(vhds.baothanhhoa.vn) - Hoàng hôn thật lộng lẫy thả xuống cánh đồng những tia nắng cuối ngày, không vàng ruộm, mà nhàn nhạt màu nắng. Mặt trời dần khuất vào phía núi xa, như một trái táo khổng lồ. Tôi nhận ra điều đó qua chiếc gương chiếu hậu xe mình.

Cảm thức trên cánh đồng mùa thu...

Hoàng hôn thật lộng lẫy thả xuống cánh đồng những tia nắng cuối ngày, không vàng ruộm, mà nhàn nhạt màu nắng. Mặt trời dần khuất vào phía núi xa, như một trái táo khổng lồ. Tôi nhận ra điều đó qua chiếc gương chiếu hậu xe mình.

Cảm thức trên cánh đồng mùa thu...

Cánh đồng mùa gặt. Ảnh: HĐ

Đúng là mùa thu dễ khơi gợi cảm xúc cho con người, và nơi để cảm nhận rõ nhất điều đó chính là con đường đi qua những cánh đồng lúa chín vàng ruộm một màu, có lũ sẻ đồng ríu ran bay lượn qua những đụn khói biếc mờ do lũ trẻ vừa đốt.

Trong dòng cảm xúc miên man, tôi nhẹ nhàng tỳ tay trên vô lăng xe, vừa lái vừa sống trong không gian của những ca từ ấm áp: “Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm”.

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo thật biết nói hộ điều mà rất nhiều người nhìn thấy, nhưng đã không diễn tả được thành lời. Ai cũng có tuổi thơ, và phần nhiều quãng thời gian đó gắn bó với làng quê, không ít thì nhiều, đôi khi khá dữ dội. Nghe những ca từ sâu lắng về đồng làng, về cây lúa, sự phôi thai chắt nhặt ngọt ngào từ đất dâng hiến hạt lúa có bão tháng Bảy, có mưa tháng Ba cho con người, kết thúc vòng đời, lúa vẫn để lại rơm thơm. Những ca từ khiến người ta phải suy nghĩ.

***

Tôi sinh ra từ làng, lớn lên cùng nhịp thở của cánh đồng lúa chín từ hạ sang thu, từ vụ năm qua vụ mười. Những ngày tuổi thơ của tôi và lũ trẻ trong làng là những kỷ niệm vừa dữ dội vừa êm đềm trên cánh đồng, bắt đầu theo mẹ từ khi mạ gieo xuống đến lúc thóc về nhà. Có biết bao điều ẩn chứa trong cái vòng tái sinh của cây lúa, của đời người nông dân ấy. Những cây lúa có thể là mùa vàng, cũng có thể trắng băng trong nước lũ. Người nông dân có thể cười vui trong bữa cơm mừng gạo mới tháng mười có “bát cơm đầy cười/con cá mối nằm ngang”, nhưng cũng có thể phải đỏ hoe con mắt đứng giữa cánh đồng trắng băng trong mùa lụt ông trời cướp đi tất cả công sức của họ sau bao ngày vất vả.

Cuộc sống nông thôn gắn với nông nghiệp độc canh là thế. Có là gì đi chăng nữa thì người nông dân vẫn phải bấm chân xuống bùn, đạp đất, vượt nước để vươn lên trị thủy, canh nông lấy hạt lúa để đảm bảo thứ “an ninh lương thực” theo cách nghĩ của mình. Sức lao động của người nông dân trên những cánh đồng vụ mười vì thế thật mãnh liệt, đến mức trở thành tục ngữ, ca dao truyền đời. Tôi được chứng kiến đủ cả những ngọt bùi, cay đắng của những cung bậc cảm xúc ấy khi ở làng.

Những cánh đồng dữ dội ấy tưởng rồi sẽ buộc chặt người làng ở lại với cánh đồng làng. Nhưng nhiều đứa trẻ với mơ ước và khát vọng vẫn phải ra đi. Càng khó khăn càng phải vươn lên. Hạt lúa chín thành gạo, dù không đủ những bữa no nhưng vẫn đủ để nuôi lớn và nâng bước lũ trẻ học lên cao hơn. Chỉ có đi xa mới có cơ hội để quay về báo đáp những cánh đồng làng.

Nhưng có lẽ đó chỉ là sũy nghĩ, là mong muốn. Không phải cứ ra đi đều sẽ trở về, sẽ làm được điều gì đó cho cánh đồng tuổi thơ của mình. Tôi nghĩ mình trong số ấy, đi học và lập nghiệp ở nơi xa để ngày nào đó lại quay về với cánh đồng làng bằng sự góp sức với những việc làm có ích hơn. Nhưng rồi công việc bận rộn khiến cho mình cứ khất lần, lỗi hẹn mãi với cánh đồng tuổi thơ của mình. Những cánh đồng qua vụ mùa sang vụ chiêm, hết nắng đến mưa vẫn thế, bền bỉ chắt nhặt ngọt ngào dâng hiến cho cây lúa, nhưng người làng ra đi đôi khi rất vô tâm với cánh đồng tuổi thơ, với lời hứa của mình.

***

Lâu rồi mới lại được ngắm nhìn cánh đồng làng trong mùa thu - mùa gặt một cách thỏa thuê đến thế. Cảm xúc cũng ùa về đầy xúc động theo những ca từ của “Khúc hát sông quê” mà nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã chắt gan ruột của một người nhạc sỹ quá am tường về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào đó. Nhưng, dù có là thế đi chăng nữa, thì cũng thật khó để tìm lại được cảm giác thật sự của một thời thơ bé trên cánh đồng nơi quê cũ, bởi nó thiếu đi một không gian đích thực, sợi dây kết nối nghĩa tình giữa người làng với người làng và người làng với cánh đồng làng. Còn là một sự trách móc trong tâm về sự bạc bẽo của chính mình đã thất hứa với đồng làng.

Trên cánh đồng làng mùa thu đi qua cung bậc của sự hoài niệm, là cảm giác về điều gì đó đang dâng lên nghèn ngẹn chen ngang vào những ca từ rất hay được trình bày bởi ca sỹ Anh Thơ: “Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]