(vhds.baothanhhoa.vn) - “Đi dân nhớ, ở dân thương” – câu nói ấy đã nằm lòng trong tâm trí của những người Bộ đội cụ Hồ. Đó là nguồn sức mạnh kết nên thành trì kiên cố, vững chãi trên dọc dài biên giới quê Thanh.

Nghĩ về tình quân – dân

“Đi dân nhớ, ở dân thương” – câu nói ấy đã nằm lòng trong tâm trí của những người Bộ đội cụ Hồ. Đó là nguồn sức mạnh kết nên thành trì kiên cố, vững chãi trên dọc dài biên giới quê Thanh.

Tôi sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của một người lính. Khi tôi cất tiếng khóc chào đời, bố tất tưởi vượt hàng trăm cây số từ vùng biên giới giáp Lào về động viên, đỡ đần mẹ ít hôm rồi lại chuẩn bị tư trang trở lại đơn vị.

Nghĩ về tình quân – dân

Bà con thôn, bản luôn dành tình cảm yêu mến, trân trọng đối với những người lính biên phòng.

Vì đặc thù công việc, bố thường xuyên vắng nhà, ngay cả những dịp lễ, tết. Ngày ấy, cuộc sống vất vả, bố mẹ thu vén mãi mới quyết tâm mua chiếc xe máy cho bố đi lại đỡ vất vả. Đơn vị đóng quân ngược non ngàn, đường xá xa xôi, đi lại khó khăn vô cùng… Nhưng dẫu trời đông lạnh tê cóng hay những khi mưa gió, tôi chưa bao giờ thấy bố chậm trễ ngày trở lại đơn vị. Bố bảo: “Quân lệnh như sơn”, phải biết rèn luyện tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm. Nếu trong tình thế khẩn cấp, chỉ cần con rời khỏi vị trí thì có thể, người trả giá cho hành động tùy tiện ấy lại chính là đồng đội của mình hoặc bà con quanh mình.

Tuổi nhỏ vụng dại, chỉ biết thương bố mà trách: “Thế bố không nghĩ cho mình à?”. Những khi ấy, bố thường ôn tồn xoa đầu: “Cuộc sống mà, con không được quên mình nhưng cũng phải biết nghĩ cho người khác. Nhất là không nên để vì mình mà làm ảnh hưởng đến người khác”. Mấy chục năm gắn bó, cống hiến, quan điểm, tấm lòng của bố đối với nghề nghiệp, với mọi người đều chân thành như vậy.

Tôi chẳng thể hình dung được mình bắt đầu yêu thích, mến mộ màu xanh áo lính từ bao giờ. Chỉ biết rằng, ngày nhỏ thích nhìn bố diện quân phục, hay tỉ mẩn vuốt ve những ngôi sao 5 cánh nhỏ xinh trên cầu vai áo.

Bên cạnh những lời hát ru ngọt ngào, những câu chuyện cổ tích mẹ thường kể đêm đêm, tuổi thơ tôi lớn lên bên những câu chuyện của bố về đơn vị, về tình đồng chí, đồng đội, đại ngàn bao la và tình cảm của bà con dân bản dành cho bộ đội nơi đơn vị bố đóng quân.

Nghĩ về tình quân – dân

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bát Mọt (Thường Xuân) cùng những người có uy tín trong cộng đồng đi tuần tra, chăm sóc cột mốc trên địa bàn quản lý.

Bố kể: Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, các em nhỏ để bụng đói leo núi, leo đồi, vượt suối để đến các điểm trường chỉ bằng đôi chân trần lạnh cóng hoặc đôi dép rách vá chằng vá chịt... Vững vàng tay súng, khỏe bước quân hành, bộ đội giúp bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội khu vực vùng biên. Bộ đội giúp bà con dân bản ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất… Bộ đội cũng là người gieo chữ vùng cao; tuyên truyền, phổ biến pháp luật để bà con có kiến thức, kinh nghiệm, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước... Cùng với các lực lượng khác, bộ đội là người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn…

Đáp lại, đất và người vùng biên luôn xem bộ đội là người thân thiết, luôn dành cho người lính Cụ Hồ tình yêu mến, trân trọng. Trên những nẻo đường hành quân, những ngày bám rừng, bám địa bàn, người lính luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, chân thành của bà con dân bản.

“Đi dân nhớ, ở dân thương” – câu nói ấy đã nằm lòng trong tâm trí của những Bộ đội cụ Hồ. Đó là nguồn sức mạnh kết nên thành trì kiên cố, vững chãi trên dọc dài biên giới quê Thanh.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]