(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi lớn lên tôi mới biết rằng đi ra xã hội tôi có thể là người trưởng thành, nhưng trong vòng tay của bố mẹ thì tôi mãi là trẻ con.

Bố mẹ là nơi bình yên để trở về

Khi lớn lên tôi mới biết rằng đi ra xã hội tôi có thể là người trưởng thành, nhưng trong vòng tay của bố mẹ thì tôi mãi là trẻ con.

Bố mẹ là nơi bình yên để trở về

(Ảnh minh hoạ).

Hồi còn là sinh viên, tháng nào cũng vậy tôi đều: “A lô, mẹ đấy à, sắp đến ngày đóng học phí, tiền ăn, tiền nhà trọ"… Và mẹ trả lời: "Ừ, ngày mai mẹ hỏi vài người, ba hôm nữa mới đến phiên chợ mẹ gửi cho”. Đó là những lời hội thoại qua chiếc điện thoại bàn nghe rất nhẹ nhàng, nhưng đằng sau đó là câu chuyện thắt lòng.

Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, hết chiến tranh bố rời quân ngũ về đoàn tụ gia đình và lam lũ với ruộng đồng chăm cho chúng tôi ăn học. Tôi từng nghĩ cuộc sống này cứ yên bình, phẳng lặng như mặt hồ thôn Chu quê tôi vậy, nhưng đâu biết rằng để có tiền gửi cho tôi hằng tháng, bố mẹ phải lam lũ, phải vay mượn và thậm chí phải bán đi những bồ thóc, những mệ gà, những con chó con vào những ngày chợ phiên. Nhưng bố mẹ vẫn vui, vẫn lam lũ ngày đêm lao động không mệt mỏi mà trang trải với cuộc sống.

Dù cho đất quê cằn cỗi, thiên tai bão lũ mất mùa, nhưng những khó khăn đó bố và mẹ chẳng bao giờ than vãn. Vì đối với họ, con cái là niềm động lực, là nguồn năng lượng lớn nhất để phấn đấu. Ở mỗi bữa cơm quê, bố mẹ chỉ cơm với rau dưa và cá đồng. Nhưng với tôi, đi học xa nhà, bố mẹ không bao giờ để tôi phải chịu khổ. Mùa đông lạnh buốt bố mẹ chỉ mang trên mình vài bộ đồ cũ kỹ, còn sắm cho tôi thì rất nhiều quần áo mới vì sợ tôi bị lạnh.

Ra trường lập nghiệp xa quê, mỗi lần gọi điện thoại mẹ lại ân cần: “Khi nào sắp xếp được thời gian thì về thăm quê con nhé”.

Thời gian ơi sao nhanh quá vậy, mái tóc bố mẹ đã bạc, từng nếp nhăn hằn sâu, dáng lưng cong ngày một thêm còng. Tôi tự nhủ, giữa dòng đời bộn bề, tất bật đã bao lâu rồi ta chưa về thăm quê, thăm mái nhà tranh, thăm vườn sai trái ngọt, thăm bố mẹ già. Hồi còn bé thơ, thì ai đó cũng mong mình thật nhanh lớn, thật nhanh chóng để trưởng thành mà thoát ly khỏi xóm núi đất cằn, nhưng đi khắp nơi rồi mới biết quê hương chỉ có một và là nơi yên bình để ta về.

Cuộc sống bao bất trắc có thể đến bất cứ lúc nào, với bất cứ ai dù thân thế ra sao. Nhỡ như vào một ngày không xa, bố mẹ không còn nữa thì những hối hận liệu có còn ý nghĩa. Tiền bạc, danh vọng… sẽ không có gì quý bằng tình cảm gia đình. Vậy nên, tôi luôn tâm niệm rằng cho dù bận rộn, cho dù ở nơi đâu thì hãy dành thời gian ở bên bố mẹ, đừng để phải hối tiếc, đừng để phải thét lên hai từ “giá như” khi đã quá muộn màng.

Nước mắt tôi cũng đã từng chảy thành dòng khi mẹ vừa cầm máy: “A lô, mẹ à, công việc của con có chút rắc rối…. Con à, làm gì cũng phải bình tĩnh và giữ sức khoẻ nhé con, nếu mà mệt mỏi quá thì về với bố mẹ, ở quê có đủ cả!”. Hôm nay có mấy việc không tốt ở công ty, vậy mà chỉ nghe giọng mẹ an ủi thôi tôi đã không thể kìm nén được cảm xúc.

Giữa dòng đời bận rộn, nếu như không sống xa nhà nơi đất khách quê người thì làm sao hiểu được những phút giây, những kỹ niệm và tình thương mà bố mẹ dành dụm cho, và làm sao để hiểu được những hương vị đặc biệt của bữa cơm gia đình quây quần, đầm ấm, rộn tiếng nói cười.

Chưa bao giờ bố mẹ thể hiện tình thương bộc lộ ra ngoài, mà chỉ chúng ta mới cảm nhận được thứ tình yêu âm thầm đó khi đã trưởng thành.

Có lẽ giờ đây bạn đã đủ lớn để vẫy vùng, để có thể làm việc bất cứ đâu, và thậm chí đã có địa vị và chỗ đứng vững chãi trong xã hội. Nhưng đó chưa bao giờ là vĩnh viễn, mà bạn có thể bị bỏ rơi bất cứ khi nào. Còn với bố mẹ, thì cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, đó vẫn là nơi an toàn, yên bình để bạn trở về.

Hà Hiếu


Hà Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]