(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 6/12, Sở VH,TT&DL đã tổ chức hội thảo Xác định giá trị các lễ hội tiêu biểu, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc và giải pháp phát huy nhằm phát triển du lịch Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xác định giá trị lễ hội, văn hóa dân gian đặc sắc để phát triển du lịch

Ngày 6/12, Sở VH,TT&DL đã tổ chức hội thảo Xác định giá trị các lễ hội tiêu biểu, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc và giải pháp phát huy nhằm phát triển du lịch Thanh Hóa.

Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành; các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học đến từ các trường đại học, đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Trước thực tế, yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn của phát triển du lịch bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định du lịch là một trong năm nhiệm vụ kinh tế trọng tâm của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2020. Trên tinh thần đó, Sở VH,TT&DL đã lập và triển khai đề án “Nghiên cứu, phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch”. Mong muốn Đề án mang tính khoa học, thực tiễn, có tính ứng dụng cao. Sở VH,TT&DL tỉnh đã tổ chức hội thảo “Xác định giá trị các lễ hội tiêu biểu, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc và giải pháp phát huy nhằm phát triển du lịch Thanh Hóa”.

Thanh Hóa nổi bật với một quần thể 1.535 di tích lịch sử - văn hóa gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các di tích không chỉ đặc trưng mà còn đa dạng về thể loại, trong đó nổi bật với các cụm di tích lớn: Lam Kinh; Thành Nhà Hồ; Hàm Rồng - Đông Sơn. Bên cạnh đó là các danh lam, thắng cảnh: Sầm Sơn; Vườn quốc gia Bến En; suối cá thần Cẩm Lương; Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; hệ thống hang động Từ Thức; Hồ Công; Tiên Sơn...

Cùng với đó là khối lượng di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, mang sắc thái riêng của 7 dân tộc anh em. Với hơn 300 lễ hội dân gian gắn liền với các di tích lịch sử, danh thắng, liên quan tới tín ngưỡng tôn giáo, là nét văn hóa đặc trưng, linh hồn của người dân xứ Thanh. Trong đó, các loại hình văn hóa dân gian không chỉ phong phú về thể loại mà còn độc đáo về giá trị như: Sắc bùa của người Dao; Pồôn Pôông của người Mường; trò diễn Xuân Phả... các làn điệu dân ca tha thiết: hò sông Mã; hát xẩm xoan; múa đèn Đông Anh...

Các di tích, lễ hội, loại hình văn hóa đó được xem là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá hạn chế, với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Với thực tế và mục tiêu phát triển du lịch, hội thảo tập trung thảo luận, trao đổi với bốn nội dung cơ bản: Nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn lễ hội và loại hình văn hóa dân gian đặc sắc phục vụ phát triển du lịch tại Thanh Hóa; Kinh nghiệm khai thác lễ hội và loại hình văn hóa dân gian đặc sắc phục vụ phát triển du lịch tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước; Đề xuất lựa chọn lễ hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch (lễ hội tiêu biểu phát triển thành sản phẩm du lịch độc lập; một số trình thức, nghi lễ của lễ hội tiêu biểu, lễ tục đặc sắc hình thànhsản phẩm du lịch biểu diễn tại khu, điểm du lịch nổi tiếng); Và một số giải pháp khai thác lễ hội và loại hình văn hóa dân gian gắn với quảng bá và phát triển du lịch Thanh Hóa.

Đóng góp tham luận và phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: "Lễ hội chỉ là một khâu trong chuỗi sản phẩm du lịch của địa phương. Du lịch lễ hội cần được xem như một sản phẩm, đã là sản phẩm thì cần phải có chất lượng. Bởi vậy cần phải chú trọng tới khâu tổ chức lễ hội để tạo nên những sản phẩm du lịch lễ hội chất lượng - có "thương hiệu". Cùng với đó, du lịch lễ hội mang tính thời vụ vì thế cần phải tính đến bài toán kinh tế. Còn dưới góc nhìn văn hóa thì phải đảm bảo lễ hội không bị thương mại hóa, sân khấu hóa, tuy nhiên cần đến yếu tố "sáng tạo" trong lễ hội khi nó trở thành một sản phẩm du lịch. Trong đó, phần lễ cần phải giữ nguyên, nên sự "sáng tạo" có thể thực hiện ở phần hội".

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Hoàng Minh Tường - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: Việc khôi phục, phát triển lễ hội, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc gắn với phát triển du lịch là điều cần thiết. Tuy nhiên cần phải chú trọng tới yếu tố bản địa của lễ hội, đặc biệt là với các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số...

Kết thúc hội thảo, đồng chí Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL đã ghi nhận các nội dung được trao đổi tại hội thảo. Với 12 tham luận và 7 ý kiến đóng góp trực tiếp tại hội thảo, đó sẽ là căn cứ khoa học giá trị để cơ quan chuyên môn khoanh vùng, xác định đúng, trúng hơn về tiêu chí lựa chọn các lễ hội tiêu biểu, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc để phát triển du lịch Thanh Hóa. Trên cơ sở nội dung hội thảo, đồng chí đề nghị đơn vị tư vấn đề án là Công ty cổ phần Quy hoạch kiến trúc Việt Nam lựa chọn những lễ hội, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, độc đáo song phải có tính khả thi. Cùng với đó là yếu tố quy trình (danh sách dự án ưu tiên đầu tư trước). Và những giải pháp đề ra cần phải lượng hóa cụ thể: Ai làm gì? Làm như thế nào?...

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]