(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuốn sách “Công dân toàn cầu, công dân vũ trụ” có trích dẫn: “Bạn là một bàn tay quý trong việc dàn dựng thế giới của chính bạn, cũng như cho sự hòa điệu muôn màu của vũ trụ”. Nói vậy nghĩa là một công dân toàn cầu, công dân vũ trụ đồng nghĩa mỗi người đều có khả năng hoàn thành nhiệm vụ này với một điều kiện: ý thức rất cao về sứ mệnh này, và nỗ lực không ngừng cho mục tiêu lớn lao này. Vì lẽ đó, cuốn sách làm thức dậy những khát khao tốt đẹp về một thế giới ngày càng gắn kết hơn, hoàn mỹ hơn.

“Công dân toàn cầu, công dân vũ trụ” - thức dậy những khát khao

Cuốn sách “Công dân toàn cầu, công dân vũ trụ” có trích dẫn: “Bạn là một bàn tay quý trong việc dàn dựng thế giới của chính bạn, cũng như cho sự hòa điệu muôn màu của vũ trụ”. Nói vậy nghĩa là một công dân toàn cầu, công dân vũ trụ đồng nghĩa mỗi người đều có khả năng hoàn thành nhiệm vụ này với một điều kiện: ý thức rất cao về sứ mệnh này, và nỗ lực không ngừng cho mục tiêu lớn lao này. Vì lẽ đó, cuốn sách làm thức dậy những khát khao tốt đẹp về một thế giới ngày càng gắn kết hơn, hoàn mỹ hơn.

“Công dân toàn cầu, công dân vũ trụ” - thức dậy những khát khao

Tôi biết đến tác giả Phan Văn Trường - giáo sư, cố vấn của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế qua một loạt cuốn sách của ông như: “Một đời thương thuyết”, “Một đời quản trị” và “Một đời tìm đường”. Ngoài ấn tượng về tác giả là người rất thành công trong sự nghiệp của mình, còn là một tâm hồn luôn khát khao, cháy bỏng, hướng về quê hương, đồng bào. Những câu chuyện mà tác giả chia sẻ không chỉ là trải nghiệm, mà ông đã trải qua trên mọi cung đường mà ông đã từng đi, mọi công việc ông đã từng làm, những con người ông từng gặp gỡ, làm việc, mà hơn hết là một tấm lòng muốn thế hệ trẻ thấu hiểu, đồng cảm trên hành trình trở thành một công dân toàn cầu.

Cuốn sách mang một chủ đề riêng: nói về những công dân toàn cầu (global citizen), xa hơn là công dân vũ trụ. Đúng như thông điệp của tác giả, đó là muốn tặng cho bạn đọc một định nghĩa công dân toàn cầu của riêng tác giả, với mong muốn tư duy về công dân toàn cầu dần thấm vào da, đi vào máu từ trải nghiệm hơn 40 năm năng động với cuộc sống toàn cầu của chính tác giả.

Mang trong mình vẻ đẹp chất thơ và thiền định, những dòng tự sự của tác giả Phan Văn Trường đã nói rằng: Bạn có nghe lời thì thầm từ vũ trụ? Nếu lắng nghe và thấm sâu, bạn sẽ hiểu rằng vũ trụ này thật đẹp và tinh khôi. Hãy giữ vẻ đẹp nguyên sơ ấy bằng tấm lòng biết ơn, trân trọng, thấu hiểu, để người với người làm cho thế giới “đẹp hơn, tốt lành, nhân ái và đạo đức hơn cho các thế hệ con cháu”.

Những điều tác giả Phan Văn Trường chia sẻ thật đẹp đẽ, nhân văn, vậy thực hiện một công dân toàn cầu, một công dân vũ trụ có khó không? “Bạn không thể là một công dân toàn cầu nếu không sẵn sàng làm công dân của vũ trụ”. Điều kiện cũng không hề đơn giản. Nhưng cái quan trọng, điều làm nên sự yêu thích của bản thân tôi với cuốn sách đó là tấm lòng của tác giả với cộng đồng người Việt: “Người Việt chúng ta biết yêu, biết nhận tình yêu, biết trao trọn tình yêu, nên sẽ tạo ra một mẫu công dân toàn cầu, phiên bản Việt Nam, vô cùng tươi đẹp, nhân ái và từ bi”.

Trong vô vàn hình mẫu, gương mặt công dân toàn cầu mà tác giả phác họa, tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện về anh Andrew tác giả Phan Văn Trường đã từng gặp. Andrew là một người toàn năng, nhã nhặn về phong thái, lịch sự trong ứng xử, chuyên nghiệp trong công việc và kín đáo, thâm trầm trong đời tư. Khi tác giả tò mò về cách hành xử của Andrew, anh chỉ nói ngắn gọn: “Mình chỉ thể hiện khi cần”. Độc đáo hơn là Andrew có khả năng lý trí hóa mọi phản ứng cảm tính mà hiện đại bây giờ gọi là trí tuệ cảm xúc EQ. Nghĩa là trong một cuộc họp nếu còn nhiều ý kiến bất đồng, có ý kiến thể hiện hơi thái quá, đập bàn, đỏ mặt, lời to thì sao? Andrew sẽ điềm đạm, chắc chắn hòa giải, kết nối mọi người trong mục tiêu chung trong sự nhẹ nhàng “đè sóng lớn”. Và khi được hỏi, mọi nỗ lực phi thường của anh Andrew đến từ đâu và để làm gì, anh ấy chỉ nhẹ nhàng nói: “Để làm cho thế giới này mỗi ngày đẹp hơn”.

Ở phần gần cuối của cuốn sách, tác giả đã đúc rút ra những điều tối kỵ với công dân toàn cầu. Đó là kỳ thị, thái độ xem thường luật chơi, phớt lờ chuẩn văn hóa, những chữ “vô” mang nghĩa tiêu cực, xâm phạm người khác, không tôn trọng mọi cam kết, gán những giá trị không phù hợp cho đồng tiền, rụt rè, phụ thuộc vào hành xử cảm tính, xem nhẹ việc truyền thông, mê tín dị đoan, thiếu tự tôn, thừa tự ti.

Công dân toàn cầu nghe bằng trái tim, nói bằng tấm lòng, lý luận bằng lương tri và phát biểu bằng trí tuệ. Địa cầu sẽ bảo vệ công dân toàn cầu, nhưng địa cầu cũng rất cần sự bảo vệ từ họ. Phải chăng đó là lời thì thầm từ vũ trụ? Hãy luôn nhớ đến sức mạnh của sự đơn giản và tính hồn nhiên. Đó cũng chính là lời thì thầm duyên dáng mà tác giả Phan Văn Trường gửi đến tất cả chúng ta.

Bởi ngẫm đến cùng, nếu bạn muốn ai đó cùng đóng tàu vươn khơi, đừng bảo họ lấy gỗ, đừng xua họ đi làm, mà cốt nhất là hãy thức dậy khao khát về sự bao la vô tận của biển khơi. Thức dậy những khao khát về vẻ đẹp hoàn nguyên, tinh khôi của vũ trụ, của toàn cầu cũng chính là ánh sáng trí tuệ của cuốn sách này.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]