(vhds.baothanhhoa.vn) - “Trái tim đàn bà” luôn có những nhịp đập riêng, dễ thổn thức, lung lay và chệch nhịp. Từng trang sách của Nguyễn Quỳnh Hương là những rung động, nhỏ thôi, nhưng chạm được vào trái tim mỗi người.

Li ti những rung động “Trái tim đàn bà”

“Trái tim đàn bà” luôn có những nhịp đập riêng, dễ thổn thức, lung lay và chệch nhịp. Từng trang sách của Nguyễn Quỳnh Hương là những rung động, nhỏ thôi, nhưng chạm được vào trái tim mỗi người.

Li ti những rung động “Trái tim đàn bà”

Cuốn sách chia 2 phần: “Quyền được viển vông” là cố gắng để được thấy lại thế giới người lớn qua mắt nhìn của một đứa trẻ, được quay về cái trong trẻo, điên rồ và thơ ngây thuần khiết của “đứa trẻ không lớn lên” trong mỗi chúng ta; “Chìa tay ra với mình” là khi người đàn bà tự nhìn vào chính mình, hay quan sát thế giới xung quanh - bằng những trải nghiệm có cả buồn vui, lo âu, mất mát... Nhưng cuối cùng, qua trái tim đàn bà thì không chỉ có sự biết ơn vì được sống mà còn nâng niu đời sống để mỗi ngày thấy được yêu và thương hơn.

Trái tim đàn bà, hơn hết đó chính là trái tim người mẹ với những đứa con, là những yêu thương nối dài. Từ hình ảnh người mẹ già nua hát ru cho người con bị chấn thương sọ não trong bệnh viện tưởng như vô vọng để sống lại, ấy thế mà cuối cùng đã tỉnh dậy. Chị đã rút ra một điều rằng: “Chính những lời hát ru được rút thẳng từ trái tim người mẹ, mới là thuốc cứu tử” (tr.2); “Rồi biết đâu, một lúc khốn khó nào đó, con bạn sẽ được nương tựa ầu ơ mà đứng dậy” (tr.6). Nếu như chị từng trách: “Sao mẹ không sống cho mình nhiều hơn! Con biết làm sao đây khi tình yêu hay lòng biết ơn của chúng con đều không thể đem trả cho người mẹ thời gian xuân trẻ” (tr.10), thì chính những trái tim đàn bà “như thể hai nút buộc, giống nhau trên một sợi dây, chị vô thức cặm cụi bước chân vào con đường mẹ đã đi. Chỉ cần nghe cái giọng ngọng nghịu của đứa con gái: Con yêu mẹ bằng kiến... con đếm mãi đếm mãi vẫn chưa hết kiến, đếm mãi vẫn còn yêu mẹ” (tr.14). Người mẹ lúc nào cũng là liều “thuốc an thần” với mỗi đứa con: “Mẹ biết không, lúc nãy trái tim con khóc đấy. Trái tim con bị đau vì mẹ không yêu con nữa. Nhưng bây giờ trái tim con cười vui rồi, mẹ nghe này”...

Những cảm xúc đong đầy ấy được chị lưu giữ cẩn thận, rất thiêng liêng mà cũng vô cùng tự nhiên trong: Yêu thương nối dài, Đi đường thật chậm, Dấu vết mẹ yêu... Sợi dây kết nối yêu thương chính là những lời nói ngọt ngào, những chăm nom chi chút hay những âm thầm dõi bước… thứ tình cảm làm cho một đứa trẻ phải thốt lên: “Mẹ có biết, trái tim con khóc đấy, trái tim con bị đau vì mẹ không yêu con nữa”.

Để được cảm thấy hạnh phúc... thì con người ta phải được quyền viển vông. Đó chính là gia tài mà mỗi người phải gìn giữ. Với đứa trẻ, sự viển vông đôi khi chỉ là trí tưởng tượng phong phú. “Đương nhiên rồi sẽ đến lúc đứa trẻ phải rời khỏi vùng đất thần tiên, nhưng hoang đường - tưởng tượng - kinh ngạc - viển vông là Quyền và Gia tài của một Em Nhỏ. Đừng tước của bé những mơ mộng viển vông, vì những điều kỳ diệu từ thơ ấu sẽ luôn ở lại. Và dù có phải sống trong thế giới nghèo nàn và buồn chán này, những màu nhiệm sẽ mãi còn trong trái tim, giữ cho chúng ta ánh mắt háo hức và tin cậy khi nhìn cuộc đời” (tr.40).

Sự viển vông ấy đi theo suốt cuộc đời ta, chính những lúc buồn nhất, nghĩ hay làm một điều gì đó viển vông, vu vơ, nhỏ nhắn sẽ giúp ta buông bỏ muộn phiền. Những trang văn của Nguyễn Quỳnh Hương nhẹ nhàng như đứa trẻ nghĩ về những câu chuyện cổ tích năm nảo năm nào.

Chính tính nữ đã tạo nên sự hấp dẫn của đàn bà. Và chính ngôi bếp là nơi đàn bà yêu thích nhất, là phép thư giãn kỳ lạ. “Bếp là trái tim của ngôi nhà. Khi chủ nhân giận nhau - bếp hoang lạnh không thắp lửa, khi chủ nhân ơ hờ nhạt nhẽo - những món ăn cũng rời rạc qua quýt. Bởi, không nơi nào “sắc diện tinh thần của đàn bà” thể hiện rõ như nơi này. Và nếu không có bếp, thì rất có thể chúng ta sẽ không yêu thương ai đó, không đủ rộng lượng để chịu đựng được ai đó, cho đến hết cuộc đời này”... (tr.88). Ngay cả tình cảm vợ chồng, cũng là sự nhen nhóm quanh cái bếp: “Hôn nhân rút cục là cái bếp lửa, nó chỉ cháy được khi củi đều tay từ nhiều phía, chỉ một người cố gắng, trước sau bếp lửa ấy cũng sẽ lạnh và thoi thóp”.

Để có được những điều ấy là nhờ những rung động li ti, hay đúng hơn là sự lưu giữ mùi của ký ức. Chả thế mà câu hỏi của đứa con nhỏ khi đang ngồi bô “Mẹ có yêu mùi thối của con không?”; “Mùi thối của con, mẹ ạ! Nó trong bụng con, chứ không phải ở bụng khác!” (tr.13); Là lá thư ngắn ngủi của người chồng viết trong một chuyến công tác: “Anh nhớ mùi nước dãi của em nhểu trên vai áo anh mỗi sáng thức dậy” (tr.170). Cũng có thể là mùi trầu cốt của bà quyện nồng trong áo bông gạo, mùi khét thuốc lào và mồ hôi trong áo trấn thủ của bố, mùi dịu dàng ám khói bếp của quần áo mẹ, mùi hoi ngậy của chó mèo con trong quần áo lem nhựa cây của lũ trẻ. Mùi của sự thương nhớ và mùi đan dệt lên nhau như những trầm tích. “Sống từng ngày, tôi lưu mùi như lưu cội rễ, như lưu ký ức những ngày đã mất không thể trở lại cùng tôi” (tr.176).

Chẳng có gì đao to búa lớn đâu nhưng cuốn sách cho bạn đọc thấy được những điều nhỏ nhoi mà vì bận rộn, vì sự toan tính của người lớn bạn đã vô tình, hờ hững bỏ qua. Bởi: "Em nhớ nhé, bình đẳng giới về chức phận không bao giờ diễn ra trong gia đình”; “Là đàn bà đừng có làm siêu nhân, cứ ích kỷ một chút, phù phiếm một chút, biết thương mình thật nhiều - thì mới an yên sung sướng” (tr.110). Trong “Trái tim đàn bà” không và chưa từng có sự oán hận. “Được là đàn bà thật là điều may mắn. Không có người đàn bà thất bại hay nghèo khó trước số phận, khi họ được hoài thai và sinh ra những đứa trẻ. Bởi họ sẽ được sống trong niềm tin vĩnh cửu là mình đã yêu và được yêu trọn vẹn nhất, mình là cả bầu trời của một trái tim trong veo”...

Đàn bà chính là que diêm, cũng chính là người thắp nên ngọn lửa hạnh phúc trong gia đình: “Tôi chỉ có những que diêm nhỏ, xin bạn hãy cùng tôi nhóm lên những quầng lửa ấm. Như điều an ủi, như một bàn tay nắm, như lòng biết ơn, như chút hơi ấm - mà chúng ta có thể đền đáp cho đời sống quá đỗi cảm động và kỳ diệu này…”. Suy cho cùng người đàn bà chỉ hạnh phúc “khi tìm được cảm giác về sự ấm áp và hài lòng. Hình như, những gì vừa vặn với mình, thì điều ấy sẽ là Hạnh phúc!”.

Có thể ai đó nghĩ rằng, ở đời mấy đàn bà được hạnh phúc như vậy. Nhưng quả thật, với cái nhìn “rộng rãi”, sự nồng ấm của trái tim đàn bà, sự yêu thương ngập tràn thì chính cái vị nhàn nhạt cũng là hạnh phúc. Đọc “Trái tim đàn bà” của Nguyễn Quỳnh Hương như đọc một bài thơ, nhiều xúc cảm, nhiều tâm sự, nhưng rốt cùng vẫn là những nhịp đập tinh tế, nhẹ nhàng “như giấu một cục đường trong túi áo, lúc nào hạ huyết áp có thể lôi ra ngậm, để thấy mình được tươi tỉnh trở lại”.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]