(vhds.baothanhhoa.vn) - Chuyện Lê Quang Sinh về Thanh Hóa có lẽ nhiều người đoán già đoán non, vì thấy anh có mặt ở đây nhiều hơn so với trước, thậm chí tuần nào cũng gặp. Đã thế, anh lại còn hay chuyện, chỗ nào vui vẻ cũng sà vào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà thơ Lê Quang Sinh trở về xứ Thanh

Chuyện Lê Quang Sinh về Thanh Hóa có lẽ nhiều người đoán già đoán non, vì thấy anh có mặt ở đây nhiều hơn so với trước, thậm chí tuần nào cũng gặp. Đã thế, anh lại còn hay chuyện, chỗ nào vui vẻ cũng sà vào.

Nhà thơ Lê Quang Sinh trở về xứ Thanh

Lê Quang Sinh rạng rỡ hơn khi về với xứ Thanh.

Đọc thơ Lê Quang Sinh, không phải chỉ 3 tập thơ gần đây, mà cả đời thơ của anh, tính đến thời điểm này, những bài về quê hương là hay nhất. Chính Lê Quang Sinh cũng có lần chia sẻ: “Tôi vốn là người không thích sự ồn ã. Cả đời, bôn ba Nam Bắc, mỗi lần về quê, dù đi xa lâu ngày, vẫn nhận thấy sự chân tình đáng yêu. Hơn hết, về gần với nơi ngưng đọng của ký ức, mình dễ xúc cảm hơn, thơ cũng nên thơ hơn”.

Lê Quang Sinh chia sẻ chuyện anh có ý định về Thanh Hóa vào trước Đại hội lần thứ X Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra (tháng 11-2020). Nhưng lúc ấy bà xã lại chưa muốn về. Vì thế, thời điểm đó, cứ cuối tuần anh lại lên xe về Thanh Hóa, về nơi chốn có bạn bè, có tình thân mến thân. Sau này, hai đứa con anh lại rất ủng hộ việc bố về quê. Gần đây nhất anh đề cập lại và được sự đồng ý của bà xã.

Tôi bị thuyết phục bởi lý do anh đưa ra. “Thanh Hóa giờ khác hẳn. 5 năm trước, mỗi lần về Sầm Sơn tắm biển, vì bị nèo nhiều quá mà chụp ảnh. Đồng ý chụp một kiểu thì người ta “bắn như súng liên thanh”, tôi phải trả tiền cho 15 kiểu giông giống nhau”. Hơn hết, 5-6 năm trước anh mua một căn hộ ở chung cư Tecco. Quyết định đó cũng hơi liều, khi gia đình anh mỗi người một ngả, con trai định cư ở Mỹ, con gái và bà xã ở Sài Gòn đều muốn anh về hội tụ. Nhưng ý muốn về quê cứ xoay anh.

Sau 13 tập thơ đã xuất bản, giờ đây anh hướng về quê hương, cụ thể là bậc sinh thành, với lòng biết ơn sâu sắc. Phúc Tường là tên làng anh trước Cách mạng Tháng Tám 1945 (nay là làng Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc). Một làng mang hai tên gọi, cả hai tên đều mang dấu ấn lịch sử, mang một niềm tự hào, một sự nhắc nhở cho các thế hệ sinh ra ở đó. Nếu Phúc Tường răn dạy con cháu phải sống có phúc và tâm sáng, thì Nghĩa Kỳ để nhắc nhớ con cháu đây là vùng khởi nghĩa. Vì thế, việc đặt tên làng cho một tập thơ chính là lời tri ân của một kẻ xa quê luôn đau đáu hướng về. Ký ức về tuổi thơ sâu đậm nhất là những khốn khó, vất vả:

“Thuở nhỏ,

cha theo ông lên Phúc Tường làm thợ

gặp mẹ - chân quê!

Ngày cưới, đồng làng mùa lũ

cá rô rạch bờ lên đê...

...

Mái gianh úp xuống những đời lam lũ

hạt lúa không kịp chín để thành mùa

cái chảo gang rang một đồng ngập nước

củ chuối ngào cùng con ốc, con cua…”

(Nghĩa Kỳ)

Ký ức đó khiến con người ta dễ hụt hẫng khi có sự đổi thay:

"Con trở về nhà nếp cũ cứ vơi đi

Chim làm tổ dưới ống luồng sau chái

Đồng lộng bóng nứt khô cây cỏ cháy

Sông trước nhà đánh vật để là sông.

Tôi đứng bên câu hò, người hàng xóm lâu rồi không hò nữa

Bếp chẳng chiều chiều khói trắng vòng vo…"

(Cánh đồng lồng lộng)

Sau đó không lâu, Lồng lộng xứ Thanh tập hợp những bài thơ suốt gần 40 năm cầm bút liên quan đến miền đất yêu dấu của anh, là tấm lòng, là lời tri ân của một đứa con lúc nào cũng khắc khoải vì quê hương... đến tay bạn đọc. Rõ ràng “Nắng đủ ngọt để heo may làm mật” thơ Lê Quang Sinh đủ vị đằm để ai đọc cũng thấy tha thiết.

Hầu như bài thơ nào của Lê Quang Sinh ta cũng có thể chọn được tứ thơ hay, câu thơ hay. Viết về Như Thanh: “Ai qua Hạ Bồng về thăm chúa Thượng/ ai xuôi núi Nưa, ai về hang Ngọc…/ Mía quắt ngọn gắng hết mình để ngọt/ Ta yêu rừng day dứt bởi rừng đau” (Giã bạn); Hay Lũng Cao: “Ăn món chộp gặp mùa hoa chuối trổ/ bát canh uôi chờ đợi tiếng kèn môi/ rượu cứ thấm và suối rừng cứ vỡ/ người chung chiêng thổ cẩm ngả nghiêng đồi” (Trưa Lũng Cao); Là những xốn xang khi gặp người cũ: “Tháng Chạp rồi em nhỉ/ Xoan tím đã xa vời/ Em nắm tay anh qua cầu Báo Văn/ Mây trắng giăng trước mặt/ Sông Hoạt buổi chiều mềm như khóe mắt/ Buồn vui người đang yêu…” (Em như con chim vui về vườn ổi chín).

Nhà thơ Lê Quang Sinh trở về xứ ThanhMột số tập thơ của Lê Quang Sinh.

Cuộc trở về chính thức của anh với tư cách là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa bắt đầu từ chuyến thực tế Hội nghị 6 tỉnh miền Trung. Chuyến đi 2 ngày ấy, Lê Quang Sinh sáng tác 4 bài thơ: Bản Mạ, Thường Xuân, Đi thuyền trên Cửa Đạt và Trưa sông Chu. Những câu thơ âm vang: “Rừng lim xanh bện thớ để tròn mình/ Rễ còn chạy tìm về nơi cá quẫy/ Dấu chân vua giữa rừng xanh ngày ấy/ Trưa Lường Giang ngút ngát đến bây giờ” (Trưa sông Chu); “Trời thì tròn mà đất thì méo/ Ta úp vào câu hát để thương nhau!/ Trốn qua hang tình/ Gặp mây trắng lượn/ Sông Chu ngàn năm không chịu bạc đầu” (Đi thuyền trên Cửa Đạt); “Đi tận đường cùng bản/ Tiếng chiêng vẫn ngân trời/ Thường Xuân như nốt lặng/ Gieo một mùa trăng vơi” (Thường Xuân); “Để có được bản Mạ/ Sông Chu xanh hết mình/ Để có chiều thấp thỏm/ Nắng cả mùa lung linh” (Bản Mạ). Không riêng gì Lê Quang Sinh mà với tất cả các nhà thơ, tần xuất những bài thơ viết về quê hương nhiều hơn bất cứ đề tài nào. Đọc thơ Lê Quang Sinh tôi ấn tượng với cách sử dụng thổ ngữ. Đọc biết ngay là dân quê choa. Tôi biết chắc đó không phải vô tình mà là sự cố tình, rất kỹ thuật. Thổ ngữ nếu dùng đúng thì hay, còn nếu bắt chước thì sẽ dễ... ngố. Trong bài thơ Xin làng trồng lại cây đa, câu thơ: “Tôi tìm về gốc đa xưa/ chỉ trơ trống gió chút trưa ngả chiều/ chả còn lích chích chim kêu/ tiếng đa rụng giữa vườn yêu... mại rồi”. Từ mại là thổ ngữ của Thanh Hóa. Những chữ như: mùn, rữa… không diễn tả được hết ý mà phải là mại. Đưa thổ ngữ vào thơ, chắc chắn không dễ. Đọc thơ Lê Quang Sinh những chữ như: nỏ, trổ lặp đi lặp lại… nghe rất sướng. “Gặp nắng òa/ bóng mẹ nỏ trên sân” (Xin làng trồng lại cây đa); “Em là con chim biển/ treo mình trên vách cao/ em là giọt nắng nỏ/ trên tay anh ngày nào” (Chim biển) hay: "Như dòng sông cần mẫn phù sa/ mùa ngô như trổ từ màu tóc mẹ“;”Sông Mã ơi, tạc giữa trời xanh/ em xuống tắm thế mà lau trổ trắng” (Xin làng trồng lại cây đa);… Thậm chí, những từ mi, tau tách riêng nghe có vẻ thô, thậm chí có người coi đó là sự chế giễu, nhưng nếu dùng đúng thì lại rất thân mật, gần gũi: “Những thằng như mi, tau/ Yêu rồi càng thêm khổ/ Những điều tưởng đáng nhớ/ Lại là điều khó quên” (Tiệc rượu).

Cuộc trở về xứ Thanh với anh là chuyện đến độ phải thế. Không dễ dàng gì để quay trở về, nhưng rốt cuộc là sau bao nhiêu năm bôn ba, sau tất cả những yêu ghét của lẽ đời, quê hương là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn và thơ anh. Anh chia sẻ: “Tôi tự hào là người Thanh Hóa bởi mảnh đất này rất đặc biệt là đầy đủ hết tất cả yếu tố tự nhiên từ đồng bằng, sông suối rừng biển. Và có cả một nền văn hóa đậm đặc và đặc biệt cá tính người Thanh Hóa không thích nói cho xuôi lòng nhau. Sống hết mình, làm hết mình, vì thế dễ thành công và cũng có thể dễ thất bại”. Đến giờ phút này, tôi tin Lê Quang Sinh chẳng toan tính chuyện thành bại nữa, vì cuộc trở về này là sự chờ đợi của anh rất lâu: “Gần bốn chục năm dòng kỷ niệm cô đặc lại/ Giọt mật nào cũng đau đáu quê hương”.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]