(vhds.baothanhhoa.vn) - Khẳng định, riêng đối với thôn, Nghị quyết 232 của HĐND tỉnh Thanh Hóa ra đời, đã có những quy định mới với hướng mở để bố trí hợp lý chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách với 6 chức danh không quá 3 người đảm nhiệm. Đồng thời, các mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn cũng đã được nâng lên. Đây là một nguồn động viên lớn đối với cán bộ không chuyên trách nhưng thực tế bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn nhìn từ Nghị quyết 232 (Bài cuối): Kỳ vọng và tâm nguyện...

Khẳng định, riêng đối với thôn, Nghị quyết 232 của HĐND tỉnh Thanh Hóa ra đời, đã có những quy định mới với hướng mở để bố trí hợp lý chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách với 6 chức danh không quá 3 người đảm nhiệm. Đồng thời, các mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn cũng đã được nâng lên. Đây là một nguồn động viên lớn đối với cán bộ không chuyên trách nhưng thực tế bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra...

Câu chuyện về nguồn kế cận

Già hóa đảng viên hay phát triển đảng viên mới, một câu chuyện không còn mới và là nỗi trăn trở của nhiều địa phương. Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đôi khi phải thấy ngậm ngùi với những trải lòng ở cơ sở.

Vẫn biết, theo tinh thần Nghị quyết 232 của HĐND tỉnh và Công văn số 1555 của Tỉnh ủy Thanh Hóa thì tùy vào điều kiện của từng địa phương để thực hiện hay không thực hiện nhất thể hóa (NTH) Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn. Tuy nhiên, ngay cả khi đã NTH hay tách Bí thư, Trưởng thôn thì vẫn còn đó nỗi lo mang tên: Nguồn kế cận.

Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) chỉ còn 7/15 thôn, khu phố NTH Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn. Lý do mà 8 thôn trước đó đã NTH chức danh nay lại tách ra đều liên quan đến việc những Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn đã cao tuổi, người ít tuổi nhất cũng đã 60, nhiều cũng đã trên 70 tuổi. Tuổi cao, trên vai lại giữ 2 vai trò nên nguyện vọng của Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn xin được tách để làm tròn nhiệm vụ hơn. Nhưng trong số 8 thôn này, thì có 2 thôn ban đầu không NTH được vì cán bộ đảng viên đã nhiều tuổi. Do đó, xã đành phải cử 2 cán bộ công chức xuống 2 thôn để làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn. Chia sẻ của ông Lê Khắc Công, Bí thư Đảng ủy thị trấn Yến Cát: "Vì không có người nên buộc xã phải cử cán bộ xuống để duy trì hoạt động của thôn, của chi bộ và thực hiện NTH chức danh. Chính vì vậy mà phải chấp nhận việc người ở thôn này lại đi làm Trưởng thôn ở thôn khác, so với Pháp lệnh 34 là sai. Được một thời gian thì đến đại hội chi bộ mới đây, chúng tôi phải tách ra, dù biết tìm nguồn kế cận vô cùng khó, vì rất hiếm đảng viên trẻ có năng lực, trình độ. Nhưng nếu cứ kéo dài việc cán bộ xã xuống làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn thì không đúng quy định".

Sau sáp nhập thôn đồng thời thực hiện chủ trương NTH Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, như đã đề cập đến ở những bài trước, do địa bàn rộng, dân cư đông, sức khỏe cán bộ thôn không đảm bảo và nhiều lý do khác nên tại Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022 gắn với Nghị quyết 232, nhiều đơn vị đã không còn thực hiện Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn. Nhưng cũng có đơn vị rất muốn tách nhưng chưa tách được vì phải chờ có... nguồn kế cận. Câu chuyện ở xã Thành Long (Thạch Thành) là ví dụ. Sau sáp nhập thôn, ở Thành Long có 5/5 thôn thực hiện NTH chức danh. Và mô hình này vẫn tiếp tục được duy trì ở Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022. Nhưng tưởng như việc tiếp tục này để khẳng định được thế mạnh ở Thành Long, tuy nhiên theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã này, bà Phạm Thị Băng thì lại cho thấy những hạn chế. Bà Băng cho biết: "Nếu đã tách được thì chúng tôi đã tách 3/5 thôn vì các thôn này dân cư đông, diện tích lớn, có thôn với 5 chòm dân cư mà có chòm cách nhau quả đồi, cánh đồng, rất khổ cho Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn mà trong đó người cao tuổi nhất cũng đã trên 70. Nếu cứ duy trì mô hình thì thời gian tới sẽ rất khó khăn. Cái khó là nếu tách chức danh thì chưa bố trí được nguồn, đặc biệt là Trưởng thôn. Hiện xã cũng đã bố trí được một số đảng viên và đang cho tiếp cận công việc để nhiệm kỳ tới bầu Trưởng thôn thì mới tách được".

Băn khoăn, trăn trở về nguồn kế cận trở thành nỗi lo của nhiều địa phương, đó dường như là một thực trạng khi ở dưới cấp thôn đang ngày càng vắng đi những người trẻ, có hướng phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng... Nhưng với câu chuyện ở xã Thiệu Vận (Thiệu Hóa) lại cho một cái nhìn tích cực hơn nhưng vẫn có gì đó mong manh.

Tại Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022, nguồn nhân sự đương nhiệm chức danh Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Thiệu Vận được đánh giá ổn định. Và để tạo nguồn trẻ, Đảng ủy xã Thiệu Vận đang định hướng trong chi ủy sẽ có một người trẻ tuổi hơn. Hiện tại có 5/6 chi bộ, trong chi ủy có đảng viên trẻ, sinh năm từ 1987 đến 1974. Kết thúc nhiệm kỳ này sẽ có sẵn sàng nguồn kế cận. Nhưng bà Nguyễn Thị Minh - Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Vận vẫn không giấu được sự lo lắng: "Nguồn kế cận, trẻ có, đảng viên có. Cũng đã chuẩn bị như thế nhưng phải làm công tác tư tưởng như thế nào để nhiệm kỳ sau các đồng chí sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Điều chúng tôi thấy lo là các đồng chí làm Chi ủy thì làm được nhưng làm Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn có thể sẽ không gánh vác được hoặc vì chế độ thấp. Bởi nếu làm chi ủy họ còn có thời gian làm việc khác để nâng cao thu nhập gia đình"...

Và xung quanh câu chuyện về nguồn kế cận thì câu chuyện về quyền lợi của cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản cũng là vấn đề rất được quan tâm và đó còn như một sự kỳ vọng, một tâm nguyện lớn...

Bí thư, trưởng thôn và câu chuyện về tấm thẻ BHYT, BHXH

Nghị quyết 232 đã nâng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn. Theo đó, người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm chức danh được hưởng 50% mức hưởng của chức danh kiêm nhiệm. Và như vậy, với một Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn hiện nay sẽ được hưởng mức trợ cấp gần 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thêm điều đáng nói ở đây là đối với cán bộ không chuyên trách ở thôn, nếu là đại biểu HĐND thì mới có thẻ BHYT và ngược lại.

Tại những đơn vị chúng tôi dừng chân để có những thông tin, số liệu phục vụ bài viết này, số cán bộ không chuyên trách ở thôn là đại biểu HĐND thì vẫn quá ít ỏi, có những xã mà 100% Bí thư, Trưởng thôn không phải là đại biểu HĐND. Thậm chí có người làm Bí thư, Trưởng thôn khi mái đầu còn xanh thì nay mái đầu đã 2 thứ tóc vẫn tiếp tục làm Bí thư, Trưởng thôn nhưng vẫn chưa được hỗ trợ tấm thẻ BHYT, BHXH. Tôi nhớ đến lời tâm sự của ông Lê Đức Giáp, sinh năm 1962, Trưởng thôn thôn 2, xã Xuân Thọ (Triệu Sơn): "Tôi làm Trưởng thôn từ năm 1989, sau đó làm Bí thư rồi tiếp tục Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn và giờ là Trưởng thôn. Từ khi tiền trợ cấp 30 nghìn rồi lên 70 nghìn đồng/ tháng... Hơn 30 năm qua, lúc nào cũng mong có được sự hỗ trợ để đóng BHYT, BHXH, để khi về nghỉ còn có chút quyền lợi, ý nghĩa"...

Trở lại câu chuyện ở xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, nơi đã NTH Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn từ cách đây 12 năm (đã đề cập đến ở Bài 1- PV). Theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Xuân: "Chúng tôi đặt vấn đề đào tạo nguồn cán bộ lâu rồi nhưng rất khó. Xã đã mời một số đồng chí trẻ đến để giao đi học thì có nhiều vấn đề nảy sinh. Một là cán bộ kế cận của các đoàn thể trên xã ngại đi học vì tâm lý của họ là đi học về có bố trí được không. Hơn nữa còn liên quan đến điều kiện kinh tế. Công tác quy hoạch cán bộ ở thôn thì chắc chắn chưa thôn nào đạt. Mặc dù chế độ bây giờ là tương đối nhưng cơ chế thì chưa đủ. Do đó, phải nâng cao chế độ và hỗ trợ đóng BHXH thì chắc chắn lúc đó sẽ đảm bảo hơn về chất lượng nguồn, công tác cán bộ thôn sẽ nhiều thuận lợi và hiệu quả cao hơn".

Từng 19 năm làm Bí thư Chi bộ, ông Nguyễn Như Hà - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn 4, xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa) vẫn mong có một tấm thẻ BHYT.

Trong số những đơn vị chúng tôi trở về, rất mừng là có phường Định Hải (thị xã Nghi Sơn), một trong những đơn vị hiếm hoi đã có 100% Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn là đại biểu HĐND. Càng mừng hơn, khi tại đây, trải qua 19 khóa, chưa có đồng chí Bí thư, Trưởng thôn nào trượt đại biểu HĐND. Ông Lê Đăng Thương - Bí thư Đảng ủy phường Định Hải cho biết: Ban Thường vụ Đảng ủy phường luôn tạo điều kiện cho các đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn. Đồng chí nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì sẽ cơ cấu là đại biểu HĐND. Đại biểu HĐND là đại diện cho nhân dân, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn mà không đại diện cho nhân dân thì có nhiều cái sẽ không thuận lợi. Do đó, chúng tôi phải cố gắng gắn Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn là đại biểu HĐND để đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm cho các đồng chí".

Nghị quyết 232 ra đời đánh dấu những thay đổi, quy định mới về chức danh, số lượng, phụ cấp... Tuy nhiên, để những cán bộ không chuyên trách ở thôn gắn bó lâu dài với công việc và để tạo nguồn kế cận hiệu quả hơn, có ý chí phấn đấu và cống hiến hơn, thiết nghĩ ngoài mức phụ cấp thì những cán bộ không chuyên trách ở thôn vẫn sẽ cần lắm một tấm thẻ BHYT, BHXH. Và có nên gắn với việc, phải là đại biểu HĐND thì mới có thẻ BHYT?

Thôn, bản, tổ dân phố như “cánh tay” nối dài của chính quyền cơ sở với nhân dân, được xem là “hệ thống chính trị” thu nhỏ trong cộng đồng dân cư. Nhưng khi chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách ở thôn chưa tương xứng thì đảng viên trẻ liệu có ngày càng ít đi và có chăng lại muôn vàn nỗi khó đi tìm nguồn kế cận...

Hoàng Việt Anh - Tống Hương


Hoàng Việt Anh - Tống Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]