đền Đồng Cổ - đến nay vẫn duy trì đều đặn, thiêng liêng, ở phường Bưởi, Hà Nội - với lời thề độc xuất phát từ lời thề của Lê Phụng Hiểu khi chém Võ Đức vương trong loạn “Tam vương”. Nhà sử học Phan Huy Chú khi viết về các nhân vật lịch sử đã xếp Lê Phụng Hiểu vào hàng “Tướng có tiếng và tài giỏi” là một trong hai người đời Lý (là Lý Thường Kiệt - PV), 4 người đời Trần, 12 người đời Lê sơ, 19 người đời Lê trung hưng”. Ngày nay, ở Hà Nội, Thanh Hóa và nhiều đô thị khác có đường mang tên ông.

Ở tại quê hương ông, xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa), đền thờ Lê Phụng Hiểu đã được xếp hạng là Di tích quốc gia năm 2002. Ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xét thấy di tích quốc gia đền thờ Đức Thánh Lê Phụng Hiểu xuống cấp, UBND huyện Hoằng Hóa có tờ trình và được UBND tỉnh phê duyêt dự án trùng tu, tôn tạo lại với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách tỉnh là 8 tỷ đồng, còn lại vốn ngân sách huyện, xã và kêu gọi xã hội hóa). Tháng 7-2019, một số hạng mục được tiến hành thi công. Đến nay khu nhà tiền bái, đại bái, hậu cung đã hoàn thiện đưa vào sử dụng. Tuy vậy, vẫn còn một số hạng mục như tường rào, sân, cổng khu di tích đã xuống cấp nhưng chưa được trùng tu, xây dựng do ngân sách địa phương có hạn.

Trải qua nhiều lần tôn tạo, trùng tu, thậm chí bị đánh cắp các hiện vật, tuy nhiên đến nay Khu Di tích quốc gia đền thờ Đức Thánh Lê Phụng Hiểu vẫn lưu giữ một số hiện vật quý. Ngoài 23 bản sắc phong, đền còn một số đồ cổ như: Tượng Quan văn, quan võ, Ngai thờ nhà Lý, bài vị với 360 chữ Hán, kiếm xung trận của Lê Phụng Hiểu, mũ, hia... Ông Lê Minh Thiện, thủ từ khu di tích cho biết: Ở một địa phương nghèo, việc huy động nguồn xã hội hóa cho việc tu sửa đền là rất khó khăn. Nhiều hạng mục ở đền vẫn còn dang dở. Mong rằng, các cấp chính quyền sẽ hỗ trợ để ngôi đền được tương xứng với công trạng của một vị tướng phụng sự 3 đời vua của triều Lý.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]