(vhds.baothanhhoa.vn) - Sách Địa chí Thanh Hóa tập IV: Nhân vật chí (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015), phần về nhân vật quân sự - quốc phòng - an ninh thời kỳ cổ - trung - cận đại đã giới thiệu về võ tướng Lê Quang Lộc. Ông là Thủy tổ họ Lê Văn có nhà thờ họ ở Ngõ Thẳng, làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Võ tướng Lê Quang Lộc

Sách Địa chí Thanh Hóa tập IV: Nhân vật chí (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015), phần về nhân vật quân sự - quốc phòng - an ninh thời kỳ cổ - trung - cận đại đã giới thiệu về võ tướng Lê Quang Lộc. Ông là Thủy tổ họ Lê Văn có nhà thờ họ ở Ngõ Thẳng, làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.

Võ tướng Lê Quang Lộc

Đền Đề Lĩnh ở làng Lương Trung (xã Lương Niệm, phủ Quảng Xương, nay thuộc phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) thờ tướng công Lê Quang Lộc còn lưu giữ 9 sắc phong cổ. Ảnh: Thu Hà

Lê Quang Lộc sinh ra và lớn lên vào cuối thế kỷ XV ở sách Biện Đà, một vùng đất cổ giáp với Di chỉ Đa Bút (làng Đa Bút). Sau nhiều lần đổi tên, từ sách Biện Đà, rồi hương Biện Đà và đến làng Biện Thượng. Đến triều vua Đồng Khánh (1886 - 1888), làng Biện Thượng đổi thành làng Bồng Thượng. Xưa làng Biện Thượng còn có tên nôm là làng Báo. Ở khu vực miền xuôi của huyện Vĩnh Lộc có ba làng Bồng gồm Bồng Thượng, Bồng Trung, Bồng Hạ. Người dân trong vùng thường gọi làng Bồng Thượng là Bồng Báo. Chính vì vậy mà sách vở ghi Lê Quang Lộc ở Bồng Báo là vậy.

Bồng Thượng là nơi có truyền thống yêu nước, học hành đỗ đạt và nhiều người làm quan. Ngay từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Bình định vương Lê Lợi lãnh đạo (1418 - 1428), ở Biện Thượng đã có một số người tham gia nghĩa quân. Biện Thượng là đất phát tích dòng chúa Trịnh, mở đầu từ Trịnh Kiểm vào giữa thế kỷ XVI, kéo dài 243 năm cùng với vua Lê trị vì đất nước. Biện Thượng Bồng Báo được gọi là đất quý hương vì có nhiều người làm quan. Đương thời lưu truyền câu ca dao “Bồng Báo là đất quý hương/ Ai về Bồng Báo kéo dây cương ngựa thờ”.

Lê Quang Lộc có vợ cả (chính thất) ở làng Biện Thượng và sinh được một người con trai, tên tục thất truyền, tên tự là Phúc Tính. Ông Phúc Tính là đời thứ hai của dòng họ Lê Văn Ngõ Thẳng. Từ quê nhà, Lê Quang Lộc đi lính cho quân đội nhà Lê. Trải qua năm tháng rèn luyện trong quân ngũ, ông trở thành người văn võ song toàn, tài trí hơn người. Đến đời vua Lê Tương Dực (1510 - 1516), ông được thăng chức quan Tứ thành Đề Lĩnh với nhiệm vụ chính là bảo an kinh đô, ngoài ra còn nghe ngóng dò xét, tìm bắt kẻ gian phi (cơ mật). Đây là tước quan được xếp vào hàng tứ trụ triều đình.

Thời bấy giờ ở cửa biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) có bọn giặc biển thường xuyên quấy phá, đánh cướp tài sản của Nhân dân. Trước tình hình đó, nhà vua đã giao cho võ tướng Lê Quang Lộc vào trấn giữ. Về đây ông đã chọn một dải đất cao, rộng và bằng phẳng (tức làng Lương Trung, thuộc phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn ngày nay) làm địa điểm lập trại, mở đất luyện binh, lập làng. Dần dần nơi đồn trú của ông trở nên sầm uất, có khu vực binh lính đóng và luyện tập, có khu vực cư dân sinh sống. Đội quân của võ tướng Lê Quang Lộc hùng mạnh, võ nghệ tinh thông. Không khí luyện tập hàng ngày của binh lính được truyền tụng trong câu ca dao: “Xuống tàu quân hát, quân reo/Lính thủy tập chèo, lính bộ tập dao”. Những lần giặc biển tràn lên cướp phá, ông tổ chức lực lượng đánh trả quyết liệt và đều thắng lớn, bọn giặc không giám đến quấy phá, cướp bóc nữa, dân làng yên ổn làm ăn sinh sống. Công đức, danh tiếng chiến công của võ tướng Lê Quang Lộc vang khắp vùng và chấn động cả kinh thành.

Lê Quang Lộc một danh tướng có công đánh giặc giữ bình yên vùng biển Sầm Sơn và là người lập nên làng Lương Trung, đồng thời ông còn là người mở lò dạy võ cho trai tráng trong làng, nên ông được tôn là Tổ sư nghề võ vật làng Lương Trung.

Võ tướng Lê Quang Lộc đóng đại bản doanh và lấy vợ người làng Lương Trung và sinh được hai người con gái đều theo nghiệp võ của cha. Ở làng Lương Trung, nhưng ông vẫn luôn nhớ về quê cha đất tổ, nên nhiều lần về thăm làng Biện Thượng. Đường sá xa xôi, lúc đi đường bộ, lúc đi đường thủy, người làng Lương Trung thương ông đi lại vất vả đã truyền nhau câu ca: “Thương ông Đề Lĩnh một quán đôi quê/ Khi ở Lương Trung, lúc về Biện Thượng”.

Sau khi ông mất dân làng đã mai táng, lập đền thờ, tôn làm Thành hoàng làng Lương Trung và được vua ban tên thụy là Đường Công Quang Lộc. Đền thờ ở làng Lương Trung được gọi theo tước quan của ngài là đền Đề Lĩnh. Hiện tại đền Đề Lĩnh làng Lương Trung còn lưu giữ 9 đạo sắc phong của các triều vua Lê và các triều vua Nguyễn ban cho Đường Công Quang Lộc. Các sắc phong đều ca ngợi, ghi nhận công đức lớn lao của bậc tướng quân có lòng trung nghĩa, nêu gương gắng sức dốc lòng trung thành giúp nước việc quân, được sắc phong Đường Công Quang Lộc Đại vương và Đường Công Quang Lộc thượng đẳng tối linh thần, cho dân bốn mùa cúng tế theo phép điển Nhà nước, dùng quỹ công.

Võ tướng Lê Quang Lộc

Bia đá cổ đặt ngay ở phần mộ vị Tổ sư lò võ vật làng Lương Trung. Ảnh: Thu Hà

Trong đó, sắc của vua Duy Tân ban ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909) có nội dung: “Sắc cho thôn Lương Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Theo trước đây phụng thờ thần Đường Công Quang Lộc, tuấn lương Dực Bảo Trung Hưng là Bản cảnh Thành hoàng linh thiêng ứng nghiệm. Đã được ban sắc phong chuẩn thờ phụng. Năm Duy Tân thứ nhất, đại lễ lên ngôi lại ban chiếu báo gia ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc. Đặc chuẩn cho phụng thờ thần như cũ. Dùng để ghi nhớ ngày mừng của nước nhà mà tỏ rõ phép tắc thờ tự”.

Đền Đề Lĩnh làng Lương Trung được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia năm 1993. Từ xưa tới nay làng Lương Trung làm kỵ cho Lê Quang Lộc vào ngày 17 tháng Giêng. Ngày kỵ của ông cũng là ngày hội lớn của làng, nhà nhà, người người hồ hởi thành kính tham gia. Cỗ bàn làm to, lễ vật bao giờ cũng có mâm bánh chưng, mâm bánh giầy. Ngoài cỗ của làng còn có cỗ của các dòng họ, phe giáp và các gia đình. Làng có đội tế nam, đội tế nữ. Phần rước kiệu ông dạo quanh khắp làng với sắc màu của cờ quạt, đồ tế khí và âm thanh trống chiêng, nhị sáo... sôi động cả một vùng.

Để ghi nhớ công lao của võ tướng Lê Quang Lộc và giữ gìn phát huy truyền thống thượng võ của làng, hằng năm từ mùng 1 Tết Nguyên đán đến mùng 10 tháng Giêng, làng Lương Trung tổ chức hội võ vật với phạm vi trong vùng, năm nào đô vật làng Lương Trung cũng đều giành giải cao.

Ở làng Bồng Thượng quê hương võ tướng Lê Quang Lộc có ngôi từ đường họ Lê Văn Ngõ Thẳng thờ thủy tổ Lê Quang Lộc và các bậc tiên hiền cũng đã được Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích cấp tỉnh năm 1998.

Lê Khắc Tuế


Lê Khắc Tuế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]