(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi lần ngang qua nhà cũ, tôi vẫn hình dùng ra cái giếng khơi và cây bưởi với những quả bưởi tết chín vàng trong ký ức của mình. Một ký ức về thời kỳ đầy khó khăn, nhưng ngọt ngào.

Nhớ trái bưởi tết ở làng xưa

Mỗi lần ngang qua nhà cũ, tôi vẫn hình dùng ra cái giếng khơi và cây bưởi với những quả bưởi tết chín vàng trong ký ức của mình. Một ký ức về thời kỳ đầy khó khăn, nhưng ngọt ngào.

Nhớ trái bưởi tết ở làng xưa

(Ảnh: HĐ)

Vườn trước nhà tôi, ngay sát giếng nước có một cây bưởi xum xuê lá cành. Cây bưởi dù cho quả ngọt nhưng nhiều khi sâu trên lá bưởi hay mỗi khi đàn chim đậu trên cành thường thả chất thải xuống giếng. Nhiều lần bố định chặt bỏ, nhưng rồi lại thôi. Bố mất công đan một chiếc trành tre đậy trên miệng giếng để giữ lại cây bưởi. Cây bưởi vì thế đi qua biết bao rằm tháng tám, rồi những mùa bưởi tết.

Thông thường những quả bưởi đẹp thường được chọn để dành đến tết, còn quả xấu hơn thì bứt để ăn vào dịp tết trung thu.

Khi hái những trái bưởi tết đem ra chợ bán, mẹ lại thường đem về cho chúng tôi chiếc áo, chiếc quần hay đôi dép mới. Không có những quả bưởi ấy chưa chắc chúng tôi đã có áo đi chơi tết. Đó cũng chính là lý do khiến tôi có động lực để thức khuya hơn, vừa học bài, cũng là vừa ra vẻ trông những quả bưởi không bị bứt trộm.

Qua thu, những quả bưởi dần chuyển vàng và ngày càng mọng nước hơn đe dọa đứt lìa cành bất cứ lúc nào. Nhất là những đợt mưa tháng chín và những cơn bão muộn luôn thử thách cả nhà tôi. Những chiếc rọ đay được bố đan vội để đỡ những quả bưởi tránh bị va đập, rơi rụng. Mỗi lần gió rít qua đầu hồi, tôi lại lẩm nhẩm khấn thần gió không cướp những quả bưởi đi. Một cách nghĩ rất trẻ con, nhưng qua đó phản ánh khát vọng được mặc quần áo tết của những đứa trẻ ở làng như tôi mãnh liệt tới chừng nào.

Rồi bão cũng qua, những quả bưởi càng thêm mọng nước càng tăng sự hấp dẫn. Nhiều lần đứng ở giếng nước, ngước nhìn lên, phải đấu tranh quyết liệt lắm chúng tôi mới không hái bưởi để ăn. Những quả bưởi yên vị trên cành cho đến tận những ngày cuối cùng của tháng chạp.

Ngày hái bưởi đi chợ bán, bố dùng chiếc câu liêm tự chế khều từng trái bưởi, mẹ thì hứng chiếc bì ở dưới, còn tôi và mấy đứa trẻ hàng xóm lăng xăng ra vẻ lắm nhưng kỳ tình chả giúp được gì, nhiều khi còn làm vướng chân người lớn.

Cây bưởi tồn tại cho đến tận khi tôi đi học đại học. Có lần tôi viết thư gửi về nhà hỏi bố, mẹ xem những quả bưởi như thế nào rồi, đứa bạn cùng phòng nhìn thấy đem kể khắp ký túc xá. Tôi không giận, mà còn tự hào vì hành trình đến với giảng đường của tôi có sự góp sức của những quả bưởi tết ấy.

Hồi sinh viên, mỗi khi về tết, lũ bạn rủ nhau đạp xe đi chơi khắp huyện, còn tôi thì vẫn co ro trong chiếc áo mưa đứng nép mình ở lối vào chợ để bán bưởi. Những quả bưởi ấy không chỉ là tâm huyết, công chăm sóc, trông coi của bố, mẹ. Vào tết những quả bưởi ấy còn có một vị trí quan trọng trên bàn thờ ở nhiều gia đình để làm nên mâm ngũ quả đẹp mắt và ý nghĩa.

Giữ những quả bưởi từ tháng ba lúc ra hoa, lớn lên qua mưa nắng, vì thế khi hái bưởi tết cảm xúc như vở òa. Hơn cả giá trị vật chất, cây bưởi còn phản ánh nét văn hóa chăm sóc vườn nhà của nhiều gia đình ở làng quê một thời.

Càng ngày nhu cầu dùng bưởi tết càng nhiều hơn. Nhiều gia đình không chỉ dùng bưởi để bày mâm ngũ quả trên bàn thờ, mà còn dùng để tiếp khách ngày tết. Nhưng bây giờ quả bưởi tết không còn phải trải qua những cảm xúc như trước nữa. Bưởi được trồng thành trang trại ở nhiều nơi với nhiều giống bưởi ngon và đẹp mắt phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng tiêu dùng. Dù là vậy thì những quả bưởi tết xưa vẫn có vị trí rất quan trọng trong tâm hồn những người sinh ra từ làng.

Mỗi lần ngang qua nhà cũ, tôi vẫn hình dùng ra cái giếng khơi và cây bưởi với những quả bưởi tết chín vàng trong ký ức của mình. Một ký ức về thời kỳ đầy khó khăn, nhưng ngọt ngào vẫn sống động trong sâu thẳm tâm hồn, khiến cho những người xa quê thêm nôn nao nhớ làng cũ, người xưa.

Chỉ còn gần chục ngày nữa là tết. Tôi lại thẫn thờ ước mong mình trẻ lại, được lăng xăng chạy quanh gốc bưởi cùng những đứa trẻ trong xóm chờ bố, mẹ cho bưởi vào quang gánh ra chợ bán.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]