(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương phát triển đời sống văn hóa cơ sở được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng khi về cơ sở, thì lại không mấy được chú ý. Cùng với đó, đời sống của đội ngũ làm công tác văn hóa cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, phong trào phát triển chưa mạnh và chưa đồng đều.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Còn đó những gian nan (Kỳ 1) Có kinh phí mới vực được phong trào?

Trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương phát triển đời sống văn hóa cơ sở được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng khi về cơ sở, thì lại không mấy được chú ý. Cùng với đó, đời sống của đội ngũ làm công tác văn hóa cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, phong trào phát triển chưa mạnh và chưa đồng đều.

Thực tế, cơ chế chính sách đầu tư cho các thiết chế văn hoá, thể thao chưa cụ thể, thiếu đồng bộ. Kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên của Trung tâm văn hoá, Nhà văn hoá,khu thể thao thôn còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tìnhhình hiện nay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.

Duy trì phong trào bằng công tác xã hội hoá

Nhiều năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trên địa bàn huyện Nông Cống đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất văn hoá được nâng cao, chất lượng làng, thôn văn hoá được quan tâm. Hiện Nông Cống có 316/316 làng, thôn khai trương, xây dựng làng văn hoá trong đó có 238 làng, thôn được công nhận và công nhận lại. Tuy nhiên, về phong trào vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Lê Đình Thức, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin (VHTT) huyện Nông Cống cho biết: Toàn huyện có 32 xã, thị trấn, trong đó có 2/3 tổ chức các phong trào văn hoá, thể thao khá còn lại 1/3 là hạn chế. Những xã có phong trào chưa hiệu quả cũng bắt nguồn từ kinh phí và cũng chỉ vì không có kinh phí nên hiện Nông Cống mới có 180/290 nhà văn hoá thôn đạt chuẩn. Ông Thức cũng làm bài toán so sánh liên quan đến kinh phí đó là như mọi năm có khoảng 18, 20 đơn vị đăng ký tham gia chuỗi hoạt động chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Nhưng năm nay con số này đã ít hơn với lý do, một số xã không thể đảm bảo được kinh phí. Mà để tham gia thì phải cần khoảng 15-20 triệu đồng, xã nào có điều kiện thì sẽ tham gia nhiều hoạt động hơn và mức kinh phí sẽ lên tới 30-40 triệu đồng.

Tại xã Thăng Long của huyện này, ông Nguyễn Thanh Sơn, công chức văn hoá xã cho biết: “Một năm, kinh phí cho hoạt động văn hoá, thể thao của xã là 24 triệu đồng/năm. Số tiền này không thể đủ chi phí cho phong trào và để đảm bảo phong trào hoạt động tốt phải cần đến xã hội hoá”. Và để minh chứng cho lời nói này, ông Sơn đã đưa ra những sự kiện quan trọng về văn hoá, thể thao trong 1 năm ở xã mình. Như trong năm 2017, xãThăng Long tổ chức Giải bóng đá nữ lần thứ 2 với kinh phí là 14 triệu đồng, giải bóng chuyền hơi dành cho người cao tuổi, tổ chức 1-2 lần/năm, kinh phí khoảng 5 triệu đồng/lần. Bên cạnh đó, xã còn phải tham gia 2 giải cấp huyện: Chạy việt dã với kinh phí 13-14 triệu đồng và cầu lông kinh phí từ 4-5 triệu đồng. Như vậy là chỉ cần làm một phép tính đơn giản thì con số 24 triệu đồng/năm vẫn chưa thấm vào đâu khi kinh phí dành cho 2 lần tổ chức cấp xã và 2 lần tham gia huyện đã lên tới khoảng 36 triệu đồng/năm. Đấy là chưa kể đến kinh phí tuyên truyền, băng zôn, khẩu hiệu...

Ở Thăng Long có 11 thôn. 11 thôn này có 11 độibóng đá nữ, 11 đội văn nghệ. Kinh phí cho hoạt động văn hoá, thể thao ở thôn không có. Thêm vào đó, các thôn thường tổ chức giao lưu cụm với nhau. Và khoảng 4 năm trở lại đây, xã mới có thể tự đứng ra tổ chức một số hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao cho các thôn tham gia thông qua việc xã hội hoá.

Cũng theo bà Đỗ Thị Loan - Trưởng phòng VHTT huyện Vĩnh Lộc: Nếu kinh phí hạn hẹp, rõ ràng sẽ không thể kéo dài chuỗi hoạt động sự kiện và như vậy là chỉ tham gia cho có phong trào. Nhiều đơn vị trên địa bàn huyện để tham gia các sự kiện thì không còn cách nào khác là buộc lòng phải nỗ lực đi tìm nguồn xã hội hoá.

Kinh phí hạn hẹp có làm mai một giá trị văn hoá truyền thống?

Tại huyện Thường Xuân, theo ông Cầm Bá Huyến - Trưởng phòng VHTT của huyện này thì cơ sở vật chất văn hoá, thể thao cho các thôn, bản còn nhiều khó khăn. Việc bố trí quỹ đất đạt chuẩn tiêu chí NTM đã khó, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng càng khó hơn. Hiện toàn huyện có 97/140 thôn, bản có NVH, trong đó 60% NVH đạt chuẩn. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên dẫn đến việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn huyện đang có nguy cơ bị mai một. Ông Huyến cho biết: “Đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình dẫn đến sinh hoạt văn hoá cộng đồng ngày càng có chiều hướng đi xuống. Trước kia, mỗi lần hội họp, không thể thiếu nhảy sạp, khặp, khua luống. Giờ họp xong ai về nhà nấy... Lớp trẻ thì đi làm ăn xa và thường bị ảnh hưởng của văn hoá hiện đại, quên dần đi bản sắc văn hoá truyền thống...”.

Ông Huyến cũng cho biết thêm, hiện trên địa bàn huyện có 17 CLB biểu diễn khặp Thái. Tuy nhiên, những CLB này sinh hoạt trên tinh thần tự nguyện, giao lưu, việc duy trì là rất khó khăn vì không có kinh phí để hoạt động.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]