(vhds.baothanhhoa.vn) - Ông Thuộc tỉnh dậy bởi tiếng loa rao bánh giò, bánh bao, mài dao... ngoài đường văng vẳng vọng vào. Giật mình sờ lên chiếc gối trên đầu ông thở phào nhẹ nhõm khi thấy cọc tiền vẫn còn nguyên.

Chuyến xe giáp tết

Ông Thuộc tỉnh dậy bởi tiếng loa rao bánh giò, bánh bao, mài dao... ngoài đường văng vẳng vọng vào. Giật mình sờ lên chiếc gối trên đầu ông thở phào nhẹ nhõm khi thấy cọc tiền vẫn còn nguyên.

Chuyến xe giáp tếtMinh họa: Linh Chi

Tối qua trong bữa cơm chia tay anh em thợ, chủ thầu nhiệt tình lắm mà ông cũng không dám uống say. Chỉ sợ nếu say đêm trộm cắp vào lấy mất cọc tiền thì coi như mất tết. Nhìn xung quanh mấy anh em thợ vẫn ngủ li bì. Đêm qua quá chén nên chắc họ còn ngủ đến trưa. Cũng phải, cả năm cực nhọc ăn ở tạm bợ, hết dãi nắng lại dầm mưa thì cũng phải để cho họ say một trận. Ngó ra đường thấy không khí tết lao xao khiến ông càng thêm nhớ quê nhà. Thu vội quần áo cho vào chiếc ba lô ông đi bộ ra ngoài đường lớn bắt xe bus di chuyển tới bến xe. “Đầu năm mua muối/ Cuối năm mua vôi” tiếng loa lè rè vừa vang lên đã chìm nghỉm trong hàng trăm thứ âm thanh đường phố. Xe bus đông kín người, một bạn trẻ nào đó vừa đứng lên nhường chỗ cho ông. Nhìn ra ngoài cửa xe mắt ông bị hút vào cành hoa đào ai đó chở sau xe. Nhà ông cũng có vài cây đào như thế. Cây thì mọc hoang dưới vệ đường trước nhà, cây thì trồng ở hàng rào, cây ngay đầu nhà bếp. Chẳng cần phải chăm bón, tỉa cành, vặt lá. Cây cứ thế mà lớn lên, ngậm bốn mùa trong thân, chờ tết là ra hoa đúng dịp. Ngắm hoa chán thì chờ mùa quả. Quả đào ngọt và thơm, cả xóm chỉ chờ chín để chia nhau. Giờ này chắc thằng cháu nội đã chạy ra chạy vào ngóng ông về. “Ông mang tết về cho cháu đây”, ôm chặt chiếc ba lô trong tay, lòng ông đầy xúc động...

Đường phố ngày giáp tết đông đúc, nhích từng chút một. Gần trưa ông mới ra đến bến xe. Người xô người, có khi đang đi ngã dúi dụi về phía trước. Cứ như thể người của cả thành phố đổ dồn về hết bến xe. Dùng dằng bắt khách mãi gần một giờ chiều xe mới chạy ra khỏi bến. Ông nhìn xung quanh lối đi thấy chỗ nào cũng để đầy hàng hóa. Đó là những thứ mà người ta thường không yên tâm nhét dưới cốp xe. Ngồi ngay kế ông là một cậu thanh niên, vừa lên xe đã ngủ. Nhưng thỉnh thoảng giật mình thức giấc cậu thanh niên lại liếc xuống bó cành mận rừng nhỏ bọc bằng giấy báo để dưới gầm ghế phía trước. Bắt gặp ánh mắt của ông, cậu chàng giụi mắt cho tỉnh ngủ cười bảo:

- Giống hoa này nở đẹp và bền lắm bác ạ.

- Mấy năm nay nổi lên phong trào chơi đào rừng, mận rừng. Nhưng không phải ai cũng biết chơi. Chắc là mang về tặng người yêu hả cháu?

- Dạ không ạ. Cháu mang về tặng bố. Bố cháu là lính biên phòng từng đóng quân ở biên giới phía Bắc. Nơi bố cháu đi tuần, mùa xuân này rẽ màn sương trắng xóa ra sẽ thấy hoa đào, hoa mận nở bạt ngàn.

- Thế chắc bố cháu đã về hưu lâu rồi nhỉ?

-Bố cháu hy sinh năm 2019 trong một chuyên án ma túy bác ạ. Năm nào cháu cũng mang một bó mận rừng về thắp hương cho bố.

- À…

Ông Thuộc lặng người đi một lúc, chợt thấy rưng rưng xúc động trước một bó mận rừng đang thò ra ngoài lớp giấy báo những cành nhánh xù xì, khô mốc. Để tiện bắt, trả khách dọc đường nhà xe không đi cao tốc mà đi quốc lộ. “Các bác thông cảm, tết thanh tra giao thông làm gắt lắm. Dừng, đỗ trên cao tốc dễ bị phạt như chơi”. Ai đó trước khi trùm áo ngủ đã ới dặn bác tài đến điểm này, điểm kia nhớ gọi. Ai đó đã kịp ngủ một giấc tỉnh dậy hỏi bâng quơ “đến đâu rồi ấy nhỉ?". Ai đó kéo ba lô lấy ra bộ áo dài của trẻ con hỏi người bên cạnh “chị thấy có đẹp không? Em mua cho con gái đi chúc tết. Lựa khắp cả chợ thấy cái này ưng nhất”. Những câu chuyện về tết, về chồng con, bánh chưng, cá chép… cứ thế nối dài. Chẳng thân quen gì nhau nhưng ngồi chung trên một chuyến xe thấy cái tết nhà nào cũng giống nhà mình. Những lo toan cũng một màu sắc ấy. Ông Thuộc cũng tính chợp mắt đi một lúc nhưng lại nhớ đến cọc tiền để trong chiếc túi đang ôm khư khư trong bọc. Xe dập dềnh trôi trên con đường nhỏ, những câu chuyện lắng dần, ông Thuộc chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.

Đi được nửa đường nhà xe bỗng bật đèn. Tiếng cậu phụ xe hỏi to:

- Có ai buồn đi vệ sinh không ạ? Nếu có thì để nhà xe bố trí còn không thì chúng ta chạy thẳng?

Vài người giụi mắt trả lời: “Có! Cho dừng chân đi vệ sinh một lúc bác tài ơi”.

- Vâng, vậy đợi lát nữa đến nhà hàng ăn uống phía trước mời các bác xuống xe. Cũng đi được nửa đường rồi nhà xe xin phép được thu tiền vé ạ.

Mọi người lục đục tìm tiền để trả cho phụ xe. Ông Thuộc cũng bị đánh thức dậy, lúi húi mở chiếc ba lô lấy tiền. Nhưng bất giác ông chột dạ, tay dừng lại vài giây rồi vội vàng bới tìm. Không thấy! Rõ ràng là cọc tiền ông đã để xuống đáy ba lô mà giờ không thấy đâu cả. Ông lấy từng bộ quần áo lao động giũ mạnh vẫn không thấy gì ngoài lọ dầu gió rơi ra.

- Có chuyện gì thế bác? - cậu thanh niên ngồi bên cạnh quay qua hỏi.

- Tiền! Toàn bộ tiền công làm lụng mấy tháng của tôi không thấy đâu hết. Hơn hai mươi triệu. Tiền của tôi…

Giọng ông run run. Tiếng của ông nghe như đang sắp khóc. Đó là toàn bộ số tiền ông mang về cho người vợ tần tảo ở nhà. Nói là tiền tiêu tết nhưng thật ra nó dùng trả một vài món nợ mà bà nhà đã vay mượn lúc túng bí để xoay xở tiền học hành, thuốc thang cho cháu. Ông đi phụ hồ đâu phải tháng nào cũng nhận lương tháng ấy. Chủ thầu thường nợ vài tháng một. Hôm qua lúc thanh toán tiền thợ cho anh em, chủ thầu còn đưa ông thêm một triệu nói quà cho thằng nhỏ ở nhà. Ấy vậy mà giờ ông không thấy đâu. Hay là ông đang mơ? Không! Mọi người đang xúm lại lục tung đống đồ đạc để tìm giúp ông. Họ bùi ngùi khi thấy hành trang về quê ăn tết của ông không có gì ngoài mấy bộ quần áo lao động sờn vai, thủng lỗ chỗ, bám đầy vôi vữa. Cậu thanh niên đưa ba lô lên cao, thấy ánh sáng luồn qua một vết cắt sắc lẹm bên hông, sát ngay đáy ba lô.

- Bác bị rạch túi rồi. Vết rạch này nhìn có vẻ chuyên nghiệp đấy.

- Bác thử nhớ kỹ lại xem lần cuối nhìn thấy tiền là ở đâu?

- Thì ở phòng trọ. Tôi cất vào đó, chỉ bỏ ra mấy chục tiền lẻ đi xe bus chứ đâu dám lấy ra lấy vào.

- Thôi đã mất là mất. Nhớ lại thì giờ cũng làm sao tìm thấy. Có thể bác bị rạch ở bến xe rồi. Lợi dụng lúc đông đúc, chen lấn nó móc mất rồi.

- Lũ mất dạy. Ăn cắp đồng tiền mồ hôi nước mắt của một người già.

Ông không còn nghe thấy những lời bàn tán, chửi rủa bên cạnh nữa. Trong đầu ông chỉ hiện ra hình ảnh người vợ gầy gò và đứa cháu nhỏ tội nghiệp đang trông ngóng mình về. Con trai ông đi xuất khẩu lao động bỏ mạng ở xứ người. Con dâu để con lại cho hai ông bà để đi bước nữa. Hoàn cảnh khó khăn nên ngoài sáu mươi tuổi ông vẫn phải đi làm ăn xa, gò lưng xách từng xô vữa. Hôm qua bà nhà gọi nói chờ ông về mới đi sắm tết. Tết cũng chẳng sắm sửa gì nhiều ngoài ít thức ăn, bánh kẹo, vài bộ quần áo mới cho cháu được vui. Lợn thì ăn đụng hàng xóm nửa đùi. Bánh chưng gói vài cân gạo thôi, để lâu sợ cứng. Giờ mà về không có đồng nào ông biết phải ăn nói làm sao với vợ. Lúc này xe đã dừng lại bên quán dọc đường. Bác tài nói mọi người tranh thủ đi vệ sinh hay mua bán, ăn uống gì đó nhanh nhanh, mười lăm phút nữa xe sẽ chạy. Ông Thuộc ngồi lại trên xe, ngẩn ngơ chẳng thiết tha gì. Cậu thanh niên hỏi:

- Bác có xuống đi vệ sinh không?

Ông khẽ lắc đầu, đổ người ra phía sau thành ghế. Ông nghĩ lại mọi chuyện, hay là không mất ở bến xe mà mất trên xe. Nhưng trên xe thì ai ở chỗ người đó, nếu muốn làm gì thì chỉ có cậu thanh niên ngồi gần bên cạnh. Không! Ông không thể đổ oan cho con của một liệt sĩ thời bình. Bố cậu ấy đã ngã xuống vì bình yên đất nước. Nhưng nếu câu chuyện về người bố chỉ là cậu ta bịa ra nhằm lấy lòng tin của ông thì sao? Nhưng ánh mắt cậu ấy khi nói về bố của mình không thể nào gian dối. Ông không thể vì mất của mà nghi hoặc tất cả mọi người. Ông gục đầu vào đôi bàn tay chai sạn nồng mùi vôi vữa của mình mà bật khóc. Lúc này hành khách đều đã đi vệ sinh xong, tập trung ở quán nghỉ chân. Mọi người đang bàn bạc về việc mất cắp của ông Thuộc. Cậu thanh niên lên tiếng:

- Nãy ngồi cạnh, cháu nghe bác ấy kể hoàn cảnh cũng đáng thương lắm. Con trai mất sớm, con dâu đi bước nữa bỏ lại cho hai ông bà đứa cháu nội vẫn còn bé bỏng.

- Ờ cũng phải khó khăn thì tuổi ấy mới phải đi làm thuê làm mướn xa nhà. Chứ nếu không đã ở nhà vui vầy con cháu.

- Giờ mất hết biết lấy gì trang trải, tết đến chân rồi. Hay là chúng ta ai có nhiều góp nhiều có ít góp ít gọi là chút tấm lòng giúp đỡ bác ấy lúc khó khăn. Hoặc coi như gửi cho đứa cháu nội của bác ấy ít quà. Các bác thấy được không ạ?

- Nhất trí.

- Nhất trí.

Gần ba chục hành khách trên chuyến xe đã đứng quây quần lại. Người rút ví lấy ra vài trăm. Người chẳng đắn đo gì, đếm mấy tờ polime xanh lét. Người lôi từ cạp quần ra chiếc túi vải, chọn một tờ tiền chẵn đưa cho cậu thanh niên. Người kịp vuốt phẳng phiu xấp tiền lẻ năm ngàn vẫn còn phảng phất mùi tanh của cá. Bác tài dập vội điếu thuốc, thò vào túi áo ngực lấy tiền góp chung với mọi người. Cậu thanh niên ngồi xếp lại những đồng tiền vừa nhận, đếm đi đếm lại. “Chín triệu cả thảy. Cháu sẽ bỏ thêm cho tròn mười triệu”. Tất cả mọi người vui vẻ vỗ tay, cậu phụ xe bảo:

- Lên xe thôi các bác ơi để về với vợ con cho sớm. Em đi theo xe miết, riết rồi vợ nó sắp đuổi khỏi nhà.

- Thì đi kiếm tiền chứ có đi chơi đâu mà sợ.

- Nói thế chứ tết cũng nên tranh thủ có mặt ở nhà dọn dẹp đỡ đần vợ con. Củi nấu bánh chưng còn chờ em về bổ kia kìa.

Lúc mọi người bước lên xe, ông Thuộc vẫn thẫn thờ ôm chiếc ba lô rách, mắt nhìn đăm đăm ra ngoài cửa kính xe. Cậu thanh niên ngồi vào chỗ của mình quay sang nhìn mái tóc hoa râm của người bạn đường. Nếu bố cậu còn sống giờ chắc cũng tầm tuổi ông, ý nghĩ ấy khiến cậu chạnh lòng. Lúc nhận từ tay cậu thanh niên số tiền của cả xe góp lại ông Thuộc thêm một lần bật khóc. Những lời cảm ơn vụng về nói mãi chẳng thành câu. Sau phút giây xúc động cả xe bỗng ồn ào, vui vẻ hẳn lên. Ai đó dúi cho ông Thuộc túi bánh kẹo làm quà. Ai đó lục túi quà mua cho con, chia bớt ít đồ chơi gửi ông Thuộc mang về cho cháu nội. Ai đó vừa mua thêm lên xe mấy bắp ngô nóng hổi giục ông Thuộc ăn đi, đường xa chắc đói. Ai đó hỏi ông xuống đoạn nào? À hóa ra ông ở xóm chùa, tôi có đứa con gái đi lấy chồng ở đó. Đợt này nước lên không biết bãi ven sông còn trồng trọt được gì không ông? Bao câu chuyện cứ thế nối dài, xe trôi qua cây cầu bắc qua sông, mùa xuân hiện ra trên làng hoa thắm những đào, những cúc.

Đường về nhà mỗi lúc một gần hơn, tưởng như có thể nghe thấy tiếng cơm sôi bếp củi. Nghe nói đồng gần nhà tát cá, thể nào hôm nay ông cũng được đãi món cá kho tiêu. Số tiền mồ hôi công sức của ông không may đã mất đi. Nhưng ông lại cầm về cho bà những đồng tiền tình nghĩa. Cầm thật chặt xấp tiền trên tay ông đưa mắt ngắm kỹ lại từng khuôn mặt xung quanh. Như một lần nữa muốn lưu lại tất cả những ân tình mà người dưng đã dành tặng cho mình. Cậu thanh niên đã ngủ tự lúc nào. Dưới gầm ghế xe bó hoa mận rừng vẫn âm thầm ủ nụ trong lớp vỏ xù xì rêu mốc…

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]