(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Không thể phủ nhận, ở những địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng mạnh thì đời sống văn hóa của người dân cũng rất phong phú.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng đời sống văn hóa: Góc nhìn từ phong trào văn nghệ quần chúng

(VH&ĐS) Không thể phủ nhận, ở những địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng mạnh thì đời sống văn hóa của người dân cũng rất phong phú.

Nổi tiếng với những làn điệu chèo tình tứ, đắm say lòng người, làng Phượng Mao (xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa) từ xa xưa đã được xem là cái nôi hát chèo. Về thăm mảnh đất này một ngày gần đây, các thành viên trong CLB Chèo Phượng Mao đang say sưa tập luyện cho tiết mục văn nghệ diễn ra trong dịp Tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện Hoằng Hóa. Trong sân nhà văn hóa làng, những nghệ nhân chân đất với trang phục vô cùng dân dã đang “hóa thân” thành những nhân vật của tiết mục văn nghệ. Người hát, người múa, người đàn… và xung quanh là đông đảo người dân trong làng cũng theo ra để xem, động viên tinh thần cho các nghệ nhân tập luyện. "Kinh tế làng Phượng Mao vẫn còn nhiều khó khăn, người dân vẫn còn nhiều vất vả, song đời sống văn hóa, tinh thần của họ không thể “nghèo” được" - chị Nguyễn Thị Oanh, một hạt nhân trong CLB Chèo Phượng Mao chia sẻ. Chị Oanh cũng là một trong hai nghệ nhân của CLB vinh dự được trao tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian.

Được biết, mỗi năm CLB Chèo Phượng Mao cống hiến cho khán giả địa phương nói riêng và khán giả tỉnh nhà nói chung hàng chục tiết mục chèo, chầu văn chất lượng vào các dịp kỷ niệm và tổ chức hoạt động của địa phương. Bởi vậy, việc tập luyện của các thành viên trong CLB cũng vì thế mà diễn ra thường xuyên, sôi động. Và điều thú vị, với người dân nơi đây, việc tập luyện, biểu diễn chèo không phải là “chuyện của riêng ai”. Khi thành viên trong CLB say sưa tập luyện, biểu diễn thì chính những người hàng xóm, anh, chị em của họ lại là những khán giả trung thành.

CLB Chèo Phượng Mao biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật của huyện Hoằng Hóa.

Anh Nguyễn Văn Sỹ, cán bộ Văn hóa xã Hoằng Phượng tự hào cho biết: ở xã Hoằng Phượng nói chung và đặc biệt là làng Phượng Mao, ai cũng biết hát chèo, say chèo. Chính bởi vậy mà đời sống văn hóa, sự gắn kết tinh thần trong các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương vô cùng sâu sắc.

Còn với xã Hà Lĩnh (Hà Trung) thì đời sống văn hóa của người dân cũng trở nên phong phú, đa dạng từ khi các CLB văn nghệ được thành lập ở mỗi làng, thôn. Dù sinh sau đẻ muộn và không nổi danh như CLB Chèo Phượng Mao nhưng CLB Chèo Tiên Hóa của xã Hà Lĩnh cũng được ghi nhận là một trong số CLB văn nghệ truyền thống hoạt động khá hiệu quả. Trong mỗi đợt tham gia liên hoan văn nghệ quần chúng của xã, huyện thì CLB này đều ghi dấu trong lòng khán giả với những tiết mục chất lượng.

Có thể nói, trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống thì tuồng là bộ môn “khó tính” và khó theo nhất. Thế nhưng với sự quyết tâm của những người yêu tuồng, sự giúp đỡ của các nghệ sĩ tuồng chuyên nghiệp, tâm huyết, CLB Tuồng làng Bèo xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) đã khiến khán giả yêu tuồng phải “nghiêng mình” với việc giành giải ở liên hoan nghệ thuật tuồng tại Đà Nẵng năm 2015. Sau hơn 10 năm thành lập, đến nay sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên trong CLB đã phần nào được đền đáp xứng đáng khi mỗi tiết mục biểu diễn của họ dù trên sân khấu địa phương hay sân khấu của huyện, tỉnh đều được khán giả đón nhận nhiệt tình.

Phải khẳng định, đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng Bèo phong phú, sôi động hơn kể từ khi CLB tuồng được thành lập. Bà Lê Thị Tròn, chủ nhiệm CLB Tuồng làng Bèo từng tâm sự: Việc CLB Tuồng làng Bèo được thành lập là cả sự nỗ lực của không chỉ các hội viên mà còn có sự giúp đỡ của chính lãnh đạo địa phương lúc bấy giờ. Sau những khó khăn, vất vả, thiếu thốn, đến nay, CLB có thể nói đã đi vào hoạt động ổn định, được trang bị những vật dụng thiết yếu.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, số lượng CLB văn nghệ được thành lập khá nhiều và gần như mỗi xã đều có ít nhất một CLB. Nhiều địa phương có tới hai, ba CLB văn nghệ như: Xã Hoằng Đạo, Hoằng Phượng (Hoằng Hóa); Hà Tiến, Hà Lĩnh (Hà Trung)… Và điều dễ nhận ra, ở những địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng mạnh thì đời sống văn hóa của người dân thường vô cùng phong phú với rất nhiều hoạt động bề nổi gắn kết.

Từ thực tế, phong trào văn nghệ quần chúng là yếu tố vô cùng quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, để phong trào văn nghệ quần chúng thực sự mạnh, hoạt động sôi nổi, chất lượng thì có lẽ chỉ sự nỗ lực của những hạt nhân văn nghệ thôi là chưa đủ. Mà phong trào còn cần thiết có sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương. Có như vậy, phong trào văn nghệ quần chúng mới có thể mạnh, bền vững, là nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]